Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã chia sẻ về rất nhiều chuyện dở khóc dở cười đằng sau ánh hào quang sân khấu.
Đã từng tắt thở và được đem xác lên chùa
Lúc còn nhỏ, khoảng 8, 9 tháng tuổi, tôi bị phát ban rất dữ, lên cả động kinh và tắt thở trên tay mẹ rồi. Nhưng ba má có quy y trên một chùa ở Gò Vấp, bèn ẵm xác tôi chạy lên chùa, nhờ thầy trụ trì cứu.
Thầy trụ trì đưa xác tôi vào một đại hồng chung rồi niệm Phật, đánh ba tiếng chuông lên. Đúng lúc đó tôi bật dậy cười khanh khách như bị thọt lét. Ba má thấy vậy mới cho tôi quy y, nhưng lại không cho làm con trai mà để tóc dài, vận đồ con gái.
Thành Lộc lúc trẻ |
Mãi đến năm 6 tuổi, vào lớp một rồi tôi mới được cắt tóc làm con trai. Lúc đó, ai gọi tôi cũng không được kêu tên, phải kêu pháp danh là Thiện Tâm.
Như vậy, tôi nghĩ không phải tự nhiên mình có năng khiếu làm nghệ thuật, dù sinh ra trong một môi trường làm nghệ thuật. Ở cái tuổi ngoài 50 này mà vẫn hoạt động bền bỉ được là do cái nợ vẫn còn, phải trả hết cái nợ đó bằng cách lên sân khấu, đem lời ca tiếng hát phục vụ cuộc sống.
Có những nghệ sĩ sẵn sàng rút dao chém giám khảo vì huy chương
Ngay từ nhỏ tôi đã có ý thức không sân si, cạnh tranh nhau. Hồi đi học, tôi rất ghét thi học kì vì nó gây ra sự ganh đua. Tôi nghĩ đơn giản học thì cứ học, mình học cho mình chứ đi thi thố làm gì.
Thi xong mà điểm cao nhất kiểu gì cũng bị các bạn ganh ghét không chơi với mình. Rồi chính bản thân mình cũng cảm thấy khó chịu nếu điểm kì sau thấp hơn kì trước, hay thấp hơn bạn bè.
Lúc vào trường nghệ thuật, tôi cứ tưởng đây là môi trường bay bổng, không ganh đua, nhưng ai ngờ còn tranh chấp ghê hơn, ngấm ngầm từng điểm một. Chỉ cần trung bình là bị đuổi khỏi trường. Ra trường rồi tôi còn choáng nữa vì thế giới showbiz đầy ganh đua, danh vọng.
Hồi đó còn có những nghệ sĩ đi thi mà không được huy chương vàng, có tin không, họ rút dao chém cả ban giám khảo đó. Vì chỉ cần hai huy chương vàng là đủ tiêu chí phong nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, có thể lên mặt với đồng nghiệp, nên ai cũng ham muốn.
Nếu không buông thì đã là nghệ sĩ nhân dân
Người ta nói sân khấu là cuộc đời cũng đúng. Tất cả mọi tham sân si, hỉ nộ ái ố đều có ở sân khấu. Người ta chỉ thấy nghệ thuật đem đến danh vọng cho họ chứ chẳng ai thấy được cái nghệ thuật đích thực mang đến là chân thiện mỹ, là giáo dục, để hình thành nhân cách.
Bản thân tôi cũng vậy. Càng có nhiều thành công trong sự nghiệp càng có nhiều kẻ thù, nên cần học cách buông bỏ.
Hồi xưa tôi chưa hiểu chữ "buông" là gì. Thậm chí còn tự hỏi tại sao cơ hội đến mà lại phải buông? Sao nhiều đứa phấn đấu cả đời còn không được mà mình phải buông? Phải mất suốt 10 năm liền tôi mới học được chữ "buông". Nhưng tới tận bây giờ mới hiểu theo phạm vi cuộc đời mình thôi, chứ chưa hiểu chính xác nó.
Tôi mà không buông thì đã lên nghệ sĩ nhân dân rồi, chứ không phải nghệ sĩ ưu tú.
Về chữ "buông", tôi chỉ thực hiện được trong mức độ nào đó thôi. Mình đâu ăn chay trường được, đâu có diệt dục được. Nhưng trong ý thức, tôi luôn nghĩ về việc buông bỏ những gì cần bỏ, còn cái cần phấn đấu thì vẫn phấn đấu.
Theo kịch nói vì muốn phụng sự đất nước
Tôi được sinh ra trong gia đình mà cả hai họ nội và ngoại đều làm nghệ thuật. Đầu tiên là sân khấu truyền thống hát Bội, thì cả ông bà nội ngoại đều từ hát Bội mà ra. Ông nội của tôi là một ông bầu nổi tiếng đất Vĩnh Long, còn ông ngoại cũng là ông bầu nổi tiếng ở Sài Gòn.
Ba tôi khi ấy là một kép hát nổi tiếng ở Vĩnh Long, nhưng vì muốn tiến thân nên phải lên Sài Gòn, tìm tới các đại bang để lấn sân vào showbiz. Từ đó, ba tôi đầu quân vô gánh hát Bội của ông ngoại rồi phải lòng con gái út của ông và kết hôn, đẻ ra một bầy con cháu đi theo nghề luôn.
Như vậy, tôi được thừa hưởng gen di truyền từ gia đình, một dòng máu đam mê nghệ thuật. Hồi nhỏ tôi nghĩ mình sẽ thành kép cải lương chứ không phải kép kịch nói, vì gia đình toàn theo hát bội, cải lương.
Đến hồi lớp 6, lớp 7, tôi lại thích trở thành thầy giáo văn học vì quá si mê cô giáo dạy văn của mình. Cô mặc áo dài rất đẹp và viết chữ bằng phấn cũng rất đẹp.
Nhưng sau 1975, có sự xuất hiện của dòng kịch nói. Lúc đó, có nhiều đoàn kịch nói ở ngoài Bắc vào Sài Gòn biểu diễn. Lần đầu được chứng kiến một sân khấu kịch nói được dàn dựng công phu, tôi cảm thấy khá mê mẩn và nhận ra, chỉ kịch nói mới truyền tải được các vấn đề đương đại, đi được vào những đề tài gai góc, thời sự.
Lúc đó còn khá trẻ nên cái máu muốn cống hiến tuổi xuân cho đất nước mạnh mẽ lắm, nên quyết định chọn kịch nói làm môn nghệ thuật theo đuổi và thi vào trường Nghệ thuật sân khấu năm 1978. Thời điểm đó, tất cả chúng tôi đều sống có lí tưởng và muốn phụng sự cho đất nước bằng khả năng mình có. Và tôi chọn nghệ thuật là môi trường mà mình sẽ cống hiến.
Trước khi làm diễn viên, tôi còn muốn trở thành vũ công múa ba lê và cũng từng học một khóa múa ba lê, nhưng lại giỏi múa dân gian Việt Nam nhiều hơn.
Trong 1977, tôi có tham gia festival Liên hoan thiếu nhi thế giới tại Liên Xô và cũng có được một giải vàng về múa.
Về Việt Nam, cũng có một trường nghệ thuật ở Hà Nội muốn đào tạo tôi theo nghề múa chuyên nghiệp, nhưng vì phải học 11 năm, ăn toàn khoai mì nên tôi thôi.
Tuy nhiên sau đó, thầy tôi có nói, nếu theo diễn viên sân khấu thì sẽ nổi tiếng, còn theo nghề múa thì chỉ trung bình thôi, vì tôi không có chiều cao, chỉ có 1m65 à. Thế nên tôi quyết định bỏ múa theo nghề diễn.
Tuy là diễn viên nhưng tôi lại may mắn là hát được, múa ba lê, múa dân gian, múa hiện đại đều được. Phải có rất nhiều kĩ năng nên mới đứng lâu trong lòng khán giả được.
Tôi rất ghét câu "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn"
Trong giới văn nghệ sĩ, người ta rất thích những người "ngoan ngoãn", tức là biết thỏa hiệp, còn tôi không có thói đó.
Hồi đó, tôi tham gia đoàn diễn của nhà nước, làm tới bí thư chi đoàn nên rất hăng hái trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Chẳng hiểu chống sao lại chống phải bức tường quá lớn nên tôi bị chụp mũ, bôi xấu. Thời điểm ấy, bị chụp như vậy là rất nặng nề. Tôi không thể đi diễn được, chỉ lang thang tấu hài ở tỉnh ngoài. Đến Sài Gòn cũng không được diễn vì có lệnh cấm.
Thậm chí còn có những thỏa thuận ngầm rằng, Thành Lộc hãy làm cái này, cái kia đi thì sẽ được phong nghệ sĩ ưu tú, còn không thì đừng mơ. Nhưng tôi không mơ, nếu thấy xứng đáng thì phong, không thì thôi. Đứng ở đâu trên bản đồ Việt Nam này tôi cũng là nghệ sĩ của đất nước mà thôi.
Lúc đó, tôi cũng đi chùa và cầu nguyện nhiều. Nhưng tôi không cầu phát tài, danh vọng mà cầu Phật cho tôi sự tĩnh tâm, không nóng giận, không để ma quỷ đưa đường.
Không biết Đức Phật có phù hộ mình hay không, nhưng mình thấy nhẹ lòng và qua được nhiều kiếp nạn.
Hơn 10, 20 năm sau, tôi gặp lại những người đã từng hại mình, và tất cả đều ở dưới mình hết rồi. Nhưng tôi quên hết, không chấp nê tới thù hận với họ. Tôi rất ghét câu "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn", đã quân tử mà còn nuôi hận 10 năm để trả thù sao?
Rút khỏi nhiều gameshow để tập trung nghệ thuật sân khấu
Trong khả năng có thể, tôi cũng muốn hướng mọi người tới chân thiện mỹ thông qua tác phẩm của mình. Chẳng hạn, có lần dựng lại một vở diễn về Nguyễn Trãi từng bị cấm 5 năm liền, tôi đã bị người kiểm duyệt hỏi là làm cái trò khùng điên gì vậy khi diễn tới đoạn bịt tai, bịt mắt, bịt mồm và suýt nữa bị cấm không được diễn đoạn đó.
Về sau tôi cũng xin được diễn, và có một sư thầy từ bên Pháp về rất tâm đắc với đoạn diễn đó, bèn hỏi người mẫu Vĩnh Thụy cách liên lạc với tôi. Thế là tôi vui rồi.
Xung quanh tôi có nhiều nghệ sĩ giỏi hơn tôi rất nhiều. Chẳng hạn, Đại Nghĩa ăn chay trường và xây dựng rất nhiều cầu đường. Còn tôi thì không làm được như họ. Đối với tôi, đạo Phật là một nghệ thuật sống. Tôi đến với đạo Phật để học cách sống là một người tử tế.
Ngày xưa tôi thường hỏi bố mẹ sao Phật lại nhắm hờ mắt và có nụ cười như vậy, sao đi tu mà vẫn cười. Sau này trải qua nhiều biến cố cuộc đời tôi mới hiểu đó là nụ cười 10 tỷ mua cũng không được. Đôi mắt khép hờ là sống vô tư, nhưng vẫn nhìn thế gian và hiểu mọi thứ. Miệng mỉm cười để bao dung mọi thứ.
Là một nghệ sĩ hài nên bây giờ tôi nhìn cái gì cũng qua lăng kính hài hước. Hài hước ở đây là lạc quan chứ không phải cợt nhả. Tôi không cưỡng lại nỗi buồn và để nỗi buồn đi xuyên qua mình, không quay trở lại.
Tôi đã từng trải qua một cơn bạo bệnh và phải chữa bệnh bằng cách bấm huyệt. Họ bấm rất đau nhưng lại bảo là phải để cho nỗi đau đi xuyên qua mình thì mới khỏi được. Từ đó mà tôi học được cách luôn cười. Bây giờ tôi thích cười nhiều hơn, vì cứ cười là tôi khỏe mạnh, yêu đời.
"Đạo Phật không phải tôn giáo, mà là cuộc đời" |
Trong lĩnh vực nghệ thuật của chúng tôi dễ làm tôi bị nóng giận. Cái gì cũng có thể làm cho mình giận được. Chỉ cần một bài viết không đúng cũng làm mình nổi điên lên rồi. Thời buổi bây giờ lại nhiều thông tin tạp nham trên mạng, nên nếu mình không làm chủ được bản ngã thì mình rất dễ mất bình tĩnh và phát ngôn những câu nguy hại đến mình.
Hồi xưa tôi cũng chấp nhặt lắm, ai nói gì cũng phải nói lại, thành ra chọc cho người ta ghét. Từ đó nó thành cái lộng ngôn, làm tổn thương người ta lúc nào không biết. Thế rồi, chỉ cần một lần người khác làm tổn thương mình là mình ngộ ra liền, và bỏ thói đó luôn.
Thời buổi bây giờ nhiều người chọn thị phi để nổi tiếng, rồi phát ngôn sốc để người ta nhớ đến mình. Tôi cũng muốn nổi tiếng, nhưng tôi muốn nổi bằng sức lao động, bằng hoạt động nghệ thuật của mình hơn.
Năm nay tôi rút khỏi giới game show nhiều lắm, không làm giám khảo nữa để tập trung cho hoạt động sân khấu của mình.
Theo L.Phạm (Trí Thức Trẻ)