Bù lại, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của họ đã được đền đáp xứng đáng bằng danh tiếng trong nghề nghiệp và cả sự yêu thương của khán giả ngày hôm nay.
Kim Đào: Giúp việc, rửa ly, shipper, từng định ôm con tử tự vì bế tắc
Kim Đào sinh ra trong một gia đình nghèo ở Rạch Giá, mẹ làm nghề giúp việc, giặt đồ mướn kiếm từng đồng nuôi 3 chị em Đào. Vì nhà quá nghèo nên chị em Đào lần lượt được gửi đi ở nhà người khác, chỉ để mong được học hành, được cơm ăn 3 bữa.
Tuổi thơ của Đào gắn với những ký ức kinh hoàng về bạo lực gia đình. Không chỉ chứng kiến cha đánh mẹ, Đào còn chứng kiến cảnh mẹ của mình bị người ta chửi bới thậm tệ khi bà đi giúp việc. Bản thân Đào cũng nhiều lần chịu đòn roi khi "phản ứng" để bảo vệ mẹ.
Hoàn cảnh buộc Đào phải nghỉ học sớm, đi làm thuê làm mướn dưới quê để mẹ nhẹ gánh kinh tế trong nhà. Đào không nề hà bất cứ một công việc nặng nhọc nào, từ dọn nhà theo giờ, rửa ly tới shipper, miễn kiếm được đồng tiền chân chính bằng chính công sức lao động của mình.
18 tuổi Đào lấy chồng, sinh con. Những tưởng quãng đời cực nhọc kia sẽ vơi bớt nhưng cuộc sống làm dâu thật không dễ dàng khi chồng cứ đi biền biệt cả năm chỉ về đôi lần mà mẹ chồng thì ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy con dâu đã... ngứa mắt. Đào ôm con về nhà mẹ đẻ và lại tiếp tục chịu đựng những ngày tháng vất vả cả tinh thần lẫn thể chất.
Dù vậy thì Đào vẫn tìm niềm vui sống bằng việc, ngày đi rửa ly mướn ở quán cà phê, tối tham gia đội văn nghệ của phường. Một người bạn trong đội văn nghệ đăng ký thi Đấu trường tiếu lâm, nhờ Đào phụ diễn. Nào ngờ, tới vòng ghi hình, người ta rớt còn Đào được chọn.
Để có thể ở lại Sài Gòn tham gia thi Đấu trường tiếu lâm, Đào không dám thuê nhà trọ mà ngủ công viên Hoàng Văn Thụ. Buổi trưa, Đào leo lên xe bus ngồi từ bến này qua bến kia chỉ để được ngủ có máy lạnh.
Ở Sài Gòn đã không làm ra tiền, lại còn phải gửi tiền về quê nuôi con nên nhiều lần Đào muốn bỏ cuộc vì đuối sức, nhưng ai cũng động viên. Tới khi Đào không thể đi tiếp thì công việc dưới quê cũng không cần Đào nữa. Đào thất nghiệp.
Tới 1.000 đồng, Đào cũng không có. Vừa rơi vào tấn bi kịch của cái nghèo, Đào còn nhận thêm sự chỉ trích, chê bai của mọi người. Đi vay người quen 20.000 đồng để mua sữa cho con, Đào cũng bị nói không ra gì. Cùng đường, Đào định mua thuốc chuột về hòa với sữa cho con uống rồi chết theo con.
Đúng lúc Đào nghĩ quẩn thì con trai ôm mẹ dỗ "mẹ nín đi, đừng khóc nữa, mai mốt con lớn, con tự mua sữa rồi con xây nhà cho mẹ, mua xe cho mẹ". Lời nói thơ ngây của con trẻ khiến Đào choàng tỉnh cơn mê.
Đào xốc lại tinh thần, chấp nhận chịu nhục đi vay 400.000 về làm bánh khoai, chuối nướng ép nước cốt dừa bán. Đúng lúc đó, chương trình Đấu trường tiếu lâm phát sóng, Đào bỗng chốc nổi tiếng ở quê. Việc buôn bán khởi sắc lên hẳn làm Đào rất vui. Nhưng chưa ngừng ở đó, các show diễn bắt đầu đến với Đào.
Đào tiếp tục góp mặt trong nhóm hài Tỉ Muội của Làng hài mở hội và lại tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Từng bước từng bước, bằng sự nhẫn nại, học hỏi và niềm đam mê bất tận với nghệ thuật, giờ đây Đào đã trở thành một diễn viên thực sự khi tham gia rất nhiều dự án phim ảnh cũng như gameshow, sitcom.
Quách Ngọc Tuyên: Làm bảo vệ, đổ xăng thiếu tiền, nhịn đói nguyên ngày
Quách Ngọc Tuyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân lao động nghèo, đông con ở Cần Giuộc, Long An.
Nhà nghèo, đông anh em nhưng may mắn là ai cũng... dễ nuôi. Cũng như hai người anh trai, Quách Ngọc Tuyên lớn lên bằng nước cơm vì nhà không có tiền mua sữa. Mẹ anh đi bán hàng, gửi con ở nhà cho bà cố chăm cháu. Mỗi bữa cơm, bà cố múc vài muỗng nước cơm rồi hòa với đường tán cho cháu bê húp.
Nhà nghèo tới nỗi, có lần Quách Ngọc Tuyên bị ban khỉ, ho sốt, tiêu chảy. Mẹ anh vẫn phải đi chợ, gửi con cho bà cố chăm. Chiều về, nhìn mông con đỏ như đít khỉ, nhăn nheo vì tiêu chảy cả ngày, mẹ anh không cầm được nước mắt.
Vì không có tiền đi viện, nghe người ta mách bà bế con đi tìm thầy thuốc. Hai mẹ con đi xe đò hết hơn 2.000 đồng, trong khi tiền thuốc chỉ có hơn 1.000. Nhiều lúc, còn phải đi bộ rất xa, rất lâu vì không còn tiền đi xe. Dù đi trong vô vọng nhưng may mắn gặp được thầy thuốc giỏi, bệnh ban khỉ của Quách Ngọc Tuyên được chữa khỏi.
Nhà nghèo nên từ nhỏ, Quách Ngọc Tuyên đã biết phụ việc cha mẹ mưu sinh. Năm lớp 9, có lần anh suýt chết khi đi chở hàng với ba lên Biên Hòa, Đồng Nai.
Ngày hôm đó mưa lớn, đường đi gặp một con dốc khá cao, xe chở quá nặng, không leo dốc được, Quách Ngọc Tuyên nhảy xuống đẩy. Đường trơn trượt nên anh bị ngã. Đúng lúc đó có một chiếc xe tải lao lên. May mắn là anh ngã lăn vào trong vệ đường, nếu lăn ra ngoài, chắc chắn bị xe tải cán chết.
Cả nhà gom góp mua được một chiếc xe máy. Cứ 2, 3h sáng, Quách Ngọc Tuyên chở mẹ đi lấy hàng. 5h mẹ ra chợ bán rồi Quách Ngọc Tuyên về nhà lấy sách ra học, đợi tới giờ lên lớp.
Nghỉ hè năm lớp 11, Quách Ngọc Tuyên theo một chú trong xóm lên quận 6 làm phụ hồ. Cao 1m76 mà chỉ nặng có 50kg, công việc thì nặng nhọc, phải vác bao xi măng 50kg đi lên cầu thang. Làm gần 2 tháng, anh phải nhập viện vì lao lực.
Sau đợt đó, Quách Ngọc Tuyên nghỉ học, lên Sài Gòn đi làm bảo vệ. Ngày làm bảo vệ, tối học bổ túc văn hóa. Dù hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa làm nhưng Quách Ngọc Tuyên thi hai trường vẫn đỗ cả hai: Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TPHCM và Cao đẳng công nghiệp 4.
Ngày anh cầm giấy báo trúng tuyển về nhà, mẹ anh khóc như mưa. Bà quá mừng vì cậu con trai ngoan ngoãn, hiếu thảo, chịu thương chịu khó nhữ thế mà vẫn học giỏi nhưng bà cũng khóc vì không biết lấy tiền đâu cho con đi học.
Quách Ngọc Tuyên xin mẹ để mình tự xoay sở học phí. Anh ký hợp đồng làm bảo vệ 3 năm để có tiền đi học nhưng ngày nhập học vẫn phải... đóng tiền thiếu.
Đang đi học, có ai kêu vai quần chúng, Quách Ngọc Tuyên cũng đi. Phần vì có thêm thu nhập, phần vì đi hiện trường để học hỏi nên anh không cảm thấy mắc cỡ.
Thời điểm đó, nam diễn viên cực khổ vô cùng. Có những ngày, trong túi chỉ còn 1.000 đồng, anh nhịn đói nguyên ngày, đợi tới khuya mới dám ra công viên hỏi mua một ổ bánh mì không. Cả xe bánh mì còn 3 ổ. Chủ xe bánh mì định bán cho anh thì có khách tới hỏi mua 3 ổ bánh mì thịt, thế là Quách Ngọc Tuyên đành ôm bụng đói.
Những ngày đi đóng vai quần chúng cũng thế, trong túi không có một cắc mà xe lại hết xăng. Anh đánh bạo rẽ vào cây xăng kêu đổ 10.000 đồng. Đổ xăng xong, anh mới thú nhận là mình hết tiền, vào đổ đại rồi năn nỉ người ta, đợi anh đi quay về sẽ đem tiền lại trả. Quay xong, có tiền, Quách Ngọc Tuyên quay lại thật. Người ta bất ngờ vì cứ tưởng anh sẽ đi luôn.
3 năm học trường Sân khấu, chuyện ăn mì gói thay cơm cả tuần, thậm chí cả tháng là điều hết sức bình thường của nam diễn viên.
Có những ngày từ quê chạy lên Sài Gòn mà trong người không có một "cắc". Anh nghĩ, lên Sài Gòn rồi xoay sở vì không dám xin mẹ. Thế nhưng tới lúc lấy cặp sách ra, thấy 50.000 đồng, Quách Ngọc Tuyên biết mẹ cho. Anh ngồi một góc trong nhà trọ mà khóc như một đứa con nít.
Vì không có tiền nên 3 năm học trường Sân khấu, mẹ anh chỉ cho con được hai lần tiền, mỗi lần 50.000 đồng. Cứ như thế, Quách Ngọc Tuyên lăn lộn ở Sài Gòn cũng 20 năm qua. Trải qua bao cơ cực để có ngày hôm nay, trở thành một diễn viên được khán giả nhớ mặt thuộc tên, được anh chị em đồng nghiệp yêu quý.
Cẩm Hò: Làm bảo mẫu từ lớp 9, là trụ cột kinh tế của cả gia đình
Cẩm Hò sinh ra trong một gia đình đông con ở huyện U Minh tỉnh Cà Mau. Nhà không có đất ruộng, cũng không có đất vườn. Từ nhỏ, Hò đã chứng kiến sự lam lũ của mẹ khi làm tất cả mọi thứ có thể để lo cho gia đình.
Năm Hò học lớp 9, mẹ nói Hò nghỉ học vì bà không còn sức để lo cho Hò nữa. Hò được chị gái đưa lên Sài Gòn, vừa làm thuê vừa đi học. Hò được gửi vào nhà một người quen của chị gái, vừa làm giúp việc, giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, trông con cho họ, vừa đi học.
Vì nhà chỉ có mẹ con đơn thân, cô bé mới 4,5 tuổi mà mẹ thì thường xuyên đi công tác nên cô học sinh lớp 9 là Hò khi ấy đóng vai trò như một người mẹ.
Trong khi các bạn cùng trang lứa còn được cha mẹ đưa rước thì Hò đêm hôm phải thức chăm đứa bé nóng sốt, ốm đau. Và sáng nào cũng thế, Hò cho bé ăn uống rồi đưa tới nhà trẻ. Hò cũng cắp cặp tới trường, chiều về đón, như nuôi con mọn.
Lâu lâu, Hò được chủ nhà cho vài trăm ngàn lại tích lũy gửi về quê phụ mẹ. Hò lên Sài Gòn được 3 tháng thì chị gái về quê lấy chồng, một mình Hò ở lại Sài Gòn tự thân từ đó. Cuối cùng, Hò cũng tốt nghiệp phổ thông. Đậu Cao đẳng văn hóa nghệ thuật, Hò lại vừa học vừa đi làm thêm ở tiệm cà phê, shop quần áo.
Hò thi Cặp đôi hài hước, may mắn được giải Quán quân. Vừa nhận giải thưởng được 45 triệu, Hò lập tức gửi về quê cho gia đình. Mẹ của Hò bị ung thư, từ sinh hoạt trong gia đình đến thuốc thang, Hò lo hết. Không ai ép nhưng bổn phận làm con buộc Hò phải đứng ra gồng gánh.
Hò đi diễn hài mà cuộc đời Hò buồn rơi nước mắt. Mọi người khen Hò giỏi nhưng Hò thì lắc đầu vì hoàn cảnh bắt buộc Hò phải như vậy, và chỉ có như vậy, Hò mới sống được. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, nặng gánh kinh tế mà con đường nghệ thuật của Hò từng bị gián đoạn.
Khi trở lại, Hò vẫn tràn đầy niềm đam mê, nhiệt huyết. Hò bảo, hoàn cảnh buộc Hò phải vươn lên, cố gắng không ngừng nghỉ. Để hôm nay, Hò đã là một diễn viên được đánh giá có năng lực tốt trong nghề.
Theo Hương Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)