Tự Long: “Tôi thiếu thốn tình cảm cha mẹ từ nhỏ”

04/02/2015 07:54:13

Từ bé đã sống cảnh xa bố mẹ, Tự Long luôn cảm thấy tủi thân khi so sánh với bạn bè.

Từ bé đã sống cảnh xa bố mẹ, Tự Long luôn cảm thấy tủi thân khi so sánh với bạn bè.

Lớp 7 đã biết kiếm tiền

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi có bố mẹ đều thuộc lứa đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Năm 1974, “liền anh” Vũ Tự Lẫm - bố của Tự Long lọt “mắt xanh” của đạo diễn Trần Vũ với vai diễn anh Hai Chi trong phim “Đến hẹn lại lên”. Bộ phim mang lại thành công ngoài mong đợi cho NSND Như Quỳnh, tạo đà đưa bà đến với nhiều vai diễn đặc sắc khác. Còn “liền anh” Vũ Tự Lẫm thì coi điện ảnh chỉ là mối duyên ngắn hạn nên sau này, mỗi khi nhắc đến bộ phim “Đến hẹn lại lên”, rất ít người biết, vai nam chính là diễn viên Vũ Tự Lẫm, lại càng không biết ông chính là cha ruột của diễn viên Tự Long.

Tự Long kể rằng, vì bố mẹ công tác ở thị xã Bắc Ninh, nhưng nhà ở huyện Từ Sơn nên suốt cả tuổi thơ, anh phải sống với bà nội trong căn nhà lợp mái bằng tranh, tường thì trát bằng đất. Chỉ khi nào nghỉ hè thì mới được lên thị xã chơi với bố mẹ. Suốt từ lúc 9 tháng cho đến 15 tuổi, anh chỉ “bám váy bà” mà lớn lên. Vất vả, đói ăn thì quen được, nhưng thiếu thốn tình cảm là điều mà Tự Long thấy tủi thân nhất.

“Năm tôi 15 tuổi, bà nội lúc đó cũng yếu hơn nên tôi lên thị xã ở với bố mẹ, nhưng cứ hè là về quê với bà. Nhàn rỗi, ông chú cho mượn cái xe đạp rồi đóng cho thùng kem đi bán suốt cả mùa hè. Lúc đầu, tôi thấy xấu hổ với bạn bè trang lứa lắm, hễ thấy người quen là nghiêng cái nón để che mặt. Được cái, tôi bán hàng cũng có duyên nên hôm nào cũng hết vèo 100 que kem. Giá lúc đó khoảng 200 đồng một que, lãi tính ra cũng được mười mấy nghìn đồng một ngày. Tôi để lại một ít để mua quần áo, sách vở, còn đâu là đưa hết cho bà giữ”, Tự Long nhớ lại.

Ngoài công việc ở Nhà hát Chèo Quân đội, Tự Long (trái) luôn là nghệ sĩ đắt show với các chương trình hài.

Kiếm được tiền, nhưng Tự Long biết rõ, đó chỉ là để mưu sinh chứ không thể coi là một nghề được. Năm 1991, tốt nghiệp trung học, Tự Long học trung cấp xây dựng chứ không chọn nghệ thuật vì đó không phải là mơ ước của anh. Trong tính toán của anh, chỉ có xuất khẩu lao động mới có thể làm thay đổi cuộc đời. Không biết có phải do “cái số” hay vì “nghiệp” nghệ thuật vận vào người mà chờ mãi không được xuất ngoại, vậy là Tự Long bất đắc dĩ phải thi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc (bây giờ là Bắc Giang). Đang học thì Đoàn chèo Hà Bắc thấy anh có khả năng hát chèo nên mời về đoàn theo diện vừa học vừa làm.

Được một thời gian, nhiều người khuyên Tự Long lên Hà Nội để tìm cơ hội phát triển khả năng, “chứ ở đoàn của tỉnh vừa trầy trật về cuộc sống, lại hay bị lối mòn trong diễn xuất”. Nhưng vốn là diễn viên “cứng” của Đoàn chèo Hà Bắc nên khi có ý định rời đoàn, Tự Long không được chấp thuận. “Ngày xưa đi đâu là phải tách khẩu. Giờ muốn đi thì phải lấy được hồ sơ ra để có cái nhập vào nơi mới. Sau tôi phải dở chiêu trò mới đi được, đó là tìm cách rút trộm hồ sơ. Tôi học ở Trường ĐH Sân khấu điện ảnh được 1 học kỳ rồi thì Đoàn chèo mới biết. Thế là họ lên trường đòi người về. Thầy trưởng khoa phải đứng ra bảo vệ, lúc đó Đoàn chèo Hà Bắc mới chịu”, Tự Long nhớ lại.

Năm 1998, tốt nghiệp Khoa Chèo Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Tự Long được tuyển về Nhà hát Chèo Việt Nam. Nhưng số anh dường như không ở lâu được một chỗ nên mới được 2 tháng thì Đoàn Chèo Quân đội lại xin về. Thấy môi trường Quân đội ổn định, lại giải quyết được vấn đề nan giải nhất khi đó của anh là không phải lo chỗ ăn ở, với người lương ba cọc ba đồng như anh khi đó thì đây quả là “điều khoản” khá hấp dẫn. “Lúc đó, tôi cũng không nghĩ là sẽ đi theo con đường binh nghiệp đâu, chỉ nghĩ cái trước mắt là được ổn định thôi. Ai ngờ lại gắn bó đến tận bây giờ”, Tự Long nói khi đã trở thành Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.

Vốn sống làm nên thành công

Để có được như hôm nay, Tự Long bảo, anh đã phải làm việc với đúng nghĩa của từ “hùng hục”. Ai gọi cũng đi, việc gì cũng làm, bất kể là vai “ba lăng nhăng” hay cát-xê thấp. Ngoài công việc ở cơ quan, lúc đó phong trào quán âm nhạc ở Hà Nội đang rất thịnh nên tối tối, Tự Long lại làm thêm ở các quán nhạc sinh viên. “Quân số” là hát, nhưng với tài ăn nói tháo vát, đôi khi Tự Long còn đảm nhiệm luôn cả vai trò dẫn chương trình.

Ngay cả khi đã là trưởng đoàn, Tự Long cũng không nề hà bất cứ việc gì. Cũng lăn xả vào cùng anh em để căng phông bạt, dựng sân khấu, khuân vác đạo cụ… Anh bảo, người làm quản lý không phải chỉ có giỏi nghề mà phải hiểu hết các công việc phía sau sân khấu. Và Tự Long tự hào vì mình đã trải qua hết các vai trò trong một nhà hát để có được sự trải nghiệm hôm nay. Đó cũng chính là lý do để khả năng diễn xuất của Tự Long không bị đóng khung ở một dạng vai cụ thể như rất nhiều nghệ sĩ gặp phải, mà nguyên nhân phần nhiều là do họ ít quan sát và thiếu vốn sống thực tế. Tên tuổi của Tự Long vì thế cũng vượt ra khỏi khuôn khổ một nhà hát để trở thành người của công chúng với nhiều dạng tính cách. Không chỉ là những vai diễn hài hước qua các chương trình hài của VTV, Tự Long còn xuất sắc với những vai khó như Chu Văn An trong vở “Chu Văn An - người thầy của muôn đời” năm 2013 và vai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong vở “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sáng trong như ngọc một con người” năm 2014… Trong sự nghiệp hát chèo, Tự Long cũng là người giành được số huy chương, bằng khen kỷ lục. Đến nay, anh đã có chẵn 10 huy chương toàn quân và toàn quốc với 3 bạc, 7 vàng.
 
Theo Minh Nhật (Giadinh.net.vn)

Nổi bật