Chiều 15-2, ban Tuyên giáo thành ủy, sở VH-TT TP.HCM tổ chức buổi lễ trao nhà cho đạo diễn - NSND Huỳnh Nga.
Đại diện công ty Đức Khải trao quyết định tặng nhà cho NSND Huỳnh Nga - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Căn nhà trao tặng cho NSND Huỳnh Nga, rộng khoảng 73m2, trị giá hơn 2 tỉ đồng, nằm ở chung cư Khánh Hội 1, đường Bến Vân Đồn, Q.4.
Trước đó, 40 năm qua, gia đình NSND Huỳnh Nga sống trong căn hộ 65m2 tại một chung cư cũ ở đường Trần Đình Xu, Q.1 với 13 nhân khẩu.
Bà Thân Thị Thư - trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chia sẻ: “Dịp tết Đinh Dậu vừa qua, bí thư Đinh La Thăng và một số lãnh đạo thành phố đến thăm và chúc tết gia đình NSND Huỳnh Nga. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn và lắng nghe nguyện vọng của gia đình, bí thư đã chỉ đạo ban Tuyên giáo, sở VH-TT và một số cơ quan đề xuất nơi ở mới cho chú Huỳnh Nga. Hôm đó là 24 tết, đến 25 tết thì chúng tôi nhận được thông tin công ty cổ phần Đức Khải đã đồng ý tặng nhà cho NSND Huỳnh Nga. Có thể nói đây là lần đầu tiên có một công ty đồng hành hỗ trợ cho văn nghệ sĩ có công, đóng góp cả cuộc đời cho nghệ thuật nước nhà".
Bà Thân Thị Thư cũng cho biết: "Bí thư cũng đã đề nghị chúng tôi rà soát lại những nghệ sĩ có những đóng góp lớn cho nghệ thuật còn khó khăn, huy động sự chung sức của xã hội để chăm lo cho họ. Sự chăm lo này không chỉ giúp họ vượt qua những khó khăn mà còn là sự tri ân sâu sắc. Hy vọng, sau căn nhà mở đầu dành cho NSND Huỳnh Nga, sẽ tiếp tục có nhiều đơn vị chung sức, đồng hành cùng hoạt động này”.
Trong buổi lễ trao nhà, NSND Huỳnh Nga xúc động: “Có thể nói gần cuối đời tôi không ngờ mình lại được hưởng diễm phúc như thế này. Tôi quá xúc động nên không biết nói gì. Cả cuộc đời tôi chỉ biết hoạt động nghệ thuật chứ không tính mình cống hiến bao nhiêu cho đời, cho nghề. Nhận được món quà này tôi thấy mình được trân trọng quá, ưu ái quá…”.
Đạo diễn Huỳnh Nga năm nay 85 tuổi và đã có 58 năm tuổi Đảng. Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi tại quê nhà Long An. Sau đó ông tập kết ra Bắc và là một trong những người gầy dựng nên đoàn kịch nói Nam bộ trên đất Bắc.
Sau đó, ông được cử đi du học tại Romania. Về nước ông được xem là một trong những người tiên phong xây dựng nền sân khấu cải lương cách mạng sau năm 1975.
Ông nổi tiếng với những tác phẩm được xem là mẫu mực, kinh điển như Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Hoa độc trong vườn, Muôn dặm vì chồng, Tiếng sáo đêm trăng…
Theo Linh Đoan (Tuổi Trẻ)