Ngôi nhà của nghệ sĩ Hồng Chương nằm sâu trong con ngõ nhỏ, lối vào rợp sắc xanh cây trái. Nghệ sĩ ăn vận giản dị không khác những vai diễn ông hóa thân. Khán giả yêu mến gọi Hồng Chương là “ông Bụt” của làng phim Việt Nam bởi nghệ sĩ có bộ râu bạc, nụ cười hiền từ và phong thái điềm đạm. Ở tuổi 83, Hồng Chương sống sung túc bên vợ và hai con trai. Từ ngày về hưu, thiên nhiên trở thành người bạn của ông.
Hễ ra khỏi nhà, nghệ sĩ luôn được mọi người ôm chặt đón chào. Gặp lũ trẻ thì chúng gọi ông là "ông Tiên, ông Bụt". Lớp trung niên thì hỏi: "Bố già đóng phim, bố đi đâu đó". Đến khi ăn sáng, người bán hàng chẳng lấy ông tiền, họ còn nói: "Có mấy khi được mời cụ bát phở". Những câu chuyện nhỏ như thế cũng đủ khiến nghệ sĩ Hồng Chương cảm thấy quý giá.
Bạn bè đồng trang lứa với Hồng Chương như Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, NSND Thế Anh... đến nay hầu hết được phong tặng danh hiệu. Hỏi nghệ sĩ có thấy nuối tiếc khi ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn chưa có danh hiệu, ông chỉ cười. "Cuộc đời tôi chỉ có tiếc nuối duy nhất. Đó là trong gia đình, con cái không ai nối nghiệp. Có danh hiệu mà không được khán giả yêu quý còn buồn hơn", Hồng Chương nói.
Cao hứng nói về thú vui tuổi già, Hồng Chương lấy một chai rượu ngâm cất kỹ góc nhà, rót ra chén mời khách. Ông cười khà khà đắc ý khi khoe vườn hoa trước sân. Hồng Chương bảo ngày xưa thú chơi cây cảnh của ông thuộc vào hạng nhất nhì làng Hoàng Mai (Hà Nội). Để giữ cây xanh tốt, một tuần ông phải lau lá hai lần đến khi soi vào thấy bóng mặt.
Độ này sức khỏe yếu, ông không còn giữ thói quen uốn cành tạo thế độc cho cây như mấy năm về trước. Ấy vậy, Hồng Chương lại có thói quen khó bỏ. Cứ ngồi được 15 phút, ông lại đứng dậy làm một điếu thuốc lào, rít mạnh rồi từ từ nhả khói. Bà Mỹ - vợ ông - thấy thế tỏ ý không hài lòng. Bà kể nhiều lần ông ho sù sụ, đã quyết "chôn" điếu xuống nhưng khi không chịu được lại "đào" lên. Hồng Chương dí dỏm phân trần: “Bỏ thuốc còn mệt hơn là hút”.
Nhắc đến người bạn đời, Hồng Chương bảo tuy cách xa về tuổi tác, vợ rất thương yêu ông. Bà Mỹ kém chồng 14 tuổi, quê ở Hưng Yên. Thuở mới lấy về, ông bị nhiều cô ghen tức ra mặt và trách móc sao lại lấy "người nhà quê". Hồng Chương chỉ biết cười rồi bảo tình yêu không màu sắc, khó thể định nghĩa. Đến giờ, bà bị nặng tai và mắc bệnh tim mạch nhưng vẫn chăm sóc ông từng bữa ăn hàng ngày, lo lắng hỏi han mỗi lần chồng diễn xa nhà.
Từ ngày vợ ốm, Hồng Chương ít nhận vai, dành thời gian ở nhà đùa vui bên con cháu. Cuộc sống thưởng ngoạn đó đây cùng bè bạn cũng ít dần. Ông kể: “Khi còn dai sức, tôi cùng nhóm bạn đi thăm thú khắp nơi. Nhưng giờ thì chẳng đi được đâu vì phần nhiều bạn bè đồng niên đã khuất núi, còn lại được mấy ai”. Nghĩ về những người bạn quá cố, Hồng Chương nói: “Sống là khách qua đường, chết là về cố hương. Cuộc đời là quán trọ, bụi đời mù hơi sương”.
Nghệ sĩ là người yêu thơ, thích ca hát và sống bằng tinh thần lạc quan. Ông ngẫu hứng ngâm vài câu thơ tình của thi sĩ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính. Giọng của ông lên bổng, xuống trầm, nhịp nhàng theo vần điệu. Chính bởi tình yêu với nghệ thuật, Hồng Chương thường được bạn bè rủ vào sinh hoạt trong các câu lạc bộ. Có lần bị ốm nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia câu lạc bộ ca trù dù chẳng biết rõ lời ca nhịp phách.
Phim ảnh với Hồng Chương là đam mê, chưa bao giờ ông đặt nặng chuyện tiền bạc. Hiếm khi ông hỏi đạo diễn cát-xê cho vai diễn. Hồng Chương cứ làm hết mình, đạo diễn gửi bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Nhiều đồng nghiệp nói ông dại, Hồng Chương quan niệm tiền cũng quan trọng nhưng được làm nghề là hạnh phúc.
*Nghệ sĩ Hồng Chương trong bộ phim Đường đời năm 2004 |
Ở tuổi này để có một trí nhớ minh mẫn, theo Hồng Chương cái đầu không được tham lam, lao vào những thứ tiêu cực mà phải lưu lại những gì đáng yêu của cuộc đời. Ông quan niệm tình yêu là thứ cảm xúc không thể định nghĩa. Giống như cách nghệ sĩ say mê nghệ thuật, hăng hái nhận vai và nhập tâm vào nhân vật.
Tuổi già, không đủ sức để đi diễn xa, Hồng Chương thường dặn các đạo diễn khi nào phim quay gần Hà Nội thì cho ông tham gia. Gần đây, ông nhận vai trong bộ phim Giữa bóng tối và tâm hồn của đạo diễn người Mỹ gốc Việt, quay tại Ninh Bình. Hồng Chương hóa thân thành một ông già lang thang trong các bản, sống giữa sự giao tranh của cái thiện và cái ác.
Thấy ông nhận vai, cả gia đình phản đối. Vợ nói: “Già rồi ông đi làm gì”. Dù vậy, Hồng Chương vẫn quyết xa nhà hai tháng để theo đuổi đam mê. Nhiều lần, các con mua cho ông chiếc di động để tiện liên lạc nhưng Hồng Chương không dùng, bỏ ở nhà. Ông bảo: “Tôi cho các con số thư ký đoàn phim, có việc thì gọi qua đó. Túi tôi chỉ để đựng rượu với thuốc lào. Thế là đủ rồi”.
Vai diễn của Hồng Chương chủ yếu là những nhân vật hiền hậu hoặc người già mang nỗi bất hạnh, uẩn khúc trong cuộc sống. Nhiều đạo diễn sắm cho ông vai quá cố, trưng ảnh lên bàn thờ, ông vẫn vui. Với Hồng Chương, được đạo diễn phân ở vai nào cũng diễn bằng cái tâm, cảm xúc tự nhiên và không so đo kén chọn.
Trong cảnh quay của bộ phim Đạo nhà, nghệ sĩ vào vai ông bác mù lòa thay mặt người em quá cố dạy dỗ cháu trai bằng roi. Lợi dụng bác bị mù, người cháu thuê anh nông dân với giá một sào ruộng để chịu đòn thay. Khi phát hiện ra sự xảo trá đó, người bác đã khóc. Hồng Chương bảo cảnh ấy ông khóc thật sự, nước mắt tự nhiên giàn giụa chảy. Đạo diễn phải hét lớn: “Tất cả về đi nghỉ, cụ Chương ơi về đi, xong rồi”. Sau đó, anh ra nói với Hồng Chương: “Chưa bao giờ cháu thấy giọt nước mắt thật tâm đến thế”.
Nghệ sĩ Hồng Chương tếu táo: "Thời ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi không được đẹp trai bằng các đồng nghiệp nên thường chỉ được giao vai phụ". Do vậy, phần đông khán giả xem phim do Hồng Chương đóng chẳng nhớ nổi tên vai diễn của ông nhưng ấn tượng mà nghệ sĩ để lại trong lòng công chúng thì rất đậm nét. Hai năm trước, ông trở vào thăm Huế - nơi quay bộ phim Đạo nhà, đông đảo người dân nhận ra rồi hỏi vui: “Ông vẫn sống à”. Tay vuốt bộ râu bạc, ông cười khoái trá rồi trả lời: “Sống chứ”. Nhiều người còn lao tới, ôm Hồng Chương và khóc vì ngỡ rằng ông đã khuất núi.
Tiếng cô cháu gái đi học về chào ông ngoài xa cũng là lúc cuộc trò chuyện kết thúc. Hồng Chương nắm tay tiễn khách ra ngoài ngõ. Ông dặn lần sau tới nhà thì rủ thêm người cho đông vui. Hồng Chương thích thú khi được dịp cà kê với lớp trẻ. Ông bảo: "Tôi giống như mùa đông, gặp được mùa xuân như thêm phần trẻ lại".
Theo Trọng Trường (VnExpress.net)