Hiểu đúng về di sản
Có một thực tế là ngày nay thực hành tín ngưỡng Tam, Tứ phủ diễn ra không chỉ còn tại các đền phủ nổi tiếng, có quy mô lớn, mà nó có thể diễn ra tại chùa, đền, đình, miếu, trong điện tư gia, những nơi mà trước đây rất hạn chế những hoạt động này. Thậm chí ngoài việc đưa lên sân không như một tiết mục nghệ thuật, thì việc đem nó đến các cuộc khai mạc các hội nghị, hội chợ hay sự kiện… lại làm mất đi những giá trị chân thực của nó. Vấn đề hợp pháp hóa những hoạt động tín ngưỡng này, một mặt là nhu cầu nội tại của con người mà chính quyền thuận theo.
Mặt khác nhằm giữ gìn một di sản văn hóa quý báu của cha ông, đồng thời cũng là di sản của nhân loại khi chúng ta hội nhập quốc tế. Đây có thể coi là một đóng góp của chúng ta vào nền văn hóa nhân loại. Đối với những người nghệ nhân, những “con nhang đệ tử” chân chính sự vinh danh này là cơ hội để họ thể hiện hết tài năng của mình ra phục vụ cho nhân dân, đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng có những mặt trái là chủ đền hay một số người lợi dụng tín ngưỡng hợp pháp hóa những hoạt động không lành mạnh của mình. Không loại trừ những trường hợp lợi dụng giá trị của di sản để bành trướng, lần chiếm đất di tích, mượn việc bảo vệ di tích để gây khó dễ cho chính quyền sở tại, phổ biến những hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tín ngưỡng của “con nhang, đệ tử” và nhân dân lao động…
Biến tướng khó lường
Thực tế những biến tướng này đang diễn ra muôn hình vạn trạng và đang là việc khó với những người làm quản lý và chính quyền địa phương. GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho biết, khoảng chục năm trở về trước khi nghi lễ này còn “sạch”, hầu đồng chỉ diễn ra quy mô dung là “tùy tâm biện lễ”, không hoành tráng, đồ sộ từ lễ vật, vàng mã đến tiền phát lộc (vì trong nghi lễ hầu đồng có phần phát lộc)… Quần áo để hầu cũng đơn giản, không cầu kỳ, đắt tiền như hiện nay, cốt sao đủ một bộ khăn, áo mũ… đúng màu sắc cho mỗi giá hầu.
Giờ thì mọi thứ đã thay đổi, nhiều giá đồng người ta còn mang yếu tố thời tranh vào lễ phục lên đồng, đưa bài hát hoàn toàn mới không liên quan gì đến những ca khúc cổ vào các giá đồng. Đơn cử như các bài hát “Hôm qua em đi chùa Hương”, “Hoa đẹp Chăm pa”… đã làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu.
Chưa kể, nếu như trước đây, lễ vật hầu đồng là tùy tâm, thì nay “tốt lễ dễ kêu” nên mỗi giá đồng tiền sắm lễ vật, tiền phát lộc không dừng lại ở tiền trăm mà có khi tiền tỷ. Mệnh giá tiền phát lộc cũng vì thế mà rất lớn khiến cho màn phát lộc trở thành tâm điểm của các giá đồng. Người ta chen lấn, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành cho được tiền lộc từ các ông đồng, bà đồng. Trên thực tế 80% nghi lễ hầu đồng hiện nay đã biến tướng. Thậm chí bị “vật chất hóa” từ đầu đến cuối.
Hay như ý kiến của đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO Phạm Sanh Châu từng góp ý: “Chúng ta vinh danh một di sản để rồi không được thực hành tốt thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Như mới đây, việc đưa biểu diễn Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các buổi hội thảo, hội nghị tôi đã góp ý không phù hợp. Chúng ta cần phải cảnh giác cao độ. Bởi song hành với sự tự hào đó là những nguy cơ bị bóp méo, thực hành sai là rất lớn”.
Có thể thấy để giải quyết những bất cập này cần có sự điều tra nghiên cứu một cách bài bản tất cả những di tích có liên quan và diễn ra thực hành tín ngưỡng để có cơ sở dữ liệu cho việc quản lý. Ngoài Luật Di sản và những nghị định của Nhà nước, Hà Nội nên có một số quy chế cụ thể dựa trên điều kiện của địa phương. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội rất quan trọng trong việc nắm bằng tình hình trên địa bàn để có thể kịp thời ứng phó…
Cùng với đó, đề cao vai trò của những chủ đền, nhất là những người nổi tiếng có uy tín trong giới và những “con nhang, đệ tử” để tạo được ảnh hưởng của họ đối với việc thực hành tín ngưỡng một cách bài bản. Mặt khác ở góc độ chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết với những thực hành trái đạo lý truyền thống để ngăn chặn, như vậy sẽ tạo ra được môi trường lành mạnh cho hoạt động này trên địa bàn.
Bên cạnh đó, khái niệm tổ chức liên hoan nhưng để học tập và phổ biến những giá trị nhân văn nghệ thuật chứ không phải đua tranh giữa các ông đồng bà đồng, vì mỗi người có những khả năng và đặc sắc riêng của mình, tránh tạo nên sự dập khuân một chiều… khuyến khích sự sáng tạo.
Đặc biệt, thông qua đó ngăn chặn sự sai lạc, nên để những người trong nghề góp ý cho nhau cùng phát triển. Khai thác các giá trị nghệ thuật của tín ngưỡng để phát triển so không làm mất đi giá trị cũng như trần tục hóa, thương mại hóa một cách thô thiển, kệch cỡm…
Với sự vào cuộc của tất cả hệ thống và toàn thể xã hội, Hà Nội có thể là nơi phát huy tốt nhất những giá trị của di sản này. Bởi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng của người dân mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Mặt khác đáp ứng được nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc qua thực hành tín ngưỡng này.
Theo Minh Quân (Daidoanket.vn)