|
Video: Sơn Tùng hát mở màn chung kết Giọng hát Việt |
Hôm qua tôi định viết một dòng trạng thái trên trang cá nhân. Nội dung thế này: “Ngẫm thấy thời buổi của chiêu trò, của game show đã làm con người ta mải miết mà không giữ được giá trị riêng mình nữa. Còn đâu những con người chân chính, trong trẻo mà tôi từng gặp thuở ban đầu. Status này gửi tới các đồng nghiệp của tôi và những hệ luỵ…”.
Tôi biết nếu đăng dòng trạng thái đó, hẳn Tùng Dương sẽ mất cả ngày ngồi trả lời các bình luận của mọi người. Và tôi biết chắc chắn sẽ có nhiều bạn phóng viên gọi điện hoặc nhắn tin hỏi tôi: “Sao Tùng Dương lại trăn trở như vậy?”.
Sao Tùng Dương trăn trở? Vì Tùng Dương thấy những điều đáng trăn trở và cần lên tiếng.
Bạn bè cho tôi xem phần trình diễn khá sôi động của Sơn Tùng M-TP trên sóng truyền hình cách đây vài ngày. Nhưng tôi đã giật mình vì những ca từ rất phản cảm của Tùng trong bài hát của cậu ấy. “Lãng tử hào hoa/ It’s me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”.
|
Ca sĩ Tùng Dương. |
Việc tuyên ngôn của một cá nhân giữa đám đông là điều sẽ diễn ra hết sức bình thường nếu chúng ta biết thế hiện đúng mực cái tôi của mình. Điều đó rất quan trọng khi nó thể hiện nhân cách, phông văn hoá. Tôi cho rằng cách tuyên ngôn đặt mình cao hơn người khác là sự kiêu ngạo sai lầm. Nhưng tôi sợ rằng tất cả những yếu tố đó lại là chiến lược của 1 ê-kíp để gây dư luận. Một thứ mốt cũng là một căn bệnh khó chữa của showbiz.
Ở đây, sự việc đáng nói hơn khi Tùng là một ca sĩ. Tôi không nghĩ Sơn Tùng lại chỉ cho khán giả thấy hình ảnh mình quá nông như vậy. Một chân dung mà mọi người có thể đọc được một cách dễ đoán như thế.
Một buổi sáng, tôi gặp cặp vợ chồng người hàng xóm và cháu nhỏ con của anh chị trong thang máy. Chúng tôi chào hỏi nhau và mẹ cháu bé bảo: “Con chào chú Tùng Dương đi. Chú Tùng Dương là một ca sĩ nổi tiếng đấy.” Cháu bé trả lời: “Con không biết chú Tùng Dương, con chỉ biết chú… Sơn Tùng thôi!” Tôi và người hàng xóm đều bật cười.
Câu chuyện kể ra để thấy rằng Sơn Tùng là một ca sĩ đang có sức ảnh hưởng rất lớn với giới trẻ. Nhưng chính vì thế, Tùng phải ý thức được rằng mình mang một trọng trách rất lớn với các fan của mình. Cậu ấy phải hướng tới một hình ảnh tích cực chứ không phải tiêu cực. Khi người nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, anh ta phải biết mình cần tạo ảnh hưởng gì vì tạo ảnh hưởng sai, anh sẽ là người có lỗi với khán giả và cộng đồng.
Sơn Tùng biểu diễn trong chung kết The Voice. |
Quan điểm của tôi là không được phép để cái tôi của mình đặt trên cái tôi của người khác một cách ngạo nghễ như thế. Bởi điều đó chứng tỏ người ca sĩ chưa gạn lọc được cho mình những cái hay, cái tinh của âm nhạc nước ngoài. Mà lại là một sự sao chép tinh thần tiêu cực.
Hãy nói về chữ "ngông" - từ mà tôi thấy có những người đang sử dụng để lý giải cho hành động và thông điệp của ca sĩ trẻ này.
Có rất nhiều người đang hiểu chưa đúng về chữ ngông, sự ngông. Không phải cứ khoe khoang những thứ vật chất, tạo những scandal hay tuyên ngôn ầm ĩ không coi ai ra gì là ngông đâu. Theo tôi, đó chỉ là sự thích chơi nổi mà thôi. Hay có ngông thì cũng chỉ là cái cái ngông nông nổi.
Còn cái ngông thực sự của người nghệ sĩ là như thế nào? Bỏ qua những mưu cầu bình thường về vật chất thì điều quan trọng nhất là người nghệ sĩ thể hiện tính ngông cuồng trong tư duy sáng tạo nghệ thuật. Cần phải có sáng tạo thì nghệ thuật mới phát triển. Nhưng không vì thế chúng ta bất chấp để làm méo mó nghệ thuật. Nghệ thuật là không giới hạn nhưng đạo đức làm nghệ thuật cũng cần có giới hạn. Bởi vì đó mới là thiên chức và cái mà người nghệ sĩ cống hiến cho đời.
Có một cách hiểu khác về sự ngông là những thói hư tật xấu của người nghệ sĩ hay chúng ta thường gọi là “lắm tài nhiều tật”. Hãy nói về những trường hợp như Whitney Houston, Michael Jackson hay Amy Winehouse… Cuộc đời họ thực sự là bi kịch và lối sống của họ không hề đáng cổ suý. Nhưng họ vẫn được coi là những huyền thoại. Vì sao? Vì những gì họ cống hiến cho nghệ thuật, những gì họ để lại sau khi ra đi là vô giá và thành quả nghệ thuật của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Người trẻ giống nhau ở đam mê và khát khao. Nhưng khác nhau là có bộ óc để quán chiếu tất cả mọi mặt đời sống xung quanh ta. Tôi biết những người trẻ như Sa Huỳnh, cũng là một nghệ sĩ ở độ tuổi của Sơn Tùng. Nhưng cô ấy có cái nhìn về cuộc sống thật đẹp và sâu sắc với những sản phẩm âm nhạc có chiều sâu và cá tính riêng.
Tôi vẫn hy vọng những ca từ như thế của Sơn Tùng chỉ là bản năng của cậu ấy. Có lúc cậu ấy thích thể hiện sự bồng bột đó thì tôi mong cậu ấy hiểu rằng đó là sự bồng bột của tuổi trẻ không mang lại nhiều giá trị tích cực.
Còn trẻ chúng ta chưa thể có ngay một vóc dáng lớn. Qua năm tháng chúng ta mới trưởng thành. Nhưng để thực sự có một tầm vóc trong nghệ thuật vẫn phải là sự công nhận của đồng nghiệp, nhà chuyên môn và công chúng, chứ không phải chúng ta tự vỗ ngực mình lớn. Các bạn trẻ đừng dung dưỡng cho mình những giá trị sai lệch và buông thả. Hãy sống với khát vọng, hoài bão của mình và giữ cho mình hình ảnh sạch. Đó là cách để trở thành một nghệ sĩ lớn.
Theo Ca Sĩ Tùng Dương (Zing.vn)