Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, những năm qua công tác trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị di tích luôn đạt nhiều kết quả tích cực. Các đền tháp Mỹ Sơn từ chỗ đối diện nguy cơ sụp đổ nay đã chuyển sang giai đoạn ổn định, nhiều công trình nghiên cứu và dự án được thực hiện, phục hồi, góp phần giúp di tích có kết cấu kiến trúc bền vững hơn.
Đặc biệt, đơn vị đã hợp tác với Viện Sinh thái và bảo vệ công trình (Bộ NN&PTNT) thực hiện, ứng dụng đề tài “Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn”. Qua đó xây dựng được hồ sơ khoa học về đa dạng sinh học, nghiên cứu thủy văn và các tác động đến địa chất, địa tầng cũng như tái tạo hàng chục héc ta rừng hiệu quả.
Nhiều sản phẩm du lịch theo hướng hiện đại, trách nhiệm và thân thiện với môi trường, phù hợp với cảnh quan di sản đã được triển khai phục vụ khách như: trung chuyển xe điện, chụp hình lưu niệm qua vé, biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm trong nhà biểu diễn và dưới chân tháp, biểu diễn dệt thổ cẩm… Một số sản phẩm địa phương đã được giới thiệu tiêu thụ tại di tích như đá mỹ nghệ, chè vối, gốm thủ công, lưu trú, ẩm thực…
Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến, gặp gỡ đối thoại thường niên với các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan truyền thông, kết nối đối tác luôn được tăng cường. Khách du lịch đến Mỹ Sơn ngày càng nhiều, doanh thu du lịch ngày càng tăng. Nếu năm 2013 doanh thu du lịch của Mỹ Sơn là 20 tỷ đồng thì đến 2017 con số này đã tăng 56 tỷ đồng (trong đó thu từ phí tham quan 14 tỷ đồng, thu từ các dịch vụ 42 tỷ đồng), nộp ngân sách nhà nước hơn 12 tỷ đồng.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn cũng đối diện nhiều vướng mắc. Nổi bật như một số hạng mục trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 (Quyết định 1915/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) dù sắp hết hiệu lực nhưng chưa được thực hiện do chưa có chủ trương và kinh phí; việc cắm mốc, giao đất giao rừng chưa được triển khai khiến việc quản lý bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Một số tháp như F1, F2 đang có nguy cơ sụp đổ và hoàn thổ rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa thể lập dự án trùng tu bảo tồn.
“Ban Quản lý Mỹ Sơn kiến nghị Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040; kiến nghị Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL thống nhất chủ trương bảo tồn, trùng tu nhóm tháp F tại khu di tích Mỹ Sơn. Đồng thời cũng kính đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL thẩm định làm cơ sở UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 cũng như Quy chế quản lý và bảo vệ khu di tích Mỹ Sơn” - ông Hộ đề xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ việc lập lại quy hoạch có mang tính cấp thiết không, khi đó mới có thể thuyết phục các cấp bộ ngành liên quan đồng ý.
Dù vậy, vấn đề được quan tâm và lo lắng nhất chính là việc khẩn trương kè chống tháp B3 cũng như bảo tồn nhóm tháp F (F1 và F2). Trong đó, tháp B3 và F1 đang đối diện nhiều nguy cơ sụp đổ và hoàn thổ bất cứ lúc nào. Được biết, hiện Bộ VH-TT&DL đã thống nhất chủ trương, đơn vị tư vấn thuộc Viện Bảo tồn di tích cũng đã vào khảo sát xây dựng phương án thiết kế trình bộ thỏa thuận.
Các di tích này hiện đã xuống cấp khá nặng, rất đáng lo ngại nên phải được tu bổ chống đỡ cấp thiết trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc tiến hành trùng tu cần đảm bảo các yêu cầu theo quy định, hạn chế tác động quá mức vào di tích và không gian di sản, kể cả việc vận chuyển tập kết vật liệu vào bên trong vùng lõi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo.
Trọng Tâm (Thuonghieucongluan.com.vn)