Bôm may mắn vì luôn có cha bên cạnh, Quốc Tuấn may mắn vì cậu con trai chưa từng bỏ cuộc. Còn chúng ta, may mắn hiểu rằng hóa ra tình yêu, niềm tin, sự nỗ lực có thể làm nên mọi thứ trên đời.
Những ngày này người ta nhắc nhiều về câu chuyện của Bôm và nghệ sĩ Quốc Tuấn mà mỗi khí nhắc tới ai nấy đều rưng rưng lệ.
Năm 2002, Bôm ra đời trong sự chờ đợi, hi vọng của cha mẹ và người thân. Cũng như bao người mẹ khác, suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, mẹ Bôm cũng mong con cất tiếng khóc chào đời bình thường, khỏe mạnh như mọi đứa trẻ...
Còn Quốc Tuấn, cũng như vợ mình, anh háo hức, chờ đợi ngày được gặp đứa con trai bé bỏng.
Vậy nhưng, ngày Bôm gặp cha mẹ lại là ngày đau đớn nhất trong cuộc đời. Khi Bôm vừa chào đời, bác sĩ cho phép Quốc Tuấn vào gặp con. Và giây phút đầu tiên hai cha con nhìn thấy nhau đã khiến Quốc Tuấn chết lặng.
"Đến lúc con vừa đẻ ra, mình được đặc cách vào phòng mổ, mình đã nhìn thấy một cái gì đó không bình thường, linh cảm một điều gì đó bất ổn. Khi bế ra, mình lật khăn và sụp đổ, phần trán con gập, mặt lép, chân tay dính, phần mặt bị lồi ra".
Sinh ra với một hình hài không lành lặn, không phải là lỗi của Bôm, không phải là lỗi cha mẹ Bôm. Nhưng nó lại là nỗi đau trong chính trái tim những người làm cha làm mẹ như nghệ sĩ Quốc Tuấn.
Bôm không hề biết rằng cái chạm tay đầu tiên với bố, tiếng ọ ẹ đòi sữa đầu tiên đã khiến người đàn ông hơn 40 là Quốc Tuấn rơi lệ. Và cũng từ đó, Bôm và bố chưa từng rời tay nhau.
Thực ra, Bôm được mẹ đặt cho cái tên Tôm trong tôm tép. Ấy vậy nhưng, khi mới đầu chập chững bước đi và bập bẹ biết nói, cậu bé gọi lệch tên thành Bôm. Thấy con trai gọi vậy, Quốc Tuấn quyết định lấy cái tên Bôm để gọi con trai bé bỏng.
Bôm được cha mẹ yêu thương đặt cho cái tên khai sinh Nguyễn Anh Tuấn với hi vọng khi con trưởng thành có thể hoàn toàn bình thường như mọi người.
15 năm với hàng chục cuộc phẫu thuật nhưng chưa một lần buông tay cha
Mở mắt chào đời, Bôm nắm chặt tay cha. Và rồi những năm tháng tiếp theo trên cuộc đời, Bôm vẫn nắm chặt tay cha để được dẫn lối.
Người ta nói rằng không ai có quyền được chọn cha mẹ sinh ra mình nhưng có lẽ Bôm đã may mắn vì trong hành trình đi tìm hạnh phúc Bôm chưa từng đơn độc.
3 tuổi, độ tuổi đáng lý Bôm đang chạy nhảy tung tắc khắp nhà, bi bô với cha mẹ bao điều thì Bôm lại phải trải qua ca phẫu thuật lớn đầu tiên trong cuộc đời.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ và giữa chừng Bôm bị sốc thuốc. Trong cái giây phút mong manh ấy, thậm chí Quốc Tuấn, người cha chưa từng từ bỏ một chút hi vọng tưởng chừng đã gục ngã thì may mắn sao Bôm đã chiến đấu hết mình.
Chiến thắng thần chết, Bôm như tiếp cho bản thân mình, cho cha mẹ sức mạnh. Mặc dù lúc ấy Bôm không biết rằng ca phẫu thuật lần này chỉ là mở màn cho những ca phẫu thuật kéo dài, phức tạp và nguy hiểm hơn ở phía sau.
Nhưng may thay, niềm tin, tình yêu và sự lạc quan chưa bao giờ Bôm đánh mất.
Trong suốt 15 năm, Bôm trải qua hàng chục ca phẫu thuật nhưng có một điều kỳ lạ, Bôm chưa từng một lần kêu đau đớn. Bởi Bôm hiểu rằng Bôm đau 1 thì cha mẹ Bôm, những người luôn đứng phía sau cánh cửa phòng mổ còn đau đớn gấp trăm, gấp ngàn lần.
Và thế là, Bôm luôn dùng nụ cười để đối đãi lại bệnh tật, như cả cái cách Bôm gọi bố Tuấn bằng Anh.
Hiểu rõ những vất vả của bố mẹ, Bôm đã luôn cố gắng mạnh mẽ bởi: "Bôm là đàn ông, Bôm can đảm lắm. Bôm nói ra bố lại phải giúp, làm phiền bố không hay".
Có những lần Bôm sốt, người đỏ au chỉ nằm một chỗ vì quá mệt Bôm cũng không hề kêu khóc mà tự mình chịu đựng. Lúc ăn, Bôm mệt đến nỗi không thể ăn nhưng thấy bố bực mình quát, Bôm lại tiếp tục chiến đấu. Bởi Bôm hiểu rằng trên đời này có một điều duy nhất Bôm không thể làm đó chính là: Làm bố Tuấn buồn.
Nói về tình yêu với bố mẹ, Bôm hài hước so sánh: "Bôm yêu anh Tuấn to bằng cả cái nhà này, yêu mẹ bằng cả cái phòng này". Câu nói giản đơn, hài hước của Bôm khiến nhiều người rơi lệ.
Từ nhỏ, Bôm đã có hứng thú với đàn. Bằng đôi bàn tay không lành lặn của mình, Bôm tập thử những phím đàn theo kiểu "mổ cò". Sau này, Bôm được phẫu thuật tách rời những ngón tay, Bôm bắt đầu hành trình chinh phục những phím đàn và đánh những bản nhạc mà Bôm thích hay bố Tuấn muốn nghe.
Bôm đã dùng âm nhạc để chữa lành những vết thương về thể xác để nuôi dưỡng tâm hồn của chính mình.
Người ta nghĩ rằng cậu bé suốt ngày nằm trên giường bệnh như Bôm sẽ chán nản và bi quan lắm. Nhưng không, Bôm luôn vui vẻ, luôn lạc quan và luôn yêu đời như đúng độ tuổi của Bôm vậy.
Bôm có thể nhảy múa, tếu táo bên bạn bè thậm chí dạy họ đánh đàn piano. Ước mơ của Bôm sau này là "trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, cao to khỏe mạnh, có tài năng về piano". Bôm cũng khát khao được một lần mặc áo vest, đeo nơ, được biểu diễn trên sân khấu to có hàng triệu khán giả lắng nghe những thanh âm mà Bôm tạo ra và được mọi người tặng hoa, tặng đĩa nhạc.
Bôm còn có một mơ ước khá đặc biệt, được mọi người tặng vali. Bởi ước mơ của Bôm là sau này ra nước ngoài học thật giỏi về âm nhạc nên "tặng vali để Bôm đi nước ngoài".
Bôm của hiện tại đã là tân sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Bôm yêu bố Tuấn, Bôm yêu mẹ và Bôm yêu âm thanh êm đềm của piano.
Và Bôm đã có buổi biểu diễn đầu tiên trong cuộc đời mình cùng ê kíp Điều ước thứ 7. Sân khấu hôm ấy có thể không có hàng triệu khán giả như Bôm từng mơ ước nhưng Bôm đã mặc vest đẹp, đeo nơ và quan trọng hơn, Bôm đã tự tay đánh đàn để gửi tới mọi người.
Bước lên trên sân khấu, Bôm chia sẻ về người cha mà Bôm vẫn thường gọi là anh trong suốt bao năm qua: "Cảm ơn anh Tuấn, anh thấy em mặc bộ vest này có đẹp không? Anh đừng căng thẳng quá nhé. Em rất cảm ơn anh vì anh đã ở bên động viên. Em sẽ chơi nhiều bản nhạc thật hay cho anh nhé".
Cám ơn Bôm, cùng với bố Tuấn, Bôm đã vẽ nên một câu chuyện ngọt ngào về tình thân, về niềm tin và sự kiên trì giúp người ta có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Theo Padun (Thời Đại)