NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định anh không dùng chiếc áo dát vàng trong lễ ăn hỏi của Chí Anh để PR.
Để tạo ra chiếc áo dài này, Đỗ Trịnh Hoài Nam đã phải huy động 30 người thợ làm việc liên tục trong 3 ngày.
Ngoài phần thân áo được thiết kế theo form áo vest, phần cổ áo và tà áo được cắt xuông mềm mại lấy cảm hứng từ chiếc áo dài truyền thống Việt Nam.
Chiếc áo dài dát vàng của Chí Anh khiến nhiều người tò mò. |
Cũng theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, chiếc áo này có giá lên tới 6000 USD. Ngay khi thông tin này được đăng tải, đã có một số NTK áo dài khác lên tiếng cho rằng đây là 1 chiêu "đánh bóng tên tuổi".
Theo chia sẻ của NTK Xuân Thu, chị không đánh giá cao chiếc áo này vì: "Về kiểu dáng nhìn hơi giống với thiết kế của Sỹ Hoàng.
Chữ in trên áo không có sự đầu tư về kỹ thuật. Thứ nữa, gọi là áo dài nhưng nhìn nó người ta không thấy sự thừa hưởng của chiếc áo dài dân tộc. "Ta" không rõ mà "Tây" cũng chưa tới".
Với những người không biết thì có thể tin là đắt giá theo lời của nhà thiết kế đó. Nhưng với người trong nghề thì tôi nghĩ, sẽ không ai tin và không đánh giá cao thiết kế này".
Nhà thiết kế Xuân Thu. |
Nhiều NTK cho rằng chiếc áo này không thể có giá trị 6000 USD. |
Liên hệ với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, anh khẳng định: "Tôi không có lý do gì phải PR tên tuổi bằng chiếc áo dài này.
Bản thân tôi đã khẳng định được khả năng của mình qua những bộ áo dài thiết kế cho các chính khách. Tôi không hề thuê hay nhờ báo chí viết về sản phẩm của mình.
Tôi biết chị Xuân Thu, chị ấy từng học chung trường với tôi, nhưng tuổi nghề còn ít hơn tôi. Theo đánh giá của tôi, chị ấy chưa ghi được dấu ấn gì với thời trang Việt nhưng lại rất hay lên tiếng chỉ trích".
Giải thích về chiếc áo đặc biệt của mình, Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định chiếc áo đắt không phải vì số lượng vàng được dát trên thân áo:
"Với yêu cầu của Chí Anh là 1 chiếc áo vừa hiện đại, vừa truyền thống, tôi đã thiết kế phần thân áo, tay áo theo form của áo vest. Phần tà áo, tôi cắt xuông mềm mại theo phong cách của chiếc áo dài truyền thống.
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam - người tạo ra chiếc áo dài gây tranh cãi của Chí Anh. |
Để tăng thêm độ sang trọng, độc đáo cho chiếc áo, tôi quyết định dùng quỳ vàng mà chỉ Việt Nam mới có để cắt các chữ song hỷ theo form chữ nhật.
Công nghệ để dát được quỳ vàng lên áo dài không có nhiều người làm được và cũng rất ít được ứng dụng. Để hoàn thành chiếc áo này, tôi đã huy động 30 thợ làm trong vòng 30 ngày. Như vậy, riêng nhân công cho chiếc áo đã lên tới 90 công thợ.
Những chữ song hỷ đều được cắt thủ công một cách hết sức tỷ mỷ, kỹ lưỡng. Tôi không hiểu chị ấy đòi hỏi như thế nào mới là "có đầu tư về mặt kỹ thuật".
"Chiếc áo của Chí Anh không chỉ đắt bởi sự công phu mà còn bởi ý nghĩa của nó". |
Hơn nữa, nếu tôi làm cùng 1 lúc hàng nghìn chiếc áo như vậy, thì giá của nó sẽ chỉ còn 5- 6 triệu đồng/chiếc. Nhưng đây là áo được thiết kế riêng, đơn chiếc, không có chiếc thứ 2 nên giá của nó đương nhiên không thể giống như hàng sản xuất hàng loạt.
Chiếc áo của Chí Anh không chỉ đắt bởi sự công phu mà còn bởi ý nghĩa của nó. Tôi đã đáp ứng được nhu cầu của Chí Anh là có 1 chiếc áo đủ sang, đủ đẹp và độc đáo để mặc trong 1 ngày trọng đại.
Tôi thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, việc tôi bán nó với giá bao nhiêu là việc giữa tôi và khách hàng. Chí Anh hài lòng với chiếc áo, đó mới là giá trị cao nhất của nó chứ không phải giá tiền".
Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng khẳng định: "Với tôi, mỗi chiếc áo làm ra đều để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó, mọi người sẽ hiểu và trân trọng giá trị của chiếc áo dài Việt Nam.
Tôi không phải là 1 NTK chỉ chăm chăm may áo để bán lấy tiền".
Theo Thảo Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)