Vợ chồng con trai tôi ở riêng trên phố. Cả tháng tôi chỉ gặp mặt các con có 1 lần. Xưa nay, trong nhà tôi chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn. Tôi vẫn nghĩ mình may mắn vì gia đình hạnh phúc, ấm êm.
Khi con dâu sinh , tôi được con trai nhờ lên thành phố chăm con dâu và cháu nội. Tôi vui vẻ nhận lời. Tôi không ngờ, “cơn ác mộng” của tôi bắt đầu từ đó.
Tôi vừa lên, con dâu đã rào đón, nói phủ đầu: “Con đã bảo nhà con thuê người giúp việc để mẹ khỏi vất vả nhưng anh ấy không nghe. Anh ấy bảo chẳng gì bằng bà trông cháu. Việc nuôi cháu, con đã nghiên cứu kỹ càng theo khoa học. Chắc mẹ sẽ thấy khác hẳn cách mẹ chăm trẻ ngày xưa”.
Tôi là người nhà quê, cũng tự biết bản thân hạn chế về kiến thức khoa học nên chẳng tự ái khi con dâu “giảng bài” chăm trẻ thời hiện đại. Thôi thì vì cháu nội mình, tôi sẽ cố gắng để vừa ý con dâu.
Để hoàn thành các công việc trong ngày, tôi quay như chong chóng. Sáng nào mở mắt ra, tôi cũng thấy một chậu tã lót cao chất ngất chờ sẵn trong nhà tắm. Con dâu tôi không cho giặt máy đồ của con nên tôi phải giặt tay và tách riêng từng loại. Quần áo phải xả 4 lần nước và sấy thật khô. Giặt đồ xong, tôi lại vội vàng đi chợ. Tôi không biết đi xe máy nên phải đi bộ hơn 2km để mua đồ. Thực đơn được con dâu tôi lên sẵn và thay đổi mỗi ngày, toàn những món cầu kì, rất mất thời gian chế biến. Ngày 3 bữa cơm, nấu nướng ngơi tay, tôi lại phải vội vàng vệ sinh nhà cửa. Con dâu tôi sợ nhà bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của con nên ngày nào cũng nhắc: “Mẹ nhớ hút bụi và lau sạch giúp con”. Nhà 3 tầng, chỉ lên xuống thôi đã mệt, vậy mà ngày nào tôi cũng phải lau từng bậc cầu thang.
Tôi còn phải làm vô số những công việc khác như: Rửa bát, là quần áo, tưới cây, chuẩn bị dụng cụ vắt sữa, nước tắm cho cháu mỗi ngày... Lúc nào rảnh, tôi lại bế cháu cho con dâu làm việc cá nhân hoặc ngủ.
Con trai tôi bận việc cơ quan, đi từ sáng sớm đến tối mới về. Tuần đầu con dâu còn yếu tôi tự nhủ: “Mình cố làm. Khi nào con dâu khỏe sẽ làm bớt việc nhà”. Nhưng những ngày sau đó con dâu tôi vẫn không hề có ý định làm gì, chỉ chăm chú vào việc bế con.
Sau 2 tuần, tôi sụt 3kg, lúc nào cũng thấy mệt và thèm ngủ.Tôi thấy có lẽ công việc osin là quá sức đối với một bà già sắp sang tuổi 60. Đã vậy, tinh thần tôi lúc nào cũng căng thẳng vì những câu nói khó nghe của con dâu. Khi thấy tôi làm gì không vừa ý, con dâu tôi nói: “Con đã bảo mẹ rồi mà mẹ chẳng nghe. Mẹ làm thế này thì không thể được”. Rồi khi tôi khuyên nhủ gì, con dâu tôi đều gạt đi và nói: “Mẹ chẳng biết gì. Thời bây giờ chẳng ai làm thế nữa đâu”. Lúc tôi chưa kịp tráng bình, đun nước pha sữa cho cháu thì con dâu tôi nói: “Bà chậm chạp quá, thế này thì cháu chết đói mất thôi”....
Ảnh minh họa |
Khi sống cùng nhà, tôi mới biết bản chất của con dâu. Khác hẳn với vẻ hiền lành, lễ phép mỗi khi về quê, khi ở nhà mình, con dâu tôi trở thành người cầm trịch trong mọi việc. Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh con dâu và con trai tôi cãi vã. Lần nào con dâu cũng nói to hơn, chê trách con tôi vụng về, vô tâm, không khôn khéo bằng người...
Sang tuần thứ 4 thì tôi ốm. Tôi thấy toàn thân đau nhức, trán nóng bừng bừng. Con trai đang đi làm, tôi nói với con dâu: “Nay mẹ mệt quá, con ru thằng bé ngủ rồi tự nấu cơm đi nhé”. Con dâu tôi mặt lạnh tanh đáp lại: “Mẹ vào phòng nằm nghỉ, đóng chặt cửa lại không lây sang cháu. Để con gọi bà ngoại sang giúp một hôm”.
Tôi về phòng nằm được một lát thì thấy khát nước nên cố gắng dậy đi lấy cốc nước uống. Ngang qua phòng con dâu, tôi thấy con dâu tôi đang nói chuyện với mẹ đẻ của mình: “Con đã nói từ đầu là con không thích để bà ấy lên chăm cháu nhưng chồng con chẳng chịu nghe. Mới chăm cháu được vài hôm đã lăn ra ốm. Mà giờ bà ốm con cũng chịu, không dám đến gần. Lỡ chẳng may bà bị cúm lây bệnh sang con và thằng bé thì biết làm thế nào? Chẳng biết bà lên giúp là phúc hay họa?...”
Nghe những lời thốt ra từ miệng con dâu, tôi trào nước mắt. Ngay lập tức, tôi quay lại phòng mình, thu dọn hành lý và gọi taxi về. Tôi đã nói với con trai và con dâu là tôi về quê chữa bệnh, nghỉ ngơi và tôi không có ý định quay lại làm osin cho con dâu nữa.
Thế nhưng, tôi mới về được 2 tuần con trai tôi lại gọi điện nài nỉ: “Mẹ lên giúp chúng con đi chứ mình vợ con không xoay xở được. Cô ấy đã thuê 2 người giúp việc nhưng mỗi người làm được mấy hôm họ đều chạy mất dép rồi”.
Tôi rất thương con trai và cháu nội. Theo mọi người, tôi có nên đi giúp con cháu nữa không?
Theo Phương Ngọc (Dân Việt)