Dự lễ tưởng niệm có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang; ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành bạn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình... cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Tại lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu đã đọc diễn văn tưởng niệm ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ các đức tốt: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Là người tài năng, lại biết giữ gìn rường mối quốc gia, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông đã ba lần xâm lược nước ta (vào năm 1258, 1285, 1288). Dưới sự lãnh đạo tài tình của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã ba lần đánh tan hàng vạn quân Nguyên Mông xâm lược. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Chiến thắng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng "thiên tài quân sự có tầm chiến lược, và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”.
Không chỉ biết đến với vài trò là một nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn soạn 2 bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc là “Binh Thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ; Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương, gọi là Sinh bi.
Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300), ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, ông được triều đình tiến phong chức Thái sư Thượng phụ Thượng quốc Công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là Đức Thánh Trần Cửu Thiên Vũ Đế, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài đối với non sông, đất nước ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc, cùng tri thức quân sự, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những giá trị văn hoá đặc sắc của khu di tích, ngày 18/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch. Năm 2012, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định vị thế, tầm vóc và giá trị của khu di tích danh thắng này; là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, các đại biểu cùng nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Vào lúc 23h, diễn ra nghi Lễ Khai ấn và Ban ấn đền Kiếp Bạc cho nhân dân và du khách thập phương. Ấn đền Kiếp Bạc gồm 4 phù ấn là: “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, đây là ấn quan trọng nhất thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho. Ấn thứ 2 là “Quốc Pháp Đại Vương” với ý nghĩa cầu Đức Thánh ban cho sức mạnh, uy quyền bắt mọi thế lực phải tuân theo những phép tắc, pháp luật. Ấn thứ 3 là “Vạn dược linh phù” với ý nghĩa cầu cho mọi người sinh sôi, phát triển, cầu tránh tà ma, bệnh tật. Ấn thứ 4 là “Phi thiên thần kiếm linh phù” với ý nghĩa cầu bình an, sát quỷ, trừ tà. Thông thường, khách thập phương xin tấm lụa vàng có in cả 4 phù ấn của đền về treo tại nhà hoặc mang theo bên minh, cầu được trấn trạch kỳ an, Phúc, Lộc, Thọ và vạn sự tốt lành.
Ban Tổ chức đã ban hơn 1 vạn ấn cho nhân dân và du khách thập phương.
Lễ tưởng niệm 718 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nằm trong khuôn khổ hoạt động Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018 diễn ra từ ngày 19/9 đến 29/9 (tức từ ngày 10/8 đến 20/8) với các nghi lễ, hoạt động: Lễ Khai ấn và ban ấn cho nhân dân, Lễ rước bộ; Lễ giỗ Đức Thánh Trần. Lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Lễ cầu an và Hội hoa đăng; đua thuyền truyền thống, diễn xướng hầu Thánh, trình diễn nghệ thuật múa rối nước...
Theo Việt Cường (Daidoanket.vn)