Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà: "Không ít cô gái cho rằng mình “lăn lộn” ở nhà chồng tương lai, thể hiện mình là dâu hiền, vợ thảo thì người ta sẽ phải nhanh chóng cưới mình. Nhưng càng làm như thế đám cưới càng lâu đến và có thể không bao giờ đến.
Mọi việc từ nhỏ đến lớn, em đều xắn tay vào làm: nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa... Ban đầu, em cảm thấy hạnh phúc vì được tham dự vào công việc nhà người yêu… Nhưng lâu dần, cứ hai tuần một lần về thăm hỏi, “làm quen” với gia đình “chồng tương lai” khiến em cảm thấy sợ.
Có những thời điểm em mải bù đầu với khóa luận tốt nghiệp, vậy mà cứ nửa tháng mẹ anh ấy lại gọi điện xuống bảo nhớ, muốn hai đứa về thăm nhà. Nhưng nào ngờ, cái “về thăm nhà” ấy là dọn dẹp nhà cửa từ tầng trên xuống tầng dưới, giặt giũ quần áo từ lớn đến bé. Sau khi ra trường đi làm, em thường lấy cớ bận việc để ít phải về nhà anh hơn. Nào ngờ “tránh trời không khỏi nắng”. Vợ chồng anh trai của người yêu em làm việc và thuê nhà ở gần chỗ em nên mỗi lần đi chơi đều đem con sang gửi em trông giúp. Ban đầu chỉ thưa thưa, về sau, anh chị được thể một tuần mang con sang gửi em tới 2-3 buổi. Không phải em không yêu trẻ con, nhưng cả ngày đi làm, tối về lại làm người giữ trẻ nên cảm thấy rất mệt mỏi.
Em mệt mỏi với vai trò làm dâu hờ. (ảnh minh họa) |
Điều khiến em mệt mỏi và cân nhắc đến chuyện từ hôn là mặc dù đã ra trường gần 1 năm, công việc ổn định rồi nhưng em vẫn chưa thấy gia đình anh đả động gì đến chuyện cưới xin. Dù ngại nhưng em cũng đã xa gần đề cập chuyện này với người yêu nhưng anh ấy lại nói bố mẹ muốn chúng em ổn định hơn nữa rồi mới cưới. Nghe bố mẹ nhắc câu “con gái có thì”, em chỉ muốn đề nghị trả lễ, từ hôn và nói lời chia tay với anh để tìm cho mình một cơ hội mới chứ sống mãi với phận “dâu hờ” thế này em mệt mỏi và tự ái lắm. Em rất cần lời tư vấn của chuyên gia và bạn đọc để có quyết định sáng suốt.
Hoa Minh
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa:
Bạn thân mến!
Tôi nghĩ câu chuyện “dâu hờ” trên đây không chỉ là bài học đắt giá cho riêng bạn mà cũng rất bổ ích với không ít cô gái thời nay chưa làm đám cưới đã vội vã về làm dâu, làm vợ người ta. Có lẽ bạn nghĩ rằng đó là cách thể hiện mình là dâu hiền, vợ thảo thì người ta sẽ phải nhanh chóng cưới mình? Nhưng bạn không biết rằng càng làm như thế đám cưới càng lâu đến và có thể không bao giờ đến.
Gia đình anh ta muốn có con dâu để lau chùi dọn dẹp nhà cửa, làm cỗ, rửa bát trong những ngày giỗ tết, vì thế cứ ít hôm lại nhắn gọi bạn về để làm những việc đó và bạn cứ ngoan ngoãn về nai lưng ra làm việc cho họ. Tôi đoán là trong những ngày bạn ở đấy chắc ban đêm cũng chung phòng với anh ta như vợ chồng. Vậy thì việc gì họ phải cưới bạn nữa? Cho đến một ngày chính người yêu của bạn sẽ nhàm chán bạn và lại nổi máu thèm khát những cô gái khác, giống như đàn ông có vợ thèm đi ngoại tình. Và thế là cuộc chia tay diễn ra trong thất vọng ê chề thuộc về người con gái.
Trong mỗi đàn ông luôn tiềm ẩn nỗi khát khao "của lạ", cho dù không hơn "của quen". Muốn cho người yêu cưới mình, đừng bao giờ làm vợ anh ta trước khi cưới. Nếu anh ta càng khao khát được làm chồng bạn thì ngày cưới càng đến nhanh. Nhưng nếu bạn đã là vợ anh ta rồi động cơ cưới sẽ giảm đi, thậm chí mất hẳn. Và người anh ta muốn cưới có thể sẽ là một cô gái khác mới lạ chứ không phải là bạn.
Tôi đồ rằng người muốn trì hoãn đám cưới chính là người yêu của bạn, chứ không chắc đã phải là gia đình anh ta đâu. Trước mắt, bạn chưa cần phải trả lễ hay từ hôn vội. Hãy đợi mươi hôm khi mẹ anh ấy nhắn gọi “con dâu” về làm ô-sin không công và anh ấy bảo bạn về thì bạn nên trả lời: "Sau đám cưới em sẽ về làm dâu, làm vợ anh, còn bây giờ chưa danh chính ngôn thuận em không về". Nếu anh ta còn muốn cưới bạn thì anh ta sẽ xúc tiến việc đó còn nếu anh ta vẫn định kéo dài vô thời hạn thì bạn cần đưa ra một cái hạn và đến ngày đó nếu anh ta vẫn không muốn tiến hành việc cưới hỏi thì bạn hãy trả lễ, từ hôn.
Bạn mới 23 tuổi, tương lai hãy còn dài.
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà (Dân Việt)