Nghệ sĩ Tuấn Đăng mắc bệnh quái ác ở tuổi 80. Sau 4 tháng phát hiện, ông đã sụt hơn 10 kg vì không thể ăn uống được.
|
Nghệ sĩ Tuấn Đăng (bìa trái) trong nhóm nhạc AVT. Ảnh: NVCC |
Cát-xê của nhóm AVT cao nhất Sài Gòn
Ban đầu nhóm có tên Ban nhạc kích động AVT (theo hướng kích thích sự sôi động) nhưng sau khi Lữ Liên vào thay Hoàng Hải (trước đó là Anh Linh) thì ông quyết định đổi thành Ban tam ca trào phúng AVT. Các thành viên trong ban nhạc đều biết chơi nhạc cụ và sở hữu giọng hát khỏe. Họ biểu diễn theo phong cách trào phúng, châm biếm, dí dỏm và sôi động nên được khán giả yêu thích. Những sáng tác của cố nhạc sĩ Lữ Liên như Cờ người, Thất nghiệp ca, Em tập Vespa, Ba bà mẹ chồng, Dậy thì… đã đưa tên tuổi AVT lên thời kỳ đỉnh cao với cát-xê ngất ngưởng.
Mặc dù đang bệnh, giọng nói chỉ thều thào, người nghe phải cố gắng lắm mới hiểu được ông đang nói gì nhưng gương mặt nghệ sĩ Tuấn Đăng hào hứng khi nhắc đến thời hoàng kim. Ông cố gắng diễn đạt từng chữ: “Vào thập niên 1969, người ta trả cát-xê cho chúng tôi cao nhất Sài Gòn. Mặc dù các thành viên đã thấm mệt và thay trang phục để về nhà nhưng khán giả vẫn kéo đến muốn được nghe nữa”.
|
Ông vẫn lưu giữ những băng nhạc của nhóm. Ảnh: NVCC |
Danh tiếng của ban nhạc không chỉ ở Sài Gòn, nó còn vượt ngoài ranh giới nên họ được mời biểu diễn ở châu Âu. Ông nhớ lại những ngày tháng rong ruổi khắp các thành phố ở Luân Đôn, Paris… rồi về lại châu Á. Cuộc sống của ông khi đó rất sung túc, tiêu tiền thoải mái mà không cần phải lo toan. Lắm tiền, ông mua vài ba căn nhà cho vui dù đứng trên sân khấu và lưu diễn nhiều hơn ở nhà. Khi kể đến lúc bức màn nhung của thời vàng son đóng lại, ông thở dài ngao ngán và trông ra cửa với gương mặt đượm buồn.
Về nhà vì không có tiền xạ trị
Sau khi đất nước giải phóng, Lữ Liên sang Mỹ theo diện bảo trợ, Vân Sơn tự vẫn. Tuấn Đăng vì nặng gánh gia đình, tiếp tục mang lời ca tiếng đàn đi phục vụ các tụ điểm hàng đêm. Nhóm nhạc tan rã cùng lúc đất nước chuyển mình, bao khó khăn chồng chất khiến cuộc sống ông rơi vào khốn khó. Ông bắt đầu hát ở nhà thờ, làm công tác giảng dạy nhưng tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình. Khi 4 người con lần lượt ra đời, ông cũng bán dần những căn nhà ở các mặt tiền phố lớn.
|
Nghệ sĩ Tuấn Đăng sụt cân trầm trọng sau khi phát hiện bệnh. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Khi những người con đã lớn, nghệ sĩ Tuấn Đăng và vợ về sống trong căn nhà nhỏ chưa đầy 12 m2 tại quận 11, TP HCM. Nhưng vợ ông bị bệnh tâm thần từ nhiều năm trước, phải gửi cho người em trông nom. Ông sống một mình, kéo đàn cho nhà thờ để sống qua ngày. Giáng sinh năm 2015, ông đến nhà thờ để kiếm sống nhưng đôi bàn tay không cầm nổi cây đàn. Từ đó, ông nghỉ ở nhà và sống nhờ vào tình thương của những người bạn. Cận Tết, sức khỏe của nghệ sĩ 80 tuổi giảm sút, ông không ăn uống và đi lại được. Các con ông đã đưa vào bệnh viện kiểm tra, sau khi làm xét nghiệm bác sĩ thông báo ông bị ung thư vòm họng.
Vì không có đủ tiền để xạ trị, họ đành đưa người cha già về nhà. Con gái út của ông chăm sóc cha trong căn nhà nhỏ nhưng cũng không có nhiều hy vọng. Hàng ngày, ông chỉ ăn được vài muỗng cơm hoặc cháo và uống nước cầm cự. Chỉ 4 tháng từ sau phát bệnh, cơ thể nghệ sĩ Tuấn Đăng sút hơn 10 kg. Mặc dù đi lại vẫn còn nhanh nhẹn nhưng ông không nói chuyện được vì đau. Dù bệnh, nhưng ông không ngửa tay nhờ xin sự trợ giúp của ai. Ông thều thào: “Tôi sống vậy cũng đủ rồi, không cần người ta phải thương hại”.
|
Trước đây, thỉnh thoảng ông vẫn thường gặp ca sĩ Tuấn Ngọc khi hát tại các tụ điểm. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Cô gái út của ông cho biết, lúc chị sinh ra, gia đình đã sa sút. Vì cơm áo gạo tiền, ai cũng ra ngoài bận bịu mưu sinh. Bởi thế, chị ít khi nghe ba mình nhắc về chuyện cũ, có lẽ ông không chấp nhận được sự xoay vòng của số phận. Cũng không một ai trong số 4 người con buồn nghe ông kể lại quá khứ vàng son ấy. “Anh chị em chúng tôi không có đủ tiền để chữa trị cho ba, ai cũng dằn vặt nhưng không biết phải làm sao. Bác sĩ bảo cơ thể ông đang phát bệnh, lên cơn đau liên tục nhưng chúng tôi chỉ xin được thuốc giảm đau” - chị buồn bã cho biết. Theo Kim Chi (Zing.vn)