Nguyễn Linh Ngọc sinh ngày 26/4/1910 ở Thượng Hải với tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Căn. Cô sống một cuộc sống nghèo khó với cha là công nhân xây dựng nhưng không may, ông qua đời khi Linh Ngọc mới 6 tuổi. Mẹ của cô chỉ là một người giúp việc nhưng chịu thương chịu khó, luôn làm lụng tăng ca, xắn tay vào những công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi dạy con. Khi được mẹ đưa vào học tại một trường tư thục, cô được đổi tên thành Nguyễn Ngọc Anh.
Năm 1925, Linh Ngọc gặp gỡ và quen biết với con trai thứ 4 của một gia đình thương nhân giàu có ở Thượng Hải tên là Trương Đạt Dân. Hơn cô 3 tuổi, Trương Đạt Dân nhiệt tình theo đuổi cô. Trương Gia biết được chuyện này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ còn mẹ của Linh Ngọc buộc cả hai phải cắt đứt mối liên lạc. Cô gái trẻ lúc này chưa hiểu rõ sự đời đã yếu lòng khi nghe những lời đường mật của Trương Đạt Dân. Cô nhất quyết đòi đến bên người con trai này để kết đôi.
Mặc sự can ngăn của 2 bên gia đình, Linh Ngọc và Đạt Dân dọn đến sống chung với nhau, cả hai lúc này đều là những người không có nghề nghiệp. "Một túp lều tranh, hai trái tim vàng" đã xưa như Trái đất, không lâu sau khi sống chung, Trương Đạt Dân bắt đầu dở tính. Vốn là người ưa thích những tụ điểm ăn chơi nhưng lại không có đủ khả năng kiếm tiền, Trương Đạt Dân phải tiêu nhờ vào khoản chu cấp hàng tháng từ nhà đẻ.
Quen với những ngày tháng rượu chè be bét, Trương Đạt Dân trở nên khó tính và hằn học vì không có tiền. Do quá yêu Trương Đạt Dân nên Linh Ngọc vẫn cam chịu, bắt đầu tính đến chuyện đi làm. Năm 1926, cô bước vào cuộc sống tự lập, kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già và phục vụ chồng. Anh trai của Đạt Dân - Trương Tuệ Trùng có vai vế trong làng điện ảnh bấy giờ đã chủ động mời Linh Ngọc đóng phim. Cô đồng ý mà không một phút đắn đo, chính thức dấn thân vào nghiệp diễn xuất.
Năm 1927, Nguyễn Ngọc Anh đổi tên thành Nguyễn Linh Ngọc, tham gia phim đầu tay The Couple in Name khi mới 16 tuổi cho hãng phim Minh tinh. Cô cũng được chú ý nhiều khi xuất hiện trong các phim khác như The White Cloud Pagoda (1928), Hợp đồng tự sát (1929), Kiếp hậu cô hồng (1929)...
Năm 1930, Nguyễn Linh Ngọc đầu quân cho hãng phim mới thành lập có tên là Liên Hoa. Vai diễn lớn đầu tiên của cô với hãng này là trong bộ phim "Xuân mộng cố đô". Sau đó, danh tiếng của Nguyễn Linh Ngọc càng ngày càng thăng tiến với Tình và Nghĩa vụ (1931), Three Modern Women (1933), Thần Nữ (1934)...
Với tầm ảnh hưởng của mình, Nguyễn Linh Ngọc trở thành nữ diễn viên nổi tiếng nhất điện ảnh Trung Quốc thập niên 30. Thậm chí, cô còn được coi là đại diện cho kỷ nguyên dòng phim câm ở Trung Quốc.
Năm 1932, một biến cố lớn đã xảy ra khiến nhiều thương nhân giàu có ở Thượng Hải phải chạy trốn đến Hongkong. Tại xứ Cảng thơm, Linh Ngọc gặp người đàn ông thứ 2 trong đời - nhà kinh doanh nổi tiếng giàu có Đông Nam Á - Đường Quý San. Đây là người góp phần đưa cuộc sống của ngôi sao màn bạc nổi tiếng nhất thời ấy bước vào địa ngục không lối thoát. Đường Quý San là chủ một doanh nghiệp kinh doanh chè và cũng là cổ đông lớn của hãng phim Liên Hoa - nơi Linh Ngọc gia nhập.
Lúc này, Đường Quý San đang hẹn hò với nữ diễn viên Trương Chức Vân nhưng kể từ khi quen biết Linh Ngọc, anh không ngại bỏ người tình này, tìm mọi cách để "tấn công" nữ diễn viên tài sắc. Tại thời điểm ấy, cuộc sống hôn nhân của Linh Ngọc và Trương Đạt Dân rạn nứt. Sau đó, cô ly hôn rồi chuyển đến sống chung với Đường Quý San như vợ chồng.
Trương Đạt Dân biết chuyện nên vô cùng tức giận, lập tức gửi cho vợ cũ một bức thư với nội dung: "Khi nhìn thấy tôi, cô sẽ không còn thấy ngày mai nữa!". Thậm chí, Trương Đạt Dân còn liên tục tìm đến Linh Ngọc quấy nhiễu rồi dày vò, ép cô đưa tiền cho anh ta.
Khi bị chồng cũ đâm đơn kiện vu khống cướp đoạt tài sản cũng là lúc Linh Ngọc phát hiện Đường Quý San phản bội mình. Anh đi ngoại tình với một vũ nữ có tiếng thời đó của bến Thượng Hải tên Lương Trái Trân. Tuyệt vọng vì bị phản bội, hơn nữa lại gặp phải những phiền muộn đời tư và áp lực từ phía dư luận, Linh Ngọc sa vào căn bệnh trầm cảm trong thời gian dài. Ngày 8/3/1935, cô đã uống thuốc ngủ tự tử ở tuổi 25 trong căn hộ ở Thượng Hải.
Cho đến nay, cái chết của người phụ nữ xinh đẹp này vẫn gây ám ảnh trên toàn thế giới. Ngày Nguyễn Linh Ngọc qua đời, đã có 3 kẻ đánh bom tự sát, bỏ lại lá thư tuyệt mệnh: "Kể từ khi cô ấy ra đi, chúng tôi không còn lý do gì để sống trên đời này nữa".
Giám đốc của viện Điện ảnh Sân khấu Thượng Hải khi nghe tin về cái chết uất ức này cũng đã uống thuốc tự vẫn. Một đồng nghiệp khác của Linh Ngọc - ngôi sao Trương Thiệu Thiệu đã uống thuốc độc vào ngày mà anh nhận được tin tức. Theo thống kê, chỉ trong ngày 8/3 đã có tất cả 8 cô gái tự tử ở Thượng Hải. Ở những tỉnh khác, cũng có nhiều thanh niên có hành động tương tự. Lời nhắn cuối cùng mà họ để lại đều có nội dung như trên.
Lễ tang của cô được cho là sự kiện gây chấn động nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Vào đúng 13 giờ chiều ngày 14/3/1935, 12 nhân vật quyền lực nhất giới giải trí xuất hiện tại đám tang, cùng nhau gửi lời chia buồn tới nữ diễn viên xấu số - một điều hiếm thấy cho đến tận bây giờ.
Trong số đó có những cái tên đình đám như diễn viên Kim Diễm, đạo diễn Phí Mục, diễn viên Trịnh Quân Lý, đạo diễn Ngô Vĩnh Cương, đạo diễn Thái Sở Sinh và nhà điện ảnh tiên phong của Hongkong - Lê Dân Vỹ đã cùng nhau khiêng quan tài của Nguyễn Linh Ngọc như lời tạm biệt nữ minh tinh xấu số. Hiện những cái tên đi vào lịch sử này đều đã qua đời.
Ngày đưa tang Nguyễn Linh Ngọc cũng đã có hơn 300 nghìn người tới dự, họ đau xót thương tiếc cho một "hồng nhan bạc mệnh" và đi theo linh cữu của bà khắp các ngõ phố ở Thượng Hải. "Đám tang lớn nhất trên thế giới" là tiêu đề mà một phóng viên của thời báo New York Times viết về tang lễ của Nguyễn Linh Ngọc.
Theo An Nhiên (Khampha.vn)