Lang thang trên phố mua đồng nát lại bắt gặp chồng từ nhà nghỉ đi ra

25/02/2018 11:40:22

Câu chuyện chiều cuối năm khiến tôi cứ ám ảnh mãi. Tôi không thể tin, điều gì khiến một phụ nữ vất vả cực khổ, đơn độc nuôi con, trả nợ lại có thể chấp nhận chồng ăn trắng mặc trơn, đi cặp bồ, có con riêng mà vẫn không từ bỏ.

Đến sát Tết tôi mới dọn về nhà mới nên 27-28 Tết vẫn còn ngổn ngang đồ đạc. 5h chiều 27 Tết, may quá tôi lại nhờ được 2 chị “đồng nát” vào lau chùi, quét dọn nhà mới. Vì quá gấp, lại thuê trọn gói nên tôi giao chìa khóa nhà cho các chị dọn thâu đêm, lúc nào mệt mỏi thì nghỉ. Sáng hôm sau, với gương mặt phờ phạc, ánh mắt vằn tia máu, các chị cho biết đã dọn suốt cả đêm. Không chỉ vì tôi cần nhà gấp mà các chị cũng muốn làm nhanh để tranh thủ đi làm nhà khác “kiếm Tết”.

Lang thang trên phố mua đồng nát lại bắt gặp chồng từ nhà nghỉ đi ra
Chị đã không quản công việc nặng nhọc, bẩn thỉu để cố kiếm tiền trả nợ, nuôi chồng con (Ảnh minh họa IT)

Tôi lại giữ thêm các chị để giúp tôi kê đồ đạc. Trong lúc cùng làm, một tên là Hương xởi lởi tâm sự. Chị cho biết, chị sinh năm 1973, quê ở Nam Định, đã có hai con gái lớn. Một con đang học đại học năm thứ 2 nhưng con bé mới 5 tuổi. Chị bảo, chị lên Hà Nội đã được gần 20 năm, kiếm tiền trả nợ, xây nhà, nuôi con, nuôi chồng.

Dù chị nói chuyện với chồng nên can ngăn bố mẹ, không thể xây nhà bằng tiền vay mà trong nhà chỉ có hơn 1 mẫu ruộng, không biết trông vào đâu để trả. Nhưng chồng chị vùng vằng “không biết”, “không thể trái lời bố mẹ”, “là con dâu trưởng không thể cãi lời bố mẹ”…  Thế là chị phải bán 7 chỉ vàng là của hồi môn, vay mượn khắp nơi được ít tiền, rồi chị bế bụng tự tay nung gạch, tôi vôi, xây được căn nhà cũng coi là tươm tất nhất nhì xã hồi đó.Chị kể, chị cưới chồng từ năm 19 tuổi. Hai gia đình đều làm nông, ở gần nhà nhau. Nhà chồng chị có tới 4 anh em trai, chồng trị là cả. Hai vợ chồng cũng chỉ làm ruộng, chị chạy chợ thêm để có đồng ra đồng vào. Nhưng sau khi cưới được 1 năm, khi chị đang bụng mang dạ chửa thì bố mẹ chồng chị họp gia đình, yêu cầu vợ chồng chị phải vay mượn tiền để xây nhà, làm gương cho các em và làm bố mẹ nở mày nở mặt.

Làm xong được căn nhà chị nằm ở cữ, với một đống giấy ghi nợ vây quanh mình. Khi chị bàn với chồng nên làm cái này, cái nọ để kiếm tiền trả nợ thì chồng chị sẵng giọng: “Bố dí c… vào. Mày tự vay thì tự đi mà trả”. Thế là con gái hơn 1 tuổi, vừa dứt sữa, chị để con lại một mình ra Hà Nội để kiếm việc làm thêm.

Chị làm đủ nghề từ lau dọn nhà cửa, mua bán giấy vụn, đồng nát, buôn bán hoa quả, bán nước chè, đi khuân vác ở chợ hoa quả. Mỗi ngày chị dậy từ 3-4h sáng, đến 10-11h đêm mới lê tấm thân mỏi mệt về nhà trọ. Vì tiết kiệm tiền, chị và 3-4 chị em cùng xã thuê một phòng trọ hơn 10m2, sống chui rúc, chật chội, ăn cơm bữa đói bữa no. Bù lại mỗi tháng chị cũng gửi về nhà được 3-4 triệu rồi 5-7 triệu để một phần trả nợ, một phần góp tiền chi tiêu trong gia đình, nuôi con.

Theo lời chị kể là vợ chồng chị được phần cho 5 sào ruộng, nhưng cứ đến mùa vụ là chồng chị lại réo điện thoại bắt chị về nhà để cấy, gặt, trồng trọt, làm cỏ… Họ hàng có hiếu hỉ, cần lo khoản tiền lớn, tiền nhỏ cũng đều réo chị về. Khi chị thủ thỉ bảo chồng phải chia sẻ việc đồng áng để chị tập trung kiếm tiền trả nợ thì chồng chị lại văng: “Bố dí c… vào làm”. Thế là chị lại tiếc ruộng, tiếc của, về quê sấp ngửa cấy cấy, gặt gặt, xong lại lê thân lên Hà Nội để bán mặt trên đường phố.

Hai năm gần đây, trong một lần lê la các phố mua đồ đồng nát trên phố Hà Nội, chị phát hiện chồng chị dắt tay một phụ nữ từ nhà nghỉ đi ra. Chị không tin vào mắt mình, chỉ đến khi chạy sổ đến, 3 mặt một lời chị mới tin là thật. Chị căm phẫn nhảy lên cào cấu đôi gian phu thì chồng chị đẩy chị ngã xuống đất, mắng chị “đồ điên” rồi kéo người tình đi.Quần quật hơn 10 năm, trả xong nợ chị mới dám sinh đứa con thứ 2. Cứ tưởng đã được ở nhà với con nhưng chồng chị vẫn lười chảy thây, chỉ ăn rồi vắt áo lên vai đi rượu chè rong khắp nơi, về lại nã tiền chị. Ở nhà không yên, cũng không có tiền cho con lớn đóng học, con bé mua sữa, chị lại lên Hà Nội lê la kiếm việc.

Về quê tìm hiểu, chị mới biết hóa ra chồng chị đã cặp bồ từ lâu. Người phụ nữ đó có nhà ở Hà Nội nhưng về Nam Định làm việc nên quen chồng chị. Hai người đã có con 7 tuổi. Có khi tiền chị gửi về nhà cho chồng đều chảy vào túi cô bồ của chồng cũng nên. Gần đây, chị lại nghe tin hai người có thêm một đứa con gái.

Dù chị đau khổ, phẫn uất nhưng chị không dám ly hôn. Vì bố mẹ chị cùng làng, nếu ly hôn thì ảnh hưởng đến thanh danh bố mẹ, ông bà buồn khổ. Mà nếu chị ly hôn thì chị cũng không có chỗ mà về, vì nhà chị xây trên đất của bố mẹ chồng. Hơn nữa, con gái chị ai trông nom, chị không thể tha con lên Hà Nội để sống trong nhà thuê chui rúc, khổ sở như chị bây giờ được.

Dù đã 45 tuổi nhưng chị Hương vẫn còn nét xuân sắc, chỉ có nỗi đau đớn hằn sâu trong đáy mắt và đôi tay thật sự sù sì như bàn chải, đầy các vết sẹo. Tôi phẫn nộ hỏi dồn dập: “Sao chị có thể phung phí cuộc đời làm trâu ngựa cho một người chồng tệ hại như vậy, cam chịu để anh ta và gia đình chồng bóc lột đến tận xương mà không phẫn nộ, không phản kháng, không biết yêu lấy bản thân mình một chút?”. Chị chỉ buồn rầu: “Thì cũng quen rồi. Con cái lớn không muốn làm các con xáo trộn. Còn thằng chồng thì kệ đi, bây giờ mình kiếm tiền để nuôi con thôi”.

Tôi thực sự muốn bổ đầu người phụ này để xem não chị ấy cấu tạo thế nào mà lại chấp nhận cuộc sống như vậy? Tôi không hiểu nổi đến giờ vẫn còn người phụ nữ coi chồng là trời, còn bản thân mình như con giun, cái kiến để mặc anh ta giày xéo như vậy?

Theo Gia Linh (Dân Việt)