Làm quần quật cả năm chỉ để tiêu xài trong 3 ngày Tết này, nhà nào cũng thịt thà chất đầy tủ lạnh, chỉ bởi Tết đến là phải vài ba mâm cỗ thiết đãi khách khứa. Và đã gọi là mâm cỗ ngày Tết là phải sao cho cao cho đầy, cho lắm món để đỡ bẽ mặt với khách.
Nhớ năm ngoái 3 ngày Tết, 9 lần sửa soạn mâm cỗ. Có hôm vừa ăn bữa trưa qua, khách mới đến chúc Tết, lại phải bê mâm mới rồi nài ép bằng được khách ngồi xuống ăn chút ít với uống chén rượu, gắp miếng thịt. Khách chối đây đẩy, xua tay liên tục nhưng đã là chủ nhà thì phải thể hiện rõ sự hiếu khách, nhiệt tình kẻo mang tiếng.
Cả năm có mỗi 3 ngày Tết nên lúc nào cũng phải thể hiện hiếu khách kẻo sợ mang tiếng. (Ảnh minh họa) |
3 ngày Tết, 1 chiếc bánh chưng chỉ mất đúng một góc, còn lại nguyên 5 miếng cứ bê ra bê vào. Đôi khi khách quý đến, lại cắt chiếc bánh khác vì sợ khách chê mâm ăn dở. Nghĩ lại vẫn thấy hãi, cái cảnh tượng Tết nhất mà lúc nào cũng túc trực ở nhà hơn “trực chiến”, vì sợ đi vắng, khách đến lấy ai nấu nướng, lấy ai bưng cỗ, lấy ai dọn dẹp.
Ở nhà trực Tết đã vậy, chồng đi chúc Tết về cũng than thở đến nhà nào cũng gà cũng thịt, cũng bánh chưng, nem rán, canh măng không khác gì nhà mình. Đến đâu cũng bị ép ngồi mâm, uống hai chén rượu và gắp vài củ dưa hành mới được đứng lên đi tiếp.
Lúc nào cũng mâm cao cỗ đầy, nấu nướng dọn dẹp. (Ảnh minh họa) |
Ngẫm lại thấy Tết cũng kỳ lạ. Lúc nào cũng phải đầy đủ lễ nghi thủ tục, mâm cao cỗ đầy cho mát mặt với khách khứa họ hàng. Tiền bạc thì tiêu như nước. Cả năm dành dành dụm dụm, tiết kiệm chi li từng đồng từng hào. Nhưng đến lúc đi sắm Tết thì tiền như mọc cánh bay đi. Sẵn sàng chi mạnh tay để mua vài con gà đặc sản với mấy kg thịt trâu thịt lợn chất đầy tủ lạnh. Ăn uống thừa bứa hoang phí, nhưng cứ không có lại sợ thiếu.
Còn khoản chúc Tết họ hàng. Lăn lăn xả xả tranh thủ từng ly đi được vài nhà. Sà mỗi nhà vài phút, vội vội vàng vàng mừng tuổi cho các cháu kẻo sợ quên, sợ sơ xuất. Rồi lại kéo nhau đi vì lo không đến đủ các nhà, lại bị trách bên trọng bên khinh.