Nổi lên từ vai Tam Nương trong 'Người đẹp Bình Dương', Thẩm Thúy Hằng mang luôn biệt danh này nhờ sự ái mộ. Bà được xem là biểu tượng nhan sắc của phụ nữ Sài Gòn xưa.
Thế nhưng đằng sau ánh hào quang của một người nghệ sĩ, cuộc sống của Thẩm Thúy Hằng luôn đối mặt với nhiều nỗi bất hạnh. Bị con gái từ mặt, sống cô độc ở cuối đời với dung nhan bị tàn phá do hậu quả của dao kéo, Thẩm Thúy Hằng có thể xem như mẫu hồng nhan bạc phận mà người xưa thường nói.
Trên đỉnh cao danh vọng
Chính nhờ vào tài năng và nhan sắc, Thẩm Thúy Hằng đạt được đỉnh cao danh vọng khi liên tục nhận được những giải thưởng cao của điện ảnh Châu Á và quốc tế: Hai lần đoạt giải diễn viên xuất sắc Á Châu tại LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 - 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mascova và Tasken tại Liên Xô năm 1982, vượt qua những nữ diễn viên xinh đẹp đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ …
Thành công và nổi tiếng trên lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng cũng nổi tiếng và thành công cả trên lĩnh vực kịch nói, cải lương, tân nhạc. Ban kịch Thẩm Thúy Hằng sánh ngang vai với những ban kịch nổi tiếng thời bấy giờ như: Kim Cương, Mộng Tuyền, Dân Nam, Tân Dân Nam, Túy Hoa - Túy Phượng, Duy Lân, La Thoại Tân… và được xếp vào “top ten” những ban kịch nổi tiếng, đồng thời, bà cũng được xếp vào danh sách 12 diễn viên sáng giá của kịch nghệ miền Nam.
Nhan sắc "chim sa cá lặn" và tài năng diễn xuất vượt trội đã đưa Thẩm Thúy Hằng đến đỉnh cao danh vọng |
Thẩm Thúy Hằng không chỉ đóng vai trò Trưởng ban kịch mà còn viết kịch bản, thủ vai chính. Một số vở kịch phát trên sóng truyền thanh hay trên màn ảnh nhỏ thời đó có sự góp mặt của Thẩm Thúy Hằng được khán giả ghi nhớ như: "Sông dài", "Vũ điệu trong bóng mờ", "Người mẹ già", "Đôi mắt bằng sứ", "Suối tình", "Dạt sóng", …
Trước năm 1975, Thẩm Thúy Hằng thường xuyên xuất hiện trên sân khấu “Đại nhạc hội”, nhưng không phải diễn kịch, đóng cải lương mà là hát tân nhạc. Một số ca khúc do Thẩm Thúy Hằng thể hiện trên lĩnh vực này tương đối thành công là "Hai chuyến tàu đêm" của Trúc Phương và "Tình lỡ" của Thanh Bình. Ngoài ra, hình ảnh của Thẩm Thúy Hằng đi liền với Thanh Nga thường xuyên xuất hiện trên bìa các báo xuân và lịch tết với biểu tượng một người là “Nữ hoàng điện ảnh”, người kia là “Nữ hoàng sân khấu cải lương”. Cả hai đều đại diện cho nhan sắc phụ nữ được nhiều người ái mộ.
"Người đẹp Bình Dương" một thời được công chúng ái mộ ca tụng là "Nữ hoàng điện ảnh" |
Sau giải phóng 1975, trong lúc một số nghệ sĩ chạy ra nước ngoài định cư thì Thẩm Thúy Hằng cùng chồng là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh từ chối những cơ hội ra đi mà chọn con đường ở lại quê nhà.
Ông Nguyễn Xuân Oánh mất vào ngày 29/8/2003 vì bệnh tim, thọ 82 tuổi. Mọi người đều nhìn nhận chính ông Nguyễn Xuân Oánh (lớn hơn Thẩm Thúy Hằng 20 tuổi) đã ảnh hưởng rất nhiều tới tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Thẩm Thúy Hằng qua hai giai đoạn biến cố của lịch sử. Do đó nói về Thẩm Thúy Hằng mà không nhắc tới ông Nguyễn Xuân Oánh là điều thiếu sót.
Số phận truân chuyên và trở thành thảm họa "dao kéo"
Đạt đến đỉnh cao danh vọng, nhưng Thẩm Thúy Hằng cũng phải trải qua những truân chuyên cuộc đời. Theo nhiều nguồn tin cho biết, Thẩm Thúy Hằng kết hôn từ khi 19 tuổi (1959) với người chồng lớn hơn chỉ 2 tuổi. Cuộc hôn nhân này tan vỡ sau 5 năm và bà có 1 người con gái sinh năm 1961 cùng chồng.
Vì đang trên đỉnh cao danh vọng, Thẩm Thúy Hằng đã bỏ rơi con gái, gửi cho một gia đình quen nuôi dưỡng và sau năm 1975, gia đình này đưa con gái bà cùng sang Mỹ. Thẩm Thúy Hằng cũng đã công khai với một tờ báo vào chiều ngày 8/7/2011 rằng bà có một đứa con gái bị bỏ rơi tên là Nguyễn Thụy Thi Hằng. Bà đã vô cùng đau đớn khi cô gái này lên tiếng phủ nhận thông tin là con gái của Thẩm Thúy Hằng trong một phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, dù nhan sắc của cô giống minh tinh như hai giọt nước.
Sau cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, Thẩm Thúy Hằng kết duyên cùng ông Nguyễn Xuân Oánh ngay khi ông mới bước chân về nước năm 1968. Có mặt trong những người đẹp ra phi trường đón ông Oánh, cô minh tinh khả ái đã gắn lên ve áo ông một bông hồng đỏ thắm và đây chính là cuộc gặp gỡ định mệnh.
Cuộc sống hạnh phúc bên Nguyễn Xuân Oánh đã giúp cho sự nghiệp của Thẩm Thúy Hằng thêm thăng hoa |
Khi ấy, ông Oánh tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Harvard, trường đại học danh tiếng của Mỹ và cả thế giới. Lại là người có quyền thế nên chuyện tình Nguyễn Xuân Oánh - Thẩm Thúy Hằng trở thành một sự kiện lớn của Sài Gòn. Không chỉ giới chính trị và giới văn nghệ sĩ mà dư luận đã có nhiều thành kiến về mối quan hệ này, nhiều ý kiến cho rằng Thẩm Thúy Hằng chỉ lợi dụng ông Oánh.Tuy nhiên, đến nay dư luận đã quá rõ về chuyện tình có thật của Thẩm Thúy Hằng khi minh tinh khả ái và người chồng hơn bà 20 tuổi đã sống cùng nhau hạnh phúc trọn đời.
Sau vai diễn Phồn Y trong vở "Lôi Vũ" trên sân khấu kịch nói của đoàn Kim Cương, NSƯT Thẩm Thúy Hằng chính thức từ giã sân khấu, màn ảnh và các hoạt động nghệ thuật khác để lui về cuộc sống khép kín ở ngôi nhà riêng. Ở đây, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Oánh nghỉ hưu, xa rời chốn quan trường, còn Thẩm Thúy Hằng muốn che giấu mọi người thời kỳ nhan sắc tàn tạ của mình trong giai đoạn biến chứng cuối cùng của chất silicon.
Đối với một minh tinh đã quen với những lời ca tụng, Thẩm Thúy Hằng không thể chấp nhận sự tàn phá của thời gian lên sắc đẹp của mình. Bà liên tục tham gia các cuộc trùng tu nhan sắc. Nỗi khao khát níu giữ ánh hào quang của một thời tuổi trẻ đã khiến bà trượt dài trong cơn nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Hậu quả của việc này là dấu vết của các biến chứng dao kéo in hằn lên gương mặt của mỹ nhân một thời.
"Nữ hoàng sắc đẹp" một thời với gương mặt biến dạng không thể nhận ra vì trở thành thảm họa của phẩu thuật thẩm mỹ |
Những năm tháng này đối với “Nữ hoàng nhan sắc” quả thật là tột cùng của sự đau khổ. Bà đã trải qua nhiều cuộc giải phẫu lớn nhỏ và sử dụng phương pháp tiêm botox thường xuyên để chống chọi với sự tàn phá của hóa chất trong cơ thể. Dù cố gắng hết sức, bằng mọi phương pháp kéo dài thời gian nhưng rồi “Người đẹp Bình Dương” lộng lẫy một thời cũng phải chấp nhận sự thật: tất cả những gì đẹp đẽ trước đây đã bị đào thải, gương mặt bà biến dạng từng ngày.
Ông Nguyễn Xuân Oánh mất năm 2003 vì bệnh tim. Từ ngày chồng ra đi, Thẩm Thúy Hằng càng lẻ loi, cô độc trong căn phòng ẩn kín tràn ngập bóng tối. Bà chia sẻ: “Tôi không còn nghĩ đến quá khứ nữa. Tôi đã mang tất cả những hình ảnh của ngày xưa ra đốt hết. Bây giờ tôi không còn tấm ảnh nào. Trong nhà tôi cũng không để gương soi. Cuộc đời là cõi tạm mà. Thân thể rồi cũng tan biến, vật chất khi mình chết cũng không mang theo được“.
Hiện tại, Thẩm Thúy Hằng chỉ sống ẩn dật tại một căn biệt thự ở Thanh Đa. Hàng tuần, bà lấy pháp danh nhà Phật, che giấu gương mặt biến dạng để đi làm việc từ thiện với nhà chùa.
Theo Hoàng Lê (Ngoisao.vn/Giadinhvietnam.com)