Mọi người bảo bà đừng đa nghi thì bà nói: “Nó đi với trai về tận nhà hỏi sao tôi không nghi?”. Tôi nghe mà buồn hết sức.
Chồng tôi là người tốt, chỉ có điều anh quá nghe lời mẹ. Tôi cũng không trách anh điều đó. Bố anh mất sớm, một mình mẹ nuôi dạy anh nên người thì chuyện anh nghe lời mẹ cũng là hiển nhiên. Đám cưới tôi cũng không được quyền tự quyết định vì mẹ chồng đã quyết hết rồi. Kể cả váy cưới, áo dài cưới cũng do chính tay mẹ chồng chọn cho tôi.
Khi về làm dâu, biết mẹ chồng khó tính nên tôi cố hết sức làm vừa lòng bà. Dù cũng đi làm ngày 8 tiếng nhưng tôi vẫn nấu ăn đủ 4 món bữa trưa chiều. Sáng tôi phải dậy thật sớm quét dọn vườn, sân sạch sẽ, mua đồ ăn sáng cho mẹ chồng rồi mới đi làm. Thậm chí ngày chủ nhật tôi cũng chẳng có thời gian nghỉ vì phải dọn dẹp nhà cửa, giặt chăn mền.
Mẹ chồng tôi không những không tin còn mắng tôi đi với trai rồi bịa chuyện. (Ảnh minh họa) |
Mẹ chồng tôi chỉ có duy nhất chồng tôi nên cưng chiều anh lắm. Hồi mới cưới, thấy tôi rửa bát, anh cũng xuống phụ. Mẹ chồng tôi chẳng nói gì, đợi lúc dọn cơm bà mới nói. Bà chê trách tôi hà hiếp chồng, con trai bà nuôi suốt mấy chục năm chưa cho đụng tay vào thứ gì nay lại đi rửa bát cùng vợ. Chồng tôi biện minh nhưng anh càng nói mẹ chồng tôi càng giận. Bữa cơm hôm đó tôi cố nuốt cũng chẳng trôi được vì nghẹn ngào. Từ đó về sau tôi không cho chồng phụ giúp mình bất cứ việc gì nữa.
Mẹ chồng đối với tôi không quá gần gũi cũng chẳng quá xa lạ. Bà vẫn trả lời mỗi khi tôi hỏi chuyện, vẫn gật đầu khi tôi chào đi làm. Nhưng giữa tôi và bà cứ có một khoảng cách nào đó mà tôi cố lắm vẫn không vượt qua được. Nói cách khác, chỉ có mình tôi chủ động trong mối quan hệ.
Mối quan hệ giữa tôi với mẹ chồng càng khó chịu hơn sau lần bà thấy tôi đi cùng xe với một anh đồng nghiệp. Hôm ấy tôi dự liên hoan ở công ty, khi ra về thì xe đã thủng lốp khi nào rồi. Bất đắc dĩ tôi phải để xe lại công ty rồi đi nhờ bạn về.
Vậy mà mẹ chồng tôi không những không tin còn cho rằng tôi đi với trai rồi bịa chuyện. Vì chuyện này mà gia đình tôi căng thẳng một thời gian dài. Mãi đến khi tôi có bầu mọi chuyện mới nhẹ nhàng hơn.
Nhưng khi tôi sinh con, mẹ chồng vẫn chẳng xuống. Bà bảo đợi tôi xuất viện rồi về nhà luôn, bà xuống cũng chẳng để làm gì. Bố mẹ tôi đều bận nên tôi phải về nhà chồng ở cữ. Mỗi bữa, mẹ chồng chỉ đem cho tôi một bát cơm với ít rau, ít thịt như kiểu bố thí cho ăn mày. Suốt một tháng ròng tôi chẳng được ăn một miếng móng, miếng giò cho có sữa. Vì thế nên con trai tôi cứ èo uột khóc suốt.
Bà bế nó đi khắp làng rồi hỏi mọi người nó có giống chồng tôi không? (Ảnh minh họa) |
Khi thằng bé được hơn 4 tháng, mẹ chồng tôi bắt đầu bế nó đi khắp làng. Tôi cản thì bà cho rằng tôi: “Sợ con thằng nào khác nên mới cản”. Càng cay đắng hơn khi tôi nghe mọi người kể lại, mẹ chồng tôi bế cháu đi tới nhà họ chơi. Ngồi một chốc bà lại hỏi: “Nhìn nó có giống thằng Kiên không?”, “Sao tôi nhìn mãi chẳng thấy nó giống thằng Kiên lúc nhỏ, cũng chẳng có nét nào giống mẹ nó hay dòng họ nhà này?”. Thậm chí có khi bà còn hỏi thẳng thừng: “Nhìn nó có giống thằng A, B hay C (những anh trong làng tôi, trong công ty tôi mà bà biết tên) không?”
Mọi người bảo bà đừng đa nghi thì bà nói: “Nó đi với trai về tận nhà hỏi sao tôi không nghi?”. Tôi nghe mà buồn hết sức. Chồng tôi cũng cau có trách bà chuyện đó, bà còn nói phải đi xét nghiệm cho nó yên tâm, biết đâu nuôi con tu hú thì sao?
Tôi buồn quá. Có nên đưa thằng bé đi xét nghiệm cho vừa lòng mẹ chồng không mọi người?
Theo Hạnh Trà (Trí Thức Trẻ)