'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời

31/10/2018 06:27:00

Kim Dung qua đời ở tuổi 94 sau thời gian bạo bệnh. Cuộc đời ông là những năm tháng huy hoàng về sự nghiệp nhưng đầy bi kịch trong cuộc sống gia đình.

Chiều 30/10, Kim Dung qua đời ở tuổi 94, cái tuổi gọi là xưa nay hiếm. Thế nhưng với hàng triệu người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp, họ vẫn chẳng thể tin đó là sự thật. “Một tượng đài đã lặng lẽ rời bỏ chúng ta”, QQ viết.

Tân Hoa Xã gọi Kim Dung là “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp”, “Thái đẩu võ hiệp”. “Thái đẩu võ hiệp Kim Dung cũng bỏ chúng ta mà đi. Vừa sinh đã lỗi lạc, bây giờ qua đời vẫn là lỗi lạc”, Tân Hoa Xã viết.

'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời
Kim Dung qua đời trong sự tiếc thương.

Kim Dung là thanh xuân của nhiều thế hệ và cũng là ký ức của một giấc mộng võ hiệp không có thật của Trung Hoa. Cuộc sống của ông có nhiều ngã rẽ và bi kịch như trong tiểu thuyết.

“Đứa trẻ ngốc” xuất thân gia thế

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh trưởng trong gia đình thuộc hàng gia thế, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có học thức hơn người. Gia tộc Kim Dung có những cái tên nổi tiếng như nhà thơ Từ Chí Ma, nhà khoa học Tiền Học Sâm.

Gia đình kể từ nhỏ cậu bé Tra Lương Dung đã khác các bạn bè cùng trang lứa. Tra Lương Dung không thích nghịch, dành phần lớn thời gian trong phòng sách đọc đến mất ăn mất ngủ. Cha ông ngày đó luôn gọi con là “đứa trẻ ngốc”. Bạn bẻ cũng gọi ông là “kẻ ngốc”.

'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời - 1
Kim Dung thời trẻ.

Nhiều người cho rằng đây là lý do những năm sau này, các nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Dung đều có chút ngốc.

Ngày nhỏ, ai cũng nghĩ ông trở thành luật sư, bác sĩ hay nhà ngoại giao khi trưởng thành. Nào ngờ, thời cuộc hỗn loạn, ông lại chọn nghề với cây bút.

Kim Dung từng theo học tại Đại học Trùng Khánh, cũng có ý theo đuổi nghiệp ngoại giao. Nhưng với cá tính thẳng thắn, ông nhiều lần bị trường nhắc nhở và bị đuổi ngang.

“Mặc dù không trở thành nhà ngoại giao nhưng tôi chưa bao giờ hối hận. Tính cách tôi tự do, thích gì làm đó, thích thẳng thắn. Ngoại giao lại là nghề đòi hỏi tính kỷ luật”, ông chia sẻ. Kim Dung chuyển nghề viết báo.

Ông từng làm việc tại Đại công báo, Tân Vãn báo trước khi thành lập Minh Báo.

Từ chủ biên lớn đến võ lâm minh chủ

Thập niên 1950, Kim Dung tới sống ở Hong Kong và chứng kiến thời kỳ phức tạp về chính trị. Lúc này, ông quyết định tự lập tờ báo của chính mình, muốn mang tiếng nói đến với công chúng. Đó là lý do ông tìm đến một người bạn tên Thẩm Bảo Tân, thành lập Minh báo.

Ngày đó, Kim Dung thiếu tiền để xây dựng tờ báo. Ông phải kiêm đủ vai trò từ biên tập, phóng viên đến chủ biên. Ông còn cố viết tiểu thuyết để trang trải. Năm 1959, Minh báo ra đời. Cũng năm 1959, Thần điêu hiệp lữ được viết dài kỳ và đăng dần.

“Một bên viết tiểu thuyết, một lúc viết xã luận. Mỗi ngày mở mắt đều có ít nhất 2.000 chữ bản thảo chờ sẵn. Cơm cũng không muốn ăn vì bản thảo chưa xong”, một người bạn cùng thời Kim Dung kể trên QQ.

'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời - 2
Kim Dung bên người vợ thứ hai, Chu Mai.

Cầm trong tay cây bút, Kim Dung đã viết lên thời đại võ hiệp đầy mộng tưởng. Người trong giới sớm gọi ông là đại hiệp Kim Dung. Từ năm 1955 khi mới nâng bút đến khi gác bút vào năm 1972, ông hoàn thành 15 tác phẩm nổi tiếng thuộc hàng kinh điển.

“Am hiểu văn hóa Trung Quốc, Kim Dung tạo ra Tiêu Phong phóng khoáng hiên ngang, Quách Tĩnh hiệp nghĩa ngay thẳng, Lệnh Hồ Xung thẳng thắn ung dung tự tại và một gã Vi Tiểu Bảo cổ linh tinh quái. Đó đều là những nhân vật kinh điển trong các tác phẩm kinh điển”, Tân Hoa Xã bình luận.

On cho biết tại showbiz Hoa ngữ và ngay cả giới kinh tế, Kim Dung nói một không ai cãi hai. Ông có tầm ảnh hưởng lớn với các nhà chính trị, doanh nhân hàng đầu. Nhưng cuộc sống riêng của ông lại đong đầy nước mắt.

Tiếng phụ bạc và bi kịch con cái

Kim Dung có ba lần kết hôn. Người vợ đầu tiên tên Đỗ Trị Phân. Hai người gặp nhau năm 1947 tại Hàng Châu. Năm đó, Đỗ Trị Phân mới 17 tuổi, là con gái một gia đình giàu có.

Vì Kim Dung, bà không nghe lời khuyên của gia đình. Năm 1948, Kim Dung bỏ Hong Kong chạy về Hàng Châu cầu hôn bạn gái. Họ cũng chuyển tới Hong Kong sống và kết hôn.

Đáng tiếc hôn nhân chẳng lâu dài khi Kim Dung miệt mài viết lách. Người vợ đầu sống cảnh đơn độc, đành quyết định ly hôn và trở lại Hàng Châu. Hôn nhân đầu đổ vỡ, Kim Dung sớm tìm được niềm vui mới bên Chu Mai.

Hai người kết hôn năm 1953 và chia tay vào năm 1976. Lúc mới cưới, cuộc sống của Kim Dung là bàn tay trắng. Năm 1959, ông sáng lập tờ Minh báo. Chu Mai có học vị cao, tốt nghiệp đại học ở Hong Kong, biết ngoại ngữ, vẻ ngoài cũng xinh đẹp. 

'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời - 3
Những nhân vật kinh điển từ tác phẩm Kim Dung.

Kim Dung là tổng biên tập còn Chu Mai là nữ phóng viên duy nhất của tờ báo. Doanh số Minh báo phát hành rất thấp, lúc nào cũng đứng trước nguy cơ giải thể. Khi Chu Mai sinh thêm con, gia đình càng rơi cảnh khó khăn.

Để giúp đỡ chồng, bà một tay chăm sóc các con, một tay vun vén công việc với vai trò phụ tá của Kim Dung. “Năm đó, một ly cà phê, hai người cùng uống. Cuộc sống tuy gian khổ nhưng lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Tôi nghĩ đời này đã tìm được người yêu chân tình”, Kim Dung nhớ lại. 

Năm 1970, Kim Dung hoàn thành 14 tiểu thuyết dài và vừa. Đây cũng là giai đoạn Minh báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Sự nghiệp thăng tiến cũng là thời điểm hôn nhân rạn nứt.

Ngày ly hôn, Chu Mai đưa ra hai yêu cầu: một là nhận khoản tiền sinh hoạt, hai là yêu cầu người vợ mới thắt ống dẫn trứng để không thể sinh thêm con. Kim Dung sẵn lòng đồng ý để có thể song bên người vợ thứ ba, kém ông gần 30 tuổi.

Kim Dung nói việc chia tay Chu Mai là nỗi ân hận lớn trong cuộc đời. Ông luôn tự trách bản thân và muốn xin lỗi bà cho đến khi chết.

“Cuộc đời tôi có hai nỗi đau, đó là Chu Mai và hai con”, ông nói trên Minh báo. Kim Dung có 4 người con và 3 lần kết hôn. 4 người con gồm 2 trai, 2 gái đều là kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai.

Con trai đầu là Tra Truyền Hiệp từng là niềm tự hào của Kim Dung. 4 tuổi Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh, 6 tuổi có thể ngân nga Tăng Quảng Hiền Văn. Tra Truyền Hiệp được khen là “thần đồng văn học”.

11 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã bộc lộc tài văn chương. Anh có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì. Dưới ngòi bút Truyền Hiệp, cuộc sống có nỗi u uất, sống là bể khổ, tư tưởng của anh trưởng thành hơn tuổi đời. 

'Thái đẩu võ hiệp' Kim Dung - đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời - 4
Kim Dung bên người con gái.

Lúc đó nhiều người đã cho rằng Tra Truyền Hiệp đang bị áp lực trong cuộc sống. Nhưng Kim Dung lại cảm thấy đó là chuyện bình thường, đánh giá cao tác phẩm con trai. Ông còn nhận định con trai sớm trưởng thành, tư tưởng thông tuệ. 

Chẳng ai ngờ, tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát tại Mỹ ở tuổi 19. Anh quyên sinh sau một tranh cãi với bạn gái ngoại quốc. Nỗi đau mất con khi đó đã là vết thương không bao giờ lành trong lòng Kim Dung.

Nỗi đau không dừng với Kim Dung. Thập niên 1970, Kim Dung đưa gia đình sang Singapore. Nào ngờ, trên đường đi, cô con gái lớn tên Tra Truyền Thơ sốt cao, dẫn đến bị điếc.

Cũng sau cái chết của con, Kim Dung ngày càng tin vào đạo lý luân hồi trong Phật pháp. Các tác phẩm của ông đều mang màu sắc của đạo Phật. Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh báo cho Vu Phẩm Hải cũng vì “thấy người này có nét giống con trai tôi, hai người lại cùng tuổi”. 

“Cuộc sống này quá nhiều thăng trầm và nỗi buồn. Có người từng hỏi tôi sống như thế nào. Tôi chỉ cười và nói hãy đại náo một trận rồi lặng yên rời đi. Sống cả đời, ra đi tựa sương mai. Đời người cũng như tiểu thuyết võ hiệp”, Kim Dung nói.

Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật