Sau 8 phần kể chuyện làm vợ, làm dâu đầy cực nhục của mình, NS Xuân Hương tiếp tục tung ra phần 9 đầy gay cấn để tường thuật lại phiên toà có một không hai mà mình đã trải qua. Bà kể, chồng cũ liên tục kể tội, cố biến bà thành người xấu xa nhưng đều bị bà "bẻ cong thành thẳng" cho mọi chuyện đúng nguyên bản gốc. Tuy nhiên, ông nhất quyết không chịu ly hôn mà xin gia hạn thêm một năm để con trai học xong lớp 12. Lúc này, NS Xuân Hương nhất quyết không chịu. Giằng co mãi đến khi thẩm phán đề nghị đưa ra phiên toà lớn hơn có sự tham dự của công chúng. Đến nước này, MC Thanh Bạch mới chịu kí tên vào biên bản chấp nhận ly hôn.
Nguyên văn chương 9 có tiêu đề: "Thôi rồi ta đã xa nhau" của NS Xuân Hương như sau:
"Tưởng rằng với tờ đơn vô cùng "gọn nhẹ" về nội dung thì phiên toà sẽ diễn ra trong không khí "thân mật" và sẽ "thành công tốt đẹp". Nghĩa là "suất hát" đặc biệt của "đôi đào kép gái tài trai sắc" tại toà án dự kiến chỉ diễn ra trong vòng một nốt nhạc. Nhưng ngoài dự tính, "suất hát" bắt đầu từ 9 giờ sáng được kéo dài liên tục không nghỉ đến tận 3 giờ chiều.
Đó là vì "chàng kép chánh" bỗng thay đổi kịch bản, bổ sung thêm nhiều chi tiết, tình tiết theo thể loại khoa học viễn tưởng nhằm đưa màn kết đến xử xở thần tiên của truyện cổ tích kinh dị.
Hôm đó công nhận hai khán giả đặc biệt là bà Thẩm Phán và anh thơ ký phải cố bền gan để theo dõi câu chuyện. Họ nghe không biết mệt. Có lẽ do công việc và một phần họ muốn biết lý do "cặp đôi hoàn cảnh" này tại sao sau 20 năm "hạnh phúc yên ắng"... trên báo chí bỗng đưa nhau tới chốn công đường.
Bắt đầu phiên toà là phần thủ tục cần thiết rồi đến phần trình bày của nguyên đơn là tôi. Tôi trả lời ngắn gọn những câu hỏi của bà Thẩm Phán đúng theo những điều tôi đã viết trong đơn. Đồng thời tôi cũng nói đôi lời với toà: "Tôi đã suy nghĩ rất chín chắn khi nộp đơn, tôi hiểu thủ tục xét xử ly hôn phải qua ba lần hoà giải, nhưng nhiều năm qua tôi đã cố hết sức để tự hoà giải rất rất nhiều lần. Vì vậy tôi mong toà xử cho tôi được tự do ngay trong lần này. Tôi đã không còn chút sức lực nào để chịu đựng thêm nữa".
Tôi tưởng nói vậy là anh sẽ đồng ý, thậm chí còn vui mừng nữa là đằng khác vì anh đã rất nhiều lần đòi ly dị tôi. Ai ngờ anh bỗng "phản pháo". Anh xin Toà cho anh sống thêm với tôi một năm nữa. Toà hỏi "để làm gì?" Anh bảo "để con học một năm nữa cho hết lớp 12 thi xong tú tài".
Tôi không đồng ý: "Nếu như anh vì con thì bao năm qua anh phải sống đàng hoàng để làm gương cho con, không để cuộc sống tinh thần của nó bị xáo trộn nghiêm trọng đến mức như vậy. Bây giờ chỉ có một con đường là ly dị thôi. Không còn con đường nào khác".
Để chứng minh tôi luôn là kẻ tội đồ và anh luôn là nạn nhân tội nghiệp đáng thương. Anh bắt đầu "luận tội" tôi.
Anh tố với Toà rằng: tôi KHÔNG ĐỂ CHO ANH LÀM ĐÀN ÔNG.
Tôi chới với, hai lỗ tai lùng bùng như mình vừa bị té xuống nước.
Tôi hỏi: "Làm đàn ông là làm cái gì vậy anh?!". Anh hơi bất ngờ và ngỡ ngàng im lặng.
Tôi nói: "Theo em, làm đàn ông là làm những chuyện như bao nhiêu người đàn ông khác phải làm, như chuyện "xi măng sắt thép", chuyện leo lên nóc nhà chống dột, thay bóng đèn.... Nhưng anh có làm đâu. Em gánh hết từ chuyện đàn bà tới chuyện đàn ông. Hơn nữa, làm đàn ông là phải ngủ với vợ, nhưng anh không ngủ với em mà lại ngủ với cái thứ điếm thúi".
Lúc đó do anh nói những lời quá chói tai, thậm chí xúc phạm nặng nề tới tôi nên buộc lòng tôi phải nói như vậy. Nhưng tôi vẫn còn muốn giữ lại bí mật cho anh nên tôi không nỡ nói "điếm thúi" là đàn ông hay đàn bà.
Đuối lý nhưng không nao núng, anh tiếp tục hành trình đi tìm lẽ phải cho mình.
Anh "kể lể" hết "tội lỗi" này đến "tội lỗi" khác của tôi đã đối xử với anh và gia đình anh.
Rất nhẹ nhàng và "lãng mạn". Anh tiếp tục:
"Giờ anh hỏi em nhen: đám giỗ nhà anh ngày nào?" Với ngầm ý tố tôi là đứa con dâu không lo tròn bổn phận dâu con.
Trời ạ! Anh biểt rõ những lần nhà anh có đám giỗ mà cả tôi và anh khi về khi không vì mắc kẹt show diễn. Vậy là anh gài tôi một cách quá tinh tế. Thế nhưng anh lại bỏ qua những gì tôi đã hết lòng lo cho gia đình anh. Nhờ những lo lắng quan tâm đó mà má anh đã khoe khắp thiên hạ và ba má anh rất hãnh diện khi được nghe bà con làng xóm khen tôi.
Còn anh thì chuyện về thăm ba má tôi là chuyện quá xa xỉ mặc dù đoạn đường đi chỉ hơn chục ký lô mét mà thôi. Kể cả sau nầy khi ba tôi mất rồi thì cái đám giỗ của ông cũng hiếm bao giờ có được chàng rể quý kiêm học trò cưng về đốt nhang. Xuân thu nhị kỳ anh mới bước chân về được một lần.
Tôi đáp lại: "Em đố anh đường vô nhà ba má em ở đâu?". Anh tái mặt thoáng lặng im.
Rồi anh lại kể lể qua chuyện khác, đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi kiểu kiểu như: Tôi về quê anh cứ lựa những người nhà anh không ưa mà tới chơi. Hay kiểu như: nhà hàng xóm có trồng cây nhãn cố tình để cho tàn lá ngã qua nhà anh, đó là chơi xấu. Vậy mà tôi cũng cứ hay qua lại với cái nhà đó...
Dù toàn chuyện vụn vặt nhưng tôi vẫn giải thích với toà: Bởi vì tôi có thói quen gặp ai cũng chào, tôi nghĩ đơn giản đó là lịch sự trong cách ứng xử. Còn "cái nhà" mà anh nói đó là nhà bác ruột anh. Hơn nữa khi ba má anh xây nhà, chính hai bác đã nhường phần đất của mình cho nhà anh xây nhà, coi như tặng luôn không lấy đồng nào. Nghĩa cử đó làm cho tôi rất cảm động. Bởi vậy thỉnh thoảng tôi vẫn qua thăm hỏi hai bác. Tôi không hiểu tại sao mỗi khi tôi qua nhà bác chơi đều có cô em kế cô Ba qua gọi về.
(Xin nói thêm là người bác gái này cũng bị Bộ Tổng Tham Mưu cho rằng đã xúi giục tôi ly dị. Than ôi! Nghe cứ y như tôi ngây thơ ngu dại đến nỗi nghe lời xúi giục của người khác mà để mất cái gia đình hạnh phúc nhất thế gian vậy. )
Xem chừng những chuyện vặt chưa đủ kết tội tôi. Anh lại đưa tiếp "bằng chứng" về sự hỗn hào của tôi với má anh bằng cách kể lể những chuyện từ những tình huống có thật rồi thay hình đổi dạng, thêm mắm dặm muối, thêm nanh thêm vuốt gắn lên mặt tôi làm cho tôi trở thành một cô con dâu hung dữ, ghê gớm mà sự hỗn láo, tệ bạc được lên tới đỉnh của tội lỗi.
Ngồi nghe anh méc với bà Thẩm Phán mà tôi run toàn thân vì tài năng biên kịch đến biến hóa khôn lường của anh.
Có lẽ anh nghĩ rằng tôi (vốn ngu lâu quá rồi) sẽ lại nổi máu anh hùng với tấm lòng quân tử, lại sẽ cả nể vì sự có mặt của người khác mà im lặng để cho anh đẹp mặt như bấy lâu nay. Quả thật là tôi cũng có đắn đo về điều nầy. Nhưng cuối cùng tôi quyết định phải bảo vệ danh dự của mình.
Vì vậy tôi lên tiếng: "Không đâu anh! Câu chuyện như thế nầy!". Rồi tôi đính chánh đưa câu chuyện trở về nguyên gốc của nó.
Kể tới đâu mặt anh đổi màu theo tới đó vì từng câu chuyện, từng câu chuyện đã làm cho người nghe thấy rõ bộ mặt của Bộ Tổng Tham Mưu ghê gớm, kinh khủng đến cỡ nào.
Lúc nầy thì tôi hiểu vì sao anh kể tội tôi mà vẫn xin toà không ly hôn. Có lẽ anh nghĩ giống như trong tội hình sự: kẻ nào có tội thì phải chịu tuân theo quyền phán quyết của Toà Án cho nên anh vẫn kể lể tiếp hết chuyện này đến chuyện khác cũng theo kiểu format đó của anh. Tôi lại phải tiếp tục đính chánh đưa câu chuyện trở về nguyên bản gốc. Và rồi mặt anh vẫn cứ lại đổi màu từ vàng qua trắng, qua đỏ chuyển thành xám... Mặc dù vậy, anh vẫn hết sức kiên trì kể lể thêm để yêu cầu Toà cho anh được quyền sống lại với tôi.
Đến đây thì tôi nản toàn tập. Tôi thấy quá đuối sức vì phải "vật lộn" với anh khi anh cứ cố tình bịa ra những câu chuyện ly kỳ rùng rợn để chứng minh tôi là kẻ ghê gớm, xấu xa. Tôi không còn chút kiên nhẫn nào để đính chánh nữa. Tôi lấy hết bình tĩnh và nhẹ nhàng khuyên nhủ anh:
"Anh à! Em quá tệ như vậy thì anh không nên chịu đựng em thêm bất kỳ ngày nào nữa làm gì! Em thấy tội nghiệp cho anh lắm. Em khuyên anh nên bỏ em đi, ly dị đi anh cho đời anh hết khổ".
Lúc đó mặt anh bỗng thật thảm hại. Tấm bình phong mà anh đã dày bao công sức dựng lên bấy lâu nay đã rớt xuống thật rồi sao?
Với cái cách anh "luận..." để tôi có "tội", tôi bảo đảm đây là một phiên toà ly hôn có một không hai trong ngành toà an nước nhà về mức độ hay - độc - lạ.
Đã 15h chiều. Ai nấy mệt phờ.
Bà Thẩm Phán ra phán quyết cuối cùng: cho tôi được tự do.
Tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhõm, tựa như vừa thoát ra được khỏi ngọn núi đá đè mình suốt trăm năm.
Nhưng có lẽ bà Thẩm Phán thấy tiếc nuối một cơn gió hài kịch châm biếm thoáng đến rồi qua nhanh nên bà nói rằng: "Quyết định của Toà sẽ có sau mười ngày kể từ ngày hôm nay. Nếu đến ngày thứ chín, ai có thay đổi gì vẫn còn kịp". Tôi trả lời ngay: "Dạ không ạ! Một khi tôi đã quyết ra đi thì không bao giờ quay trở lại."
Mối lo lớn nhất đè nặng lòng tôi là chuyện con tôi sẽ chọn ai. Nhưng dù vậy, tôi không dám nói với con nửa lời. Tôi lo sợ rằng nếu nó sống với anh thì nó sẽ bị ảnh hưởng lối sống, cách suy nghĩ cũng như hành vi không giống ai của anh. Mặc dù nếu ở với tôi thì tôi cũng không biết lấy gì để nuôi con.
Nhưng khuyên con sống với mình tôi cũng không dám. Vì sợ rằng tôi sẽ bị mang tiếng "dụ dỗ", xúi con không thương ba. Chuyện nầy hồi đó tôi đã từng bị khép tội là dạy con không thương bên nội rồi.
Tôi không dám bảo con sống với tôi vì tôi sợ nếu tôi nói ra biết đâu con sẽ vì thương mẹ, nể mẹ mà chọn mẹ thì sẽ không công bằng cho con, tôi cũng sẽ không biết được suy nghĩ thật của nó. Tôi để con tự suy nghĩ và quyết định nhưng lúc nào cũng cảm thấy hàng ngàn tảng đá đè nặng trên đầu.
Toà án mời tôi dẫn con tới Toà để hỏi nó chọn sống với ai. Tôi sợ con mình bị tổn thương nên đã cố gắng thuyết phục nhiều lần để họ có thể gặp nó ở một nơi khác, không phải tại Toà Án. Nhưng thủ tục vẫn là thủ tục.
Tôi phải chở nó tới Toà mà lòng nặng trĩu, không biết sau mấy mươi phút nữa tâm trạng tôi sẽ như thế nào đây? Tất cả đều tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của con.
Tôi ngồi chờ. Thời gian dường như ngưng hẳn lại cho đến khi con bước ra. Tôi không dám hỏi nó. Giống như khi cầm kết quả xét nghiệm một căn bệnh nguy hiểm làm tim mình như ngừng đập vì sợ hãi. Trên đường về con tôi cất tiếng: "Má ơi, hồi nãy mấy anh hỏi con là ba với má con thương ai hơn? Con nói thương bằng nhau. Hỏi con muốn ở với ai? Con nói ở với má. Hỏi tại sao ở với má? Con nói tại má lo cho con hơn. Con nói vậy được không má?". Nước mắt tôi tuôn dài, thương con đứt ruột. Không ngờ con lại biết suy nghĩ như vậy. Tôi mừng vì nó nói thương ba má bằng nhau. Tôi thấy trong đổ vỡ vẫn còn sót lại chút hạnh phúc.
Tôi chờ đợi ngày nhận được sự phát quyết cuối cùng của Toà. Ngày tôi được trả lại tự do, ngày tôi được trả lại quyền làm người. Tôi sẽ được trở lại là tôi. Không còn phải căng hết thần kinh, dồn hết sức lực để gồng mình nhập vai người vợ hạnh phúc trong cái vỏ bọc gia đình đã mục nát, thúi rữa. Không còn phải sợ hãi, lo lắng lỡ khi sơ sẩy mà đánh rơi cái vỏ bọc đẹp đẽ phơi bày cái mục ruỗng đã bốc mùi thúi rữa bên trong.
Tôi đếm ngược từng ngày. Đến ngày thứ chín tôi như nín thở mong đến ngày thứ mười để được Toà Án cấp giấy chứng nhận tôi được trả tự do.
Đang hy vọng bỗng tôi nhận được cuộc điện thoại từ Toà Án báo rằng anh chống án vì muốn trì hoãn thêm thời gian sử dụng cho bức bình phong.
Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Nghĩa là anh muốn gia hạn thêm án tử cho tôi.
Ngay sau đó tôi nhận được cuộc gọi của anh từ Huế. Anh hồ hởi bảo rằng anh đang coi bói, bà thầy bói nói tuổi tôi nếu ly dị năm đó là xui lắm, rằng tôi nên gọi cho bà để bà giải thích cho tôi việc không nên ly dị. Tôi nói ngay với anh: "Cuộc đời em xui nhất là gặp anh. Nếu xui hơn nữa là chết. Nhưng đối với em nếu chết được vẫn là tốt hơn phải gặp anh. Không cần gì phải coi bói".
Rồi lại đến ngày phải hầu Toà lần thứ hai.
Trước khi ra hầu toà, anh gọi điện thoại hỏi tôi: "Hương ơi ngày mai ra toà nói gì đây em?" (Tôi nghe tim mình thổn thức. Trời! Bao nhiêu năm mới được nghe anh hỏi một câu ngọt lịm, cứ y như anh đang hỏi : Hương ơi! Mai em muốn ăn bún bò hay bún riêu vậy.)
Tôi trả lời: "Ai muốn nói gì cứ nói. Chuyện ai nấy nói".
Tại phiên toà lần sau này, anh vẫn khăng khăng muốn được tiếp tục sống chung "với lũ".
Tôi nhất quyết ly hôn.
Tôi bảo rằng: "Cuộc đời tôi mới đó mà ngoảnh lại đã hai mươi năm lê lết trong ngục tù do anh tạo ra, nhưng tôi lại thấy 20 năm đó cũng không dài bằng bây giờ nếu phải sống thêm với anh dù chỉ là một giây thôi thì đối với tôi cũng dài hơn thế kỷ".
Mặc cho tôi nói gì thây kệ, anh vẫn giữ nguyên ý kiến.
Cuối cùng bà Thẩm Phán nói rằng: "X.H thì muốn ly dị, nhưng T.B thì lại không. Nếu vậy thì phải mở phiên toà lớn để xử. Mà phiên toà lớn sẽ có người dân đến dự. Có cả phóng viên báo đài nữa. T.B có muốn vậy không?". Lúc đó anh mới đồng ý ký tên".
Theo Lam Khánh (Ngoisao.vn/Công lý & Xã hội)