Tôi là một phụ nữ trung niên thuộc thế hệ 6x, là độc giả trung thành của quý báo nên tôi đọc hầu hết các bài viết trong mục này. Tôi thấy có một vấn đề rất cũ mà luôn nóng, đó là quan niệm về trinh tiết. Tuy là một phụ nữ tương đối truyền thống và bảo thủ ở một vài khía cạnh nhưng tôi không hài lòng khi đọc những ý kiến cho rằng "phụ nữ phải giữ trinh tiết cho chồng" và "tôi đã chấp nhận, tha thứ để cưới cô ấy vì cô ấy không còn trong trắng"...
Tôi rất không đồng tình với cách sống dễ dãi của một phần không nhỏ trong giới trẻ ngày nay như đưa nhau vào nhà nghỉ sau một tuần quen, nhưng tôi cũng cực lực phản đối quan niệm cho rằng chồng là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất sự trong trắng của tôi. Cơ thể tôi là của tôi, tôi dạy con gái phải trân trọng bản thân, rằng con có tôn trọng mình thì người khác mới tôn trọng con. Tôi không dạy con phải có nghĩa vụ giữ gìn sự trong trắng đó cho một người mà con sẽ gọi là chồng sau này.
Chắc có nhiều bạn sẽ phản đối rằng đó là truyền thống từ bao đời, tôi đồng ý. Nhưng chắc các bạn cũng thừa biết việc lấy vợ gả chồng ngày xưa đâu có dễ như ngày nay. Ngày xưa các cụ lấy vợ cho con thì phải mang lễ, vàng bạc trâu lợn đến nhà gái, bởi thế mới có câu: "Mất tiền mua mâm đâm cho thủng". Các cụ mất nhiều tiền mua dâu nên các cụ đòi hỏi. Ngày nay đám cưới hai nhà tốn ngang nhau, nhiều khi nhà gái còn tốn hơn, nhà trai mất gì đâu mà đòi "đâm cho thủng".
Các anh bây giờ, mấy anh còn tân đến khi lấy vợ mà đòi con gái nhà người ta phải giữ cho được sự trong trắng. Lỗi không chỉ ở đàn ông, lỗi ở phụ nữ chúng ta đã cho phép đàn ông tin vào điều đó và tự cho mình cái quyền đó. Thế mới có chuyện các cô cuống lên đi vá hoặc mua đồ giả về để lừa chồng đêm tân hôn. Tại sao các cô gái không ngẩng cao đầu nói với những người "cả gan" hỏi về sự trong trắng rằng: "Nó là của tôi, tôi có quyền sử dụng. Anh là kẻ đến sau nếu không chấp nhận thì thôi. Sẽ có người tốt hơn anh chấp nhận tôi".
Động chạm đến vấn đề rất nhạy cảm này tôi chấp nhận bị phản đối, ném đá, nhưng tôi vẫn vui vì ít nhất một lần công khai quan điểm của mình. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 rồi, truyền thống dân tộc cái gì tốt đẹp thì ta gìn giữ nhưng những hủ tục không văn minh nên bỏ, phải vậy không các bạn?
Theo Linh (VnExpress.net)