Kể từ khi livestream, chưa biết cái được của vợ Xuân Bắc đến đâu nhưng có thể thấy, cô đã mất khá nhiều thứ. Sự đấu tranh nào cũng có những giá phải trả.
Có thể hiểu vì sao từ đầu đến cuối, Xuân Bắc không hề lên tiếng về câu chuyện mà vợ anh chia sẻ. Ngay cả khi vợ bị đồng nghiệp cùng Nhà hát với mình là NSƯT Kim Oanh “đá xéo”, bị Trang Trần xúc phạm... anh vẫn chứng tỏ bản lĩnh của một người đàn ông, không để cảm xúc cá nhân chi phối.
Nghệ sĩ Xuân Bắc luôn kín tiếng với các vấn đề cá nhân và chuyện riêng tư |
Không phải anh bỏ mặc vợ mà có lẽ là vì anh không đồng tình với cách thức giải quyết vấn đề của Hồng Nhung. Hoặc cũng có thể vì những bằng chứng mà Hồng Nhung cung cấp là chưa đủ thuyết phục, mang màu sắc cảm xúc cá nhân là chính. Nếu bênh vợ thì đụng chạm đến đồng nghiệp, khiến câu chuyện càng trở nên rối rắm, ầm ĩ hơn. Vậy nên, giải pháp khôn ngoan nhất chính là im lặng hoặc làm mà không cần nói.
Chính bà xã của Xuân Bắc cũng đã cho biết, khi livestream tố cáo trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội và NSND Anh Tú, cô đã phải giấu chồng. Nghĩa là Xuân Bắc đã lường trước được hậu quả nếu chọn mạng xã hội để đấu tranh, nhất là trong khi Hồng Nhung không phải là người nổi tiếng, không có hậu thuẫn mạnh mẽ từ fan để “lấy thịt đè người” trong các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội luôn có thừa sự nhiệt tình và chăm chỉ comment.
Hồng Nhung tố cáo bị đồng nghiệp của chồng chèn ép nhưng lại thiếu bằng chứng thuyêt phục và không có lượng fan hùng hậu |
Vì bản tính bộc trực hay “vì động cơ gì”- như câu dùng của NSND Anh Tú thắc mắc, có lẽ chỉ Hồng Nhung mới giải đáp được. Nhưng qua câu chuyện này có thể thấy, Hồng Nhung đã để lộ “gót chân asin” của mình.
Sai lầm đầu tiên của Hồng Nhung đó là đưa cả vấn đề chung và riêng cùng lúc ra công luận. Từ một vấn đề tưởng chừng rất chính đáng là đấu tranh đòi quyền lợi cho sinh viên có một nơi học hành xứng đáng với tiền học phí mà các em bỏ ra, Hồng Nhung còn sa đà vào việc lên án nhà trường nghe lời NSND Anh Tú tư vấn để gạt cô ra khỏi hội đồng chấm thi tốt nghiệp.
Chính điều này đã khiến dư luận không khỏi liên hệ rằng, vì cô không được ngồi chấm thi nên mới cay cú tố cáo trường về cơ sở vật chất. Dù trên thực tế, việc cô bức xúc và từng nhiều lần đề nghị trường mua sắm bàn ghế, đồ dùng học tập cho sinh viên đã diễn ra từ vài tháng trước đó.
NSND Anh Tú trong phim truyền hình "Chiều ngang qua phố" của đạo diễn Trịnh Lê Phong (ảnh VTV) |
Khi “động cơ” bị coi là bức xúc cá nhân thì rất khó tìm được sự đồng cảm của số đông. Vì thế, ngay cả khi Hồng Nhung chưng ra các bằng chứng tin nhắn để chứng minh cô đã nhiều lần hỏi Anh Tú nhưng bị anh lờ đi thì công chúng vẫn mặc định một cách tiêu cực rằng, cô đang “ngụy tạo bằng chứng” để “hạ bệ” Anh Tú. Điều này càng khiến sự đấu tranh của Hồng Nhung trở nên nan giải và dễ rơi vào bế tắc hơn.
Sai lầm thứ 2 là cô tố cáo NSND Anh Tú nhưng lại không có bằng chứng cụ thể. Hơn nữa, đó lại là một người thuộc hàng “cây đa cây đề” của sân khấu phía Bắc, có đội ngũ “fan” đông đảo là học trò nhiều thế hệ và nghệ sĩ tên tuổi - những người rất dễ tạo nên sự cộng hưởng từ công chúng.
Thử đặt giả thuyết, nếu người lên án là nghệ sĩ Xuân Bắc, dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng chắc chắn, với một lượng fan hùng hậu và nhiều bạn bè thân thiết là nghệ sĩ, anh sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Câu chuyện Minh Hằng tố Hồ Ngọc Hà chèn ép ở The Face 2017 vừa qua là một ví dụ. Với lý lịch chưa từng có scandal về cuộc sống cá nhân, lời tố của Minh Hằng ngay lập tức nhận được sự chia sẻ của đông đảo công chúng đứng về phía mình. Bạn bè cô trong giới showbiz cũng “góp gió thành bão”, khiến Minh Hằng trở thành “người hùng”, dù tính xác thực của thông tin chưa chắc đúng.
Trong khi đó Hồng Nhung được biết đến là vợ của Xuân Bắc, cô có fan tương đối nhưng tiếng nói của họ ít được chú ý. Chưa biết cô có đạt mục đích hay không, nhưng qua chuyện này, cô đã mang đến cái “được” cho nhiều người đang cố tình ăn theo để nổi tiếng nhưng lại làm người thân của mình mất đi nhiều thứ.
Sự đấu tranh nào cũng mang đến những cái giá đắt đỏ. Nếu không có sự khôn ngoan, giỏi giang thì tổn thất lại càng nặng nề gấp bội.
Sau câu nói "nếu ông mà làm giám đốc thì tôi ly hôn" của Hồng Nhung bị chế khắp "cõi" mạng |
Cái sai chồng cái sai khi chỉ vì muốn khẳng định bản thân không vụ lợi, không có ý đồ với vị trí giám đốc nhà hát mà chồng cô là một ứng viên, Hồng Nhung đã mang chuyện hôn nhân của mình ra để “thề độc”. Thực tế việc chồng cô có là ứng viên hay không mới chỉ là đồn đoán và Hồng Nhung đã tự rơi vào thế... việt vị.
Chính ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, người có một phần vai trò trong việc giới thiệu cán bộ cho vị trí đó cũng phát biểu rất dè chừng, đó là quyết định của Bộ, cá nhân ông không thể phát ngôn.
Trong khi đó, Hồng Nhung là người ngoài cuộc lại “cầm đèn chạy trước ô tô” một cách vô cùng hăng hái.
Sa đà vào cuộc tranh cãi với cựu mẫu Trang Trần |
Trong khi cô luôn một mực khẳng định rằng mình đấu tranh là vì học sinh nhưng thay vì chuyên tâm cho nhiệm vụ ấy thì cô lại phân tâm vào một câu chuyện mới: tranh luận với cựu người mẫu Trang Trần.
Từ chỗ nhận được nhiều sự ngưỡng mộ vì dám nói điều nhiều người lờ đi, Hồng Nhung đã biến câu chuyện của mình trở nên “đàn bà”, vụn vặt và mang tính ăn thua. “Chơi dao đứt tay” là vì vậy.
Facebook của Hồng Nhung giờ đã kiệm lời của chủ nhân hơn, báo chí cũng không còn dễ dàng để phỏng vấn cô như những ngày đầu livestream.
Nhưng hình như đã muộn, khi hình ảnh khóc lóc và câu nói “bá đạo” đòi ly hôn nếu chồng làm giám đốc đã lan truyền khắp “cõi mạng”, thậm chí còn bị biến tướng sang màu sắc bôi nhọ danh dự và đời sống cá nhân của chủ nhân một cách khó kiểm soát.
Nhưng sự đấu tranh của Hồng Nhung dù thành công hay thất bại cũng sẽ không vô nghĩa, khi đó sẽ trở thành bài học đắt giá cho những người gặp câu chuyện tương tự.
Theo Nguyên Lê (Giadinh.net.vn)