Món quà ấm áp của cặp vợ chồng mù
Nghệ sĩ Lê Bình sinh năm 1953, tuổi Quý Tỵ nhưng những lúc nói chuyện vui với bạn bè đồng nghiệp, con cháu, ông hay đùa mình tuổi "Tý Quỵ" nên cuộc đời mới gian truân như thế.
Nghệ sĩ Lê Bình khổ từ phim tới đời thực. Cả một đời nặng gánh gia đình lo cơm áo gạo tiền, đam mê, tận tuỵ với nghệ thuật nhưng tới những ngày cuối cùng trong cõi trần ai này, ông vẫn khổ, vẫn nghèo...
Nhưng Lê Bình có một thứ tài sản mà những người giàu bạc tỉ cũng chưa chắc có được. Đó chính là những tình cảm yêu thương của đồng nghiệp, khán giả dành cho ông.
Trong thời gian nghệ sĩ Lê Bình nằm viện 175, có một cặp vợ chồng mù không biết bằng cách nào đã dẫn dắt nhau đến tận giường bệnh trên lầu 1 của bệnh viện để cổ vũ tinh thần.
Có cô gái từ Tiền Giang bắt xe đò, đi xe buýt lên Sài Gòn, hỏi thăm cho bằng được chỗ "chú Lê Bình dưỡng bệnh". Gặp ông, cô nói trong nước mắt: "Chú ơi, gia đình, chị em và hàng xóm của con xin góp chút tiền gửi chú bồi dưỡng, chú nhận cho tụi con vui".
Cô gái ấy đếm từng tờ tiền đưa cho nghệ sĩ Lê Bình với tổng cộng 1 triệu 400.000 đồng, chỉ chừa lại 70.000 đồng để đi xe về.
Còn nhớ trong đêm cuối cùng Lê Bình ở nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, anh em bạn bè, khán giả đến với ông rất đông. Họ không về ngay mà nán lại trò chuyện, hỏi han, kể nhau nghe, nhắc nhau nhớ những kỷ niệm liên quan đến cái tên Lê Bình.
Trong những người đến và ở lại với cố nghệ sĩ Lê Bình đêm ấy, có nhiều người đã đến 1 lần, 2 lần và ở với ông tới sáng chỉ vì... mai mốt hết gặp ông rồi.
Hơn 100 vòng hoa với rất nhiều người thăm viếng và họ ghi lại những dòng cảm xúc kín cuốn sổ tang. Người thương Lê Bình nhiều đến nỗi ông phải san sẻ bớt cho nhiều người khác. Và đó mới thật là tài sản lớn mà có nhiều tiền cũng chưa chắc có được.
Chú chạy xe ôm xin phúng điếu bằng tiền "cuốc xe"
Tương tự, nghệ sĩ Anh Vũ lúc đi xa cũng nhận được biết bao ân tình của khán giả và đồng nghiệp.
Còn nhớ khi nghệ sĩ Anh Vũ đột ngột ra đi nơi đất khách quê người, cả triệu con tim của đồng nghiệp, khán giả xót thương, nóng lòng trông mong ngày anh trở về đất mẹ. Mọi người chung tay, đóng góp để đưa anh về.
Và trong dòng người đến viếng nghệ sĩ Anh Vũ ngày hôm ấy, bên cạnh đồng nghiệp còn có rất nhiều anh em hậu đài các sân khấu. Thậm chí cả những tiểu thương ở chợ Bến Thành, các cô chú, anh chị bán vé số.
Trong số những người đó có một phụ nữ ở Cái Bè Tiền Giang, chị nghỉ một ngày làm đồng đón xe đò lên Sài Gòn từ sớm để thắp hương cho anh.
Chị nói trong nghẹn ngào "Tôi đã được nắm tay Anh Vũ khi anh về quê tôi hát cúng dường cho chùa cách đây không lâu. Nay nghe tin anh mất, tôi lên thắp cho anh nén hương rồi về quê đi mần tiếp".
Một đồng nghiệp của tôi kể, hôm đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, vì sợ kẹt xe nên anh đón xe ôm tới viếng. Vừa nghe anh nói tới chùa Ấn Quang, chú xe ôm nói ngay "con đi viếng Anh Vũ phải không". Anh gật đầu.
Khi đến nơi, chú xe ôm nhất định không lấy tiền mà bảo "con lấy chút tiền ấy vào phúng điếu Anh Vũ thay chú". Nói rồi chú xe ôm chạy đi mất khi anh còn chưa kịp hỏi tên để ghi vào phong bì.
Trước ngày an tang Anh Vũ, anh còn thấy messenger facebook của mình có tin nhắn chờ. Anh mở ra xem thì thấy tin nhắn của một bạn gái ở Hậu Giang mà anh chưa kết bạn. Cô gái này nói: "Anh ơi, có thể cho em xin số tài khoản, em gửi tiền phúng điếu Anh Vũ. Em ở xa quá lại đơn chiếc…".
Anh sững sờ vì dòng tin nhắn, không chỉ vì người lạ đó tin tưởng mình mà còn vì tình cảm mà họ dành cho nghệ sĩ Anh Vũ.
Cô gái đó chuyển vào tài khoản của anh 1 triệu với lời nhắn: "anh chỉ cần ghi em là khán giả hâm mộ nghệ sĩ Anh Vũ là được"!
Nợ ân tình, trả bao giờ cho hết?
Những tấm lòng và tình cảm ấy quý giá biết bao!
Có thể lúc sinh thời, cả nghệ sĩ Lê Bình và Anh Vũ đều không giàu có về tiền bạc, họ cũng có thể đau khổ nhiều trong cuộc đời nặng gánh cơm áo gạo tiền này nhưng họ đã có được một thứ tài sản quý giá - tấm chân tình của khán giả và đồng nghiệp dành cho mình.
Bỗng dưng, tôi nhớ tới lời của nghệ sĩ Cát Tường khi chị từ đám tang của nghệ sĩ Lê Bình đi về. Cuộc sống thật vô thường. Chỉ 1 tháng thôi nhưng 2 lần chị phải tiễn đưa đồng nghiệp về nơi cát bụi. Thế mới thấy, còn được sống, còn được làm nghề, còn được ăn cơm Tổ đã là phước đức lớn lắm.
"Sân si, hơn thua, ghét bỏ nhau để được gì. Nhắm mắt xuôi tay thì cũng buông bỏ hết. Khi ta gặp sự cố, xung quanh ta sẽ có bao nhiêu người bên cạnh, đó mới là giá trị. Khi có thể, hãy yêu thương nhau, đừng để thấy cắn rứt khi đã muộn màng", Cát Tường chia sẻ.
Nên chăng, người nghệ sĩ hãy bỏ qua những cuộc chiến ngầm để tranh giành vị trí ngôi sao, dẹp hết những chiêu trò scandal không lành mạnh, những hiềm khích để cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả.
Bởi danh hiệu cao nhất của nghề này, đời này chính là yêu thương, là tấm chân tình mà khán giả dành cho mình chứ không phải là những thứ hào quang ảo hay vật chất ngoài thân!
Theo Nguyên Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)