Có lúc con có thể ăn cùng bố mẹ bữa cơm thì cũng chẳng nói với nhau được mấy lời cháu lại ôm lấy cái điện thoại, chát chít rồi cười một mình. Vợ chồng tôi cũng tự an ủi nhau: con có phận của con, con cháu khoẻ mạnh, thành đạt, ăn nên làm ra là bố mẹ mừng rồi. Nhưng nhiều lúc cũng thấy trống trải.
Tết cổ truyền của mọi người là sum họp gia đình, người thân quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên, mừng mừng rỡ rỡ hỏi han, chia sẻ công việc năm ngoái, dự định năm nay.
Riêng gia đình tôi đã 2 năm nay, tất niên chỉ có hai vợ chồng, giao thừa cũng trơ trọi hai thân già, còn mùng một vẫn là “hai gương mặt thân quen”. Từ khi làm ăn khấm khá, các tôi có “văn hoá” đi du lịch suốt từ 25-27 tháng chạp đến mùng 4-5 năm sau mới về.
Có năm các cháu đi xuyên Việt, rong ruổi đón Tết trên đường, năm ngoái đi Thái Lan. Các con tôi bảo: Ở nhà cả năm với bố mẹ, chỉ có ngày nghỉ Tết là dài nên phải tranh thủ đi chơi.
Ảnh: Mugenn |
Trước khi đi du lịch, con dâu tôi luôn sắm Tết đầy đủ, hoa quả, bánh kẹo, giò chả chẳng thiếu thứ gì. Chúng còn chu đáo chuẩn bị từng gói quà, phong bao lì xì để cho vợ chồng tôi đi tặng, đi biếu họ hàng và mừng tuổi những đứa trẻ đến nhà chúc Tết. Con dâu cũng chu đáo sắm đủ quần áo mới cho bố mẹ, tặng quà cho em chồng.
Nhưng khó nói nhất là khi đi thăm họ hàng hoặc có người đến nhà, ai cũng hỏi thế con cháu đâu thì vợ chồng tôi không biết trả lời ra sao. Khi tôi phân trần: Các con nó bận rộn cả năm cũng nên để các cháu tự do vui chơi dịp Tết thì họ hàng đều cười cười.
Nhưng ánh mắt họ đầy ái ngại nhìn hai vợ chồng tôi. Gặp những gia đình ông bà, con cái, cháu chắt dẫn nhau đi hội xuân, đi thăm hỏi họ hàng, tôi cũng buồn phiền đến tức ngực. Thời khắc giao thừa, sáng mùng 1 Tết chỉ có trơ khấc hai thân già với nhau, hai vợ chồng tôi cũng không vui được.
Năm nay, 25 Tết, con trai, con dâu và 2 cháu đã chuẩn bị “xách balo lên và đi”. Cũng như mọi năm, các cháu “mua Tết” cho bố mẹ rất đầy đủ. Mới 20 mà gia đình tôi đã có cây đào thế đắt tiền, thêm chậu mai hoa vàng rực. Năm con gà nên con trai tôi chu đáo mua cả trái dừa, trái bưởi có in hình gà nổi, cả cây quất cảnh cũng có dáng gà.
Chồng tôi nhìn đống hàng hoá chất đầy trong nhà liền nổi giận. Ông ấy bảo muốn đi hú hí bên ngoài thì đi cho rảnh nợ, không phải làm trò “cáo khóc gà”. Đừng có nghĩ đến việc chất đầy quà Tết là có thể lấp đầy cảm xúc trống trải của cha mẹ khi phải chịu cảnh “không con cháu”.
Chồng tôi bảo nếu con tôi tiếp tục đi du lịch Tết thì sau này đừng nhìn mặt cha mẹ. Tôi thấy căng thẳng cũng ngỏ ý muốn con ở nhà thì con dâu sưng sỉa mặt mày. Con trai tôi thì bảo, con có cuộc sống riêng, không thể sống cuộc sống của cha mẹ. Bố mẹ buồn thì con cho tiền mà đi du lịch…
Tôi thật sự chạnh lòng. Chẳng nhẽ lớp trẻ bây giờ không còn coi trọng giá trị truyền thống, sẵn sàng để bàn thờ gia tiên nguội lạnh, cha mẹ lủi thủi để đi du lịch vào dịp Tết? Hay tôi đã quá lạc hậu?
Trần Thị Mai (Hà Nội)
Theo Dân Việt