15 năm nuôi con chồng, thiên hạ nói tôi chỉ là kẻ “bắt tép nuôi cò”, nhưng cuối cùng tôi lại được hưởng hạnh phúc ngọt ngào từ cô con gái này.
Ngày đó tôi 27 tuổi, lứa tuổi chưa phải già cũng không còn quá trẻ để nghĩ tới chuyện kết hôn. Tôi đã trải qua vài mối tình đẹp nhưng không đến được với nhau. Sau đó, tôi quen với một người đàn ông đang cảnh “gà trống nuôi con”. Anh là người chu đáo, kiên nhẫn và có trách nhiệm với gia đình, nhưng vì tính cách và lối sống khác biệt nên anh và vợ đã chia tay nhau.
Chẳng hiểu sao ngay từ lần đầu nói chuyện tôi và anh đã tâm đầu ý hợp, tôi như trúng phải tiếng sét ái tình, còn anh ái ngại vì sợ tôi sẽ tổn thương với miệng đời thiên hạ và phải khoác lên mình một trọng trách lớn lao mang tên “mẹ kế”.
Ban đầu, gia đình và bạn bè tôi phản đối kịch liệt, thậm chí nhiều người còn cho rằng tôi bị khùng mới tự vơ gánh nặng đó vào người. Nhưng tôi quyết tâm gắn bó và tin rằng anh sẽ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho tôi.
Từ ngày về sống với bố con anh, con gái anh mới 10 tuổi nhưng khép kín, nó hầu như không nói chuyện ai. Nhiều lần tôi cố gắng để hòa đồng nhưng con bé vẫn giữ cái mặt lạnh tanh. Vì từ ngày bố mẹ nó ly hôn, con bé bỗng trở nên khác lạ và ít nói.
Tôi đã thành mẹ đẻ của con gái chồng lúc nào không hay (ảnh minh họa) |
Chồng tôi lo ngại không khí gia đình căng thẳng nên bàn với tôi gửi con bé về ở với ông bà nội một thời gian nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi bắt đầu lên kế hoạch để nghe được tâm sự của con bé, giúp nó trở lại là đứa trẻ vô tư, hồn nhiên như nó vốn có.
Tôi nhận đưa đón con bé đi học mỗi ngày thế nhưng chỉ nhìn thấy tôi là nó đi hướng khác, không lên xe để “mẹ kế” chở. Cứ như thế, sau hơn 1 tháng tôi kiên trì đứng ở cổng trường dù mưa hay nắng con bé đã chịu để tôi đưa đón đến trường.
Khi tôi có bầu, con bé càng khủng hoảng hơn, có lẽ nó lo sợ tôi sẽ cướp mất tình yêu thương của nó nên tôi luôn cố gắng chăm sóc và bù đắp cho con bé. Cho đến một ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm của con bé nói nó đánh nhau với bạn học cùng lớp. Tôi hốt hoảng chạy lên thì thấy con bé ngồi một góc lớp, nó không khóc, không xin lỗi bạn. Khi về nhà, nó đóng chặt cửa phòng không nói chuyện với ai.
Không thể nói chuyện trực tiếp tôi đành viết một bức thư rồi để trước cửa phòng con bé. Tôi nói ra hết những suy nghĩ của mình, luôn coi con bé như con đẻ, tôi muốn được gần gũi, quan tâm nó như một người mẹ thực sự… Có thể sau bức thư ấy nó hiểu hết chỉ là không biết bày tỏ tình cảm yêu quý của mình với bà “mẹ kế” thôi.
Cứ thế khoảng cách giữa tôi và con bé đã được rút ngắn lại, nó mở lòng hơn với tôi, chịu để tôi chăm sóc, lo lắng cho nó. Mỗi lần đi cùng tôi, con bé đều giới thiệu với bạn bè nó: "Đây là mẹ mình". Khi con bé đỗ đại học, nó nhất quyết đòi tôi đưa đi nhập học.
Nếu như ai đó nói cuộc đời là một phép màu thì tôi đang được hưởng trọn vẹn phép màu ấy. (Ảnh minh họa) |
Thấm thoát đã hơn chục năm trôi qua, con bé giờ thành một thiếu nữ xinh đẹp. Con bé vẫn ít nói nhưng những hành động của nó tôi biết nó đã coi tôi là mẹ đẻ từ lâu rồi. Có đợt tôi ốm nặng, con bé xin phép nghỉ làm nửa tháng để về chăm tôi, rồi mỗi khi vợ chồng tôi có chuyện, nó đều bênh “mẹ kế” vì không muốn làm tôi buồn.
Niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là được con bé xem tôi như mẹ đẻ. Cùng tôi chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nếu như ai đó nói cuộc đời là một phép màu thì tôi đang được hưởng trọn vẹn phép màu ấy.
Theo Ngọc Linh (Khampha.vn)