Những ngày qua, trên YouTube, Facebook liên tục xuất hiện hình ảnh quảng cáo của Quyền Linh. Video nam MC nói về những căn bệnh mạn tính, trĩ, gan, thận... sau đó lồng quảng cáo thuốc trị bệnh tràn lan trên mạng.
Khi được Tiền Phong đặt câu hỏi về tính chân thực của các video, Quyền Linh khẳng định anh không quảng cáo bất kỳ loại thuốc trị bá bệnh nào. Đó hoàn toàn là video cắt ghép. Nam diễn viên đã thu thập bằng chứng, nhờ công an vào cuộc và mong pháp luật xử lý nghiêm.
"Tôi không ký bất kỳ hợp đồng quảng cáo thuốc trị gan thận, thuốc trĩ, hạ đường huyết, xương khớp... nào cả. Đối tượng lừa đảo tinh vi, cắt ghép hình ảnh của tôi từ các chương trình tư vấn sức khỏe cùng bác sĩ", Quyền Linh nói.
Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, việc Quyền Linh lên tiếng giải thích không quảng cáo thuốc trị bệnh trên mạng không hiếm vì chưa có chế tài để xử lý sâu sắc và tận gốc rễ vấn đề này.
"Mức phạt cũng còn quá nhẹ và không có tính răn đe so với lợi ích mà những đơn vị làm sai trái thu được. Đây không phải hiện tượng mới và sẽ còn tái phát trong tương lai nếu không có định hướng xử lý thỏa đáng mang tính chất toàn diện", ông Quang Minh nói.
Đây cũng là vấn đề được ông Lê Cao Sĩ của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề cập trong cuộc gặp với báo chí. Ông Sĩ cho biết phần lớn các nội dung quảng cáo lừa đảo đặt máy chủ tại nước ngoài. Cơ quan phải làm việc cùng Bộ Thông tin và Truyền thông để thắt chặt nhà mạng.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo lợi dụng kẽ hở pháp luật. Trường hợp người đăng tin giả chỉ phạt hành chính, không khép tội hình sự nên chiêu trò ngày càng tinh vi, biến tướng ảnh hưởng đến nhiều người.
Mạng xã hội là kênh giao tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả. Người nổi tiếng cũng nhờ Facebook, Instagram... để quảng bá sản phẩm. Đó vừa là mặt lợi, vừa là mặt hại. Hiện tại, nghệ sĩ dễ đánh mất danh tiếng nếu sản phẩm một số thực phẩm không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng khiến khán giả bất bình.
Vì vậy dẫn đến thực trạng khán giả khá dửng dưng, mất niềm tin vào nghệ sĩ. "Khán giả không tin nghệ sĩ một phần ngoài chuyên môn làm nghề, nghệ sĩ còn vô tư và chưa có nhiều kiến thức để bảo vệ hình ảnh của chính mình. Chính vì vậy họ gặp nhiều tai nạn về hình ảnh mà đôi khi họ nghĩ đó là chuyện nhỏ, nhưng mức độ lan truyền và ảnh hưởng tới thị hiếu của khán giả là không hề nhỏ", chuyên gia nói.
Nghệ sĩ không oan
Ông còn nói thêm rằng điều này về lâu dài bào mòn niềm tin của khán giả. Đôi khi khán giả thích một nghệ sĩ biểu diễn, đóng phim. Nhưng hỏi khán giả có tin tưởng vào nghệ sĩ đó hay mua sản phẩm nghệ sĩ đó quảng cáo hay không thì câu trả lời là không.
Thực trạng nghệ sĩ quảng cáo tràn lan là không hiếm, đặc biệt là diễn viên phim truyền hình, một số nghệ sĩ mới nổi. "Họ quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng vì muốn kiếm tiền. Nhưng cũng có nghệ sĩ quảng cáo vì họ ngây thơ tin vào những cam kết không có cơ sở rõ ràng từ khách hàng. Họ không có đủ ê-kíp quản lý để kiểm tra mọi thứ cẩn thận trước khi tham gia quảng cáo sản phẩm. Tôi thấy việc này nhiều MC, diễn viên truyền hình gặp phải", ông Minh chia sẻ với truyền thông.
Hiện tại, các nhãn hàng rất khôn khéo khi mời nghệ sĩ có chi phí không quá cao, không quá hiểu biết về các hợp đồng thương mại quảng cáo, có độ phủ lớn tham gia các dự án. Các nghệ sĩ ký hợp đồng cũng không biết nhãn hàng quảng cáo trên các nền tảng với tần suất lớn và đôi khi gây phản cảm cho những người tiếp xúc.
"Nghệ sĩ không làm thương mại thì khó sống. Nhưng khi đã làm thì phải tìm hiểu rõ ràng và cẩn thận. Đôi khi chi phí thuê các nhóm pháp lý, kiểm tra hợp đồng, tính rõ ràng, minh bạch không quá cao, nhưng các nghệ sĩ không bỏ ra vì nghĩ không cần thiết, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về sau. Nhưng một mặt khán giả ngày càng tỉnh táo, họ nhận thức được đâu là những thông tin chính xác và thông tin thổi phồng", chuyên gia nói.
Trường hợp của Quyền Linh, tuy thừa nhận không quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, nhưng việc nam nghệ sĩ thường xuất hiện trong các chương trình bàn về sức khỏe khiến kẻ gian lợi dụng hình ảnh và ghép hình ảnh nghệ sĩ tràn lan vào các quảng cáo.
Theo ông Hồng Quang Minh, để tránh trường hợp tương tự, nghệ sĩ nên tìm các ê-kíp chuyên nghiệp, quản lý, pháp lý và sẵn sàng bước ra ngoài vòng an toàn để bước đầu tiên trên hành trình bảo vệ thương hiệu, hình của của chính mình. Danh tiếng là thứ vô hình, nhưng sự ảnh hưởng của nó lại là thứ nhìn thấy được. Nếu nghệ sĩ hoạt động đơn độc, họ sẽ rất vất vả trong những trường hợp này.
Như vụ việc của Quyền Linh, anh thừa nhận đây là vấn đề phức tạp và ảnh hưởng rất nhiều tới nghệ sĩ. Bản thân nam diễn viên cũng không thể kiểm soát tình hình. Nam nghệ sĩ liên tục nhận bình luận chỉ trích vì khán giả cho rằng đây là hành động phi đạo đức, xem thường khán giả. Diễn viên Giao thời nhanh chóng nhận ra tầm nghiêm trọng của vụ việc và trình báo cơ quan chức năng.
Nhưng để nói rằng nghệ sĩ có oan không, chuyên gia nói "nghệ sĩ không oan" khi gặp những trường hợp bị khán giả chỉ trích vì quảng cáo. "Có những nghệ sĩ quảng cáo sai, nhưng họ cũng đáng thương vì hợp tác không an toàn với các nhãn hàng không lành mạnh. Khán giả đại chúng luôn có quyền lên án những điều gì họ thấy chưa đúng, họ là làn sóng lớn. Nghệ sĩ nếu không chuyên nghiệp và tỉnh táo thì sẽ luôn bước vào những nỗi oan và chính họ cũng là nạn nhân trong đó", ông Hồng Quang Minh nói với Tiền Phong.
Theo Trạch Dương (Tiền Phong)