Hoạt động cách mạng nơi đây là đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 1940 – 1941 góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.
Địa chỉ đỏ cách mạng
Ngọc Trạo từ xưa được xem là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, những năm cuối thế kỷ 18, hưởng ứng chiếu “Cần Vương” của vua Hàm Nghi, trong làng đã có nhiều người đi lính cho cụ Tống Duy Tân và bản thân cụ Tống Duy Tân cũng đã từng qua lại vùng này nhiều lần để tuyển quân. Đến thời kỳ 1930 - 1931; 1936 - 1939, nơi đây là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí Đảng viên; Nhiều tổ chức quần chúng được thành lập như: “Hội tương tế ái hữu”; “Hội truyền bá Quốc ngữ”; “Hội đọc sách báo”… Những quần chúng giác ngộ cách mạng như: Tôn Viết Nghiệm, Tôn Viết Minh, Bùi Oanh … đã tích cực vận động nhân dân trong vùng tham gia các hoạt động cứu nước.
Chiến khu du kích Ngọc Trạo thời kỳ 1940 – 1941 được xem như “sợi chỉ đỏ” trong cao trào cách mạng. Ngày ấy, Ngọc Trạo là một vùng đất có địa hình tương đối hiểm trở, một vùng rừng núi cách xa với trung tâm tỉnh lỵ nhưng lại tiếp giáp với nhiều huyện trong tỉnh như huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung và tiếp giáp với huyện Nho Quan (Ninh Bình), gần với Bỉm Sơn, Yên Định… nên rất thuận lợi cho việc huấn luyện cán bộ, huấn luyện du kích, dễ dàng liên lạc với các khu căn cứ cách mạng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và xứ ủy Bắc Kỳ. Cả một bản làng nhỏ với 43 hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống nhưng được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và thuận lợi để lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng.
Cuối tháng 7/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chiến khu Ngọc Trạo. Cùng với việc thành lập chiến khu, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy cũng được chuyển về Ngọc Trạo. “Báo Tự Do” và các tài liệu tuyên truyền của Đảng trở thành một vũ khí tuyên truyền sắc bén, hiệu quả góp phần cổ vũ, động viên nhân dân khắp mọi miền hướng về chiến khu cách mạng.
Ngày 18/9/1941, Ban Lãnh đạo chiến khu quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về Hang Treo thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, cách Ngọc Trạo 15km. Đêm 19/9/1941 tại Hang Treo, dưới lá cờ đỏ sao vàng, đội du kích Ngọc Trạo – tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa sau này chính thức được thành lập với 21 chiến sĩ. Đây là một trong những đội du kích thoát ly sớm nhất sau khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) đánh dấu bước ngoặt về sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Thanh Hóa, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này.
Sau khi thành lập, đội du kích Ngọc Trạo đã phát triển nhanh chóng và gây nên tiếng vang lớn. Từ Chiến khu Ngọc Trạo phong trào đấu tranh lan rộng ra các địa phương trong tỉnh. Đến cuối tháng 9/1941 số du kích lên tới 80 người, trong đó có 8 chiến sĩ từ Ninh Bình vào và một số thanh niên của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình đang làm ăn và theo học ở Thanh Hóa cũng được giác ngộ và tự nguyện gia nhập đội du kích Ngọc Trạo. Ngày 25/9/1941, Ban Lãnh đạo quyết định dời địa điểm từ hang Treo về làng Ngọc Trạo và đóng quân tại đồi Ma Mầu.
Rạng sáng ngày 19/10/1941, thực dân Pháp bí mật cho quân tấn công vào chiến khu Ngọc Trạo. Sau gần một ngày quần thảo với quân giặc, ba chiến sĩ du kích là Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước đã hy sinh anh dũng, nhiều chiến sỹ khác bị bắt, bị thương. Ngay trong đêm 19/10/1941, đội du kích bí mật rời Ngọc Trạo lên đường về làng Cẩm Bào, thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Tối ngày 25/10/1941, dưới bóng cây đa Bái Nghè, làng Cẩm Bào các chiến sĩ du kích đã chia tay nhau phân tán về các vùng trong tỉnh, cùng nhân dân tiếp tục đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ cơ sở cách mạng, duy trì phong trào đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước.
Mặc dù ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Từ Chiến khu Ngọc Trạo ngọn lửa đỏ hang Treo - Ngọc Trạo đã lan tỏa về mọi miền quê tỉnh Thanh Hóa, bền bỉ cháy, là đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa vũ trang ở Bắc Trung Bộ góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân.
Vững bước để phát triển
Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn ấy, năm 1994, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với sự nỗ lực địa phương, được sự quan tâm của Nhà nước, di tích Chiến khu Ngọc Trạo từng bước được tôn tạo xứng đáng với tầm vóc của một chiến khu cách mạng cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước.
Ông Tôn Viết Phú, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo cho biết: “Phát huy tinh thần chiến khu Ngọc Trạo, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ tổ quốc, hàng trăm người con của Ngọc Trạo đã lên đường nhập ngũ. Nhiều người đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ. Cả xã hiện nay vẫn còn trên 100 người là thương binh và những người hưởng các chính sách như thương binh…
Trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Ngọc Trạo luôn đoàn kết, nổ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường khai thác tối đa tiềm nằng, thế mạnh xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, bệnh xá…cùng những công trình phúc lợi, văn hóa được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, từng bước được cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Là cái nôi của cách mạng nên công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công luôn được xã đặc biệt quan tâm. Hàng năm vào các dịp lễ, tết công tác thăm hỏi, tặng quà luôn đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Toàn xã hiện vẫn còn hơn 10% số hộ nghèo. Đến hết tháng 6/2018 xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 sẽ được công nhận là xã nông thôn mới”. - ông Phú cho biết.
“Là cái nôi cách mạng, một trong những chiến khu đầu tiên của cả nước nhưng sức lan tỏa, ảnh hưởng trong cộng đồng vẫn chưa cao. Ngoài một khu trung tâm đã được đầu tư xây dựng thì hang Treo, một phần không thể thiếu của Chiến khu Ngọc Trạo nhiều năm nay vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Hầu hết du khách chỉ tới vào các dịp lễ lớn và số lượng không nhiều. Làm sao để phát huy tối đa giá trị di tích, để mọi người con xứ Thanh và trong cả nước biết đến, tự hào về Chiến khu Ngọc Trạo – cái nôi cách mạng, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ noi theo vẫn luôn là trăn trở của Đảng bộ và chính quyền địa phương nơi đây…” – ông Phú bày tỏ.
Theo Mộc Miên (Dân Sinh)