“Hành trang cho một ngày sẽ quay về”
Lê Công Sơn đã chọn tản văn “Không đâu bằng nhà mình” để bắt đầu cho những câu chuyện mà anh sẽ kể trong “Răng mà thương mà nhớ”. Sau bao tháng ngày bôn ba nơi đất khách, mái nhà xưa vẫn là nơi đong đầy yêu thương, dẫu rằng “Có hôm trời bão tháng Mười, nửa đêm gió ùa về đột ngột tha mất... cái nóc”. Không đơn thuần chỉ dành riêng cho mái nhà nhỏ, mà đó là cả một tình yêu lớn dành cho quê hương, nơi đã sinh ra và dung dưỡng một tâm hồn đầy thi vị - xứ Quảng.
Mặc dù, những câu chuyện về ngoại, về mẹ, về vợ, về đứa con nhỏ, về những người thân… không được sắp xếp theo dòng chảy thời gian nhưng chính sự “lộn xộn” đó đã làm nên cái chân thật, cái tình của tác giả. Bởi lẽ, mọi sự thương nhớ trên đời đều đến với con người một cách đầy bất chợt mà không có bất kỳ sự sắp xếp nào.
Cái thương cái nhớ mà Lê Công Sơn dành cho quê hương xứ Quảng vừa to lớn vừa đậm đà. Chỉ cần đọc những dòng mà anh đã viết về tuổi học trò nơi làng quê, mới hiểu vì sao con người nơi đó lại vững chí bền gan đến vậy. Cho đến tận ngày hôm nay, với những gì mà anh đã đạt được, có thể gọi là thành công thì quê nhà vẫn là nơi mang đến cho anh niềm hạnh phúc: “Nửa đời người, còn gì hạnh phúc hơn khi cuộc đời này có quê nhà để nhớ, bến neo đậu những tình cảm riêng tư trên bước đường mưu sinh mệt mỏi và chuẩn bị hành trang cho một ngày sẽ quay về…”.
Mẹ, ngoại, vợ và những người đặc biệt
Một trong những hình ảnh tuyệt vời và thiêng liêng nhất trong “Răng mà thương mà nhớ” đó là người mẹ. Vượt qua những khó khăn, vất vả của hoàn cảnh, mẹ và ngoại đã nuôi nấng cho đàn cháu, đàn con được ăn học thành tài. Và người vợ, đã vượt bao đau đớn và hy sinh rất nhiều để sinh cho anh một thiên thần bé nhỏ.
NSND Hồng Vân, diễn viên Trương Ngọc Ánh, ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc Tôn Đông Á, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, hay ông Lâm Xuân Thi chủ thương hiệu xe đạp Martin 107… là những con người thành công và nổi tiếng trong xã hội nhưng đồng thời cũng là những người giàu lòng nhân ái đã cùng Lê Công Sơn đồng hành trong những lần công tác thiện nguyện, hỗ trợ học sinh nghèo và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Dĩ nhiên, với tư cách của một người cầm bút, Lê Công Sơn đã dành những trang viết trang trọng cho những người thầy, người bạn đã cùng anh đi qua những chặng đường của chữ nghĩa từ những ngày đầu tiên cho đến tận hôm nay trong “Những người thầy đầu tiên của nghề báo”, “Với nhà văn Lê Văn Nghĩa”, “Mãi mang theo những kỷ niệm”…
Bản hòa ca thương nhớ
Quyển tạp bút “Răng mà thương mà nhớ” có bốn phần: Tản văn, truyện ngắn, chùm truyện vui và thơ. Mỗi phần mang một màu sắc, một nhịp điệu riêng nhưng tất cả đều thể hiện được cái đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đậm tình cảm dành cho quê hương của một người con xa xứ phải ngược xuôi ở chốn đô thị để mưu sinh.
“Răng mà thương mà nhớ” - câu nói mang đậm âm sắc đặc trưng của người dân xứ Quảng, mới nghe qua đã cảm nhận được sự da diết và cảm xúc tràn đầy. Thật kỳ lạ, đất miền Trung có thể cằn cỗi nhưng con người nơi đó lại có tâm hồn tươi mát và đong đầy yêu thương.
Quyển sách này không chỉ dành riêng cho những con người xứ Quảng hay những người vì mưu sinh phải xa quê hương, mà còn cho tất cả những ai luôn dành tình yêu cho vùng đất mình sinh ra, cho mái nhà nhỏ, cho người thân, cho bạn bè và cho cả những trái tim biết yêu thương dù chỉ là nhỏ nhoi.
Theo Đức Tiến (Nguoitieudung.com.vn)