Khoảng 20 năm trước, trong một cảnh vũ đạo mạnh mẽ, NSƯT Tú Sương thấy khớp gối của mình bị đau nhói nhưng chị vẫn gắng sức hoàn thành vai diễn.
Một lần khác, cũng trong một cảnh diễn vũ đạo tuồng cổ, vết đau cũ tái phát khiến Tú Sương ngã quỵ nhưng chị nhanh chóng đứng lên tiếp tục diễn. Chị đã không thể lướt qua cơn đau nên ngất xỉu ngay trên sân khấu khiến anh em nghệ sĩ phải khiêng vào hậu trường.
Bác sĩ kết luận cái chân của chị bị giãn tĩnh mạnh, viêm cơ buộc phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tránh vận động mạnh. Ấy vậy mà chị bỏ qua lời khuyên chuyên môn, vẫn diễn, chấp nhận sống chung với nỗi đau thể xác, để được cháy hết mình trên sân khấu trong suốt nhiều năm qua.
Áp lực là hậu duệ một đại gia tộc cải lương
NSƯT Tú Sương là con gái của đôi nghệ sĩ tài năng Trường Sơn – Thanh Loan, cháu gọi NSND Thanh Tòng là cậu, cháu 5 đời của nghệ nhân hát bội Vĩnh Xuân, cháu cố tài danh bầu Thắng, cháu ngoại của bậc thầy Minh Tơ – Bảy Sự, cháu nội nghệ nhân đánh trống Bảy Đực.
Sinh ra trong một gia tộc hát bội và cải lương nổi tiếng nhiều đời nên máu nghệ thuật đã ngấm vào huyết quản chị từ nhỏ. Lớn lên một chút, NSƯT Tú Sương tham gia nhóm Đồng ấu Bạch Long do nghệ sĩ Bạch Long đảm trách.
Vì đoàn nghệ thuật này đi theo phong cách tuồng cổ nên ngay từ những ngày đầu Tú Sương chú trọng việc thi triển vũ đạo. Do thực hiện quá nhiều động tác khó, lấy chân và đầu gối làm trụ, nên lâu dần bộ phận này bị tổn thương.
Ngay từ tuổi mười tám đôi mươi, trong nhiều suất diễn chị cảm nhận cơn đau, nhưng vì ý thức làm tròn vai một cách hoàn thiện nhất, Tú Sương vẫn lướt qua.
Chị tâm sự: "Được sinh ra trong một gia tộc cải lương lớn, với tôi vừa là một ân phước vừa là áp lực lớn. Chúng tôi luôn nhận lấy sự nhận xét nghiêm khắc từ các thành viên gia đình ở mỗi vai diễn. Chúng tôi phải hát thật tốt để không bị khán giả chê làm ảnh hưởng đến danh tiếng của gia đình. Và vì thế, chúng tôi bắt buộc phải nỗ lực và hy sinh vì vai diễn".
Áp lực đó là làm đòn bẩy để Tú Sương trở thành một cô đào được khán giả yêu thích. Chị hợp cùng NSƯT Vũ Luân trở thành một đôi đào kép nổi danh trong lĩnh vực cải lương tuồng cổ hương xa. Và khi trở thành ngôi sao, một cái tên đảm bảo doanh thu phòng vé, trách nhiệm trên vai của Tú Sương càng nặng nề hơn.
Điều đó đã khiến chị phải chấp nhận sống với nỗi đau thể xác tầm 20 năm kéo dài đến hiện tại. Chị kể: "Khoảng 20 năm trước, trong một cảnh diễn với anh Vũ Luân, tôi thực hiện động tác khuỵa gối và đứng lên, tôi cảm thấy đau nhói. Nhưng lớp diễn đang hay, khán giả đang tập trung xem, tôi nén đau diễn đến hết tuồng.
Sau đó cái chân bắt đầu đau, nhưng vì lịch diễn quá nhiều nên tôi không đi khám. Lần khác đang diễn tại sân khấu ở Vũng Tàu, tôi cũng thực hiện một màn vũ đạo mạnh, cơn đau ngay chỗ cũ bùng lên, tôi khuỵa xuống sàn. Tôi nhanh chóng đứng lên để tiếp tục thì cơn đau thứ hai ập đến làm tôi ngất xỉu. Anh em nghệ sĩ phải khép màn, cáo lỗi khán giả, khiêng tôi vào hậu trường.
Về Sài Gòn tôi đi khám mới biết bị giãn tĩnh mạch, viêm cơ. Bác sĩ khuyên tôi không được vận động, tĩnh dưỡng bởi nếu không tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn. Nhưng vì nhiều lý do, tôi bỏ qua lời khuyên bác sĩ. Đi bó thuốc bớt đau liền diễn tiếp, hoặc là đến nơi hát mà cái chân quá đau thì xin phép được đứng một chỗ hay ngồi hát chứ không thể bỏ".
Làm trụ cột gia đình, nuôi hai con và cha mẹ
Sở dĩ NSƯT Tú Sương không tĩnh dưỡng, bảo toàn sức khỏe, ngoài áp lực giữ danh tiếng cho dòng họ, vào thời điểm ấy chị phải nuôi hai con nhỏ và phụ giúp cha mẹ.
Chị là trụ cột gia đình trong khi nguồn thu nhập chính không có gì ngoài đi hát. Kế đến, nhiều năm qua, cải lương gặp nhiều khó khăn nên đời sống anh em nghệ sĩ khá bấp bênh. Thông thường khán giả chỉ mua vé đến rạp nếu có đào và kép chính mà họ yêu thích. Vì vậy, nếu chị không hát sẽ ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người.
Có quá nhiều lý do buộc chị phải hy sinh. Đến giờ ở độ tuổi ngoài 40, thể lực không còn sung mãn như trước, sự mệt mỏi đã xuất hiện với tần suất lớn nhưng Tú Sương vẫn không hối hận với quyết định của mình.
Vào ngày 30/1 tới đây, tại nhà hát Bến Thành, sẽ tái diễn vở cải lương Nàng Xê – Đa do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng. NSƯT Tú Sương đóng vai nữ quỷ, một vai có tính cách lạ so với sở trường của chị. Trong vai diễn này, chị cùng lúc biến hóa vào 3 tính cách đào thương, đào lẳng và đào độc. Không chỉ vậy, chị phải thực hiện nhiều động tác hình thể và vũ đạo rất khó.
NSƯT Tú Sương cho biết: "Chúng tôi phải tập ròng rã suốt 2 tháng. Trong thời gian đó, cái chân tôi bị đau nhiều phải bó thuốc và băng cứng mới tập được.
Nhiều hôm về nhà, người mệt lả, chân rất đau nhưng nghĩ đến vai diễn hay, nghĩ đến lúc anh em nghệ sĩ được phục vụ khán giả, mọi đau đớn đều tan biến. Bởi vì có dịp diễn ở một vở tuồng được đầu tư chỉnh chu như thế này, giờ đây không có nhiều".
Việc NSƯT Tú Sương chấp nhận đóng vai phụ nữ quỷ cũng là một sự hy sinh của chị. Với vị thế của mình, Tú Sương hoàn toàn có thể đòi được đóng đào chính là Nàng Xê - Đa nhưng chị đã rất hài lòng, vui vẻ chấp nhận đóng vai phụ.
Chị chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy rằng, không có vai diễn nhỏ hay lớn mà chỉ có vai diễn hay hoặc dở mà thôi. Trong bối cảnh sân khấu cải lương hiện tại, có nhiều nghệ sĩ trẻ cần cơ hội tỏa sáng. Tôi thấy rằng việc chia sẻ cơ hội cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ".
Đau đáu với vận mệnh cải lương
Hơn 20 năm đứng trên sân khấu cải lương, Tú Sương đã đạt được nhiều vinh quang như Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, được phong danh hiệu NSƯT năm 2015. Quan trọng hơn, chị được một lượng khán giả hâm mộ đông đảo từ trong đến ngoài nước.
Về đời sống tình cảm, sau nhiều sóng gió, chị đã có một bến đỗ bình yên với ông xã là Việt kiều Mỹ. Dù sống xa nhau nhưng trái tim của họ luôn thuộc về nhau. Vinh quang và tình yêu xem ra với NSƯT Tú Sương đã viên mãn nhưng trong chị vẫn canh cánh với mong mỏi một ngày cải lương sẽ hồi sinh.
Tâm tư đó thúc đẩy Tú Sương sẵn sàng hành động bằng tất cả khả năng của mình. Một mặt chị kêu gọi nhà nước quan tâm đầu tư hơn cho cải lương, mặt khác chị tích cực tham gia trình diễn ở các đoàn cải lương tư nhân, hay còn được gọi là đoàn xã hội hóa.
Bởi chị suy nghĩ đơn giản rằng, sân khấu phải sáng đèn thường xuyên thì khán giả mới không quên sân khấu; nghệ sĩ được hát thường xuyên mới rèn luyện kỹ năng ca diễn.
Việc hoạt động nhiều giúp Tú Sương học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những nghệ sĩ tiền bối, và đồng thời chị cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ nghệ sĩ đàn em. Trong đó, có cả việc truyền nghề cho hai con gái của chị.
Giống như mẹ ngày xưa, các con của Tú Sương đã thể hiện được năng khiếu ca diễn. Vậy nên dù cải lương rất khó khăn, cơ hội cho thế hệ trẻ không nhiều nhưng nhiều khả năng dòng tộc bầu Thắng – Minh Tơ sẽ xuất hiện thêm ngôi sao của thế hệ thứ 6.
Theo Nguyễn Huy (Pháp Luật & Bạn Đọc)