Vóc người nhỏ gọn, linh lợi, nghệ sĩ Phạm Bằng nói ông được trời cho sức khỏe và sự minh mẫn để tuổi này vẫn có thể đi khắp nơi diễn cho mọi người xem.
|
Nghệ sĩ Phạm Bằng trong ngôi nhà trên tầng hai thuộc phố Hàng Giầy, nơi gia đình ông sống 60 năm qua. |
Dịp cuối năm hẹn gặp Phạm Bằng rất khó bởi lúc nào ông cũng bận đi diễn gần, diễn xa. Những khi không có lịch đi đâu, ông ở nhà đọc, sửa kịch bản hài cho các đạo diễn trẻ. Ở cái tuổi đáng ra cần nghỉ ngơi, an dưỡng, điều gì khiến Phạm Bằng vẫn tất bật sớm khuya với công việc? Hỏi ông, ông nói: "Nói là say sưa với công việc cũng một phần thôi. Tôi tính, lúc mình về hưu có nhiều hụt hẫng, nếu không tìm lấy một cái gì đó để làm thì sẽ rất buồn. Cái buồn đấy nó sẽ càng dội đến lúc tuổi cao sức yếu. May mắn tôi chịu khó tập tành nên sức khỏe tốt, chưa có gì phải lao lung về tuổi già. Trí nhớ thì cũng mới hao hụt ba phần mười (3/10) thôi nên vẫn có thể đi diễn tốt".
Đi diễn còn là cách để Phạm Bằng khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Vợ ông qua đời cách đây gần 15 năm, hai năm sau khi Phạm Bằng về hưu. "Tôi cũng có cái thiệt thòi là cô ấy đi quá sớm. Cuộc sống riêng tư có gì đó cô quạnh. Nhà đang ở thiếu mất một người gắn bó trong cuộc đời. Giá như cái người đưa lại tình cảm thiêng liêng nhất với mình chỉ đi cách nhau khoảng một năm thôi thì đẹp".
Nỗi cô quạnh hiện rõ trong ngôi nhà từ thời Pháp thuộc nằm trên tầng hai số nhà 30, phố Hàng Giầy. Đi lên nhà ông phải qua chiếc cầu thang đá có cây xanh che phủ. Gian đầu tiên, nơi ở chính của nghệ sĩ Phạm Bằng, đơn sơ với chiếc phản gỗ và chiếc bàn cũ kỹ bày giấy tờ, kịch bản, sách báo của ông cùng vài chiếc ghế. Gian nhà vương mùi đèn nến cũ kỹ từ những ban thờ tổ tiên, bố mẹ và vợ quá cố của nghệ sĩ Phạm Bằng. Trong lúc ông trò chuyện bên trong, cô con gái nay đã gần 40 tuổi nhẩn nha quét tước trên lối đi trước cửa. Phạm Bằng có bốn người con, ba người đã thành đạt. Hai con gái người lấy chồng sống ở nước ngoài, người trong TP HCM. Con trai út sống cùng ông nhưng bận rộn nên đi suốt. Ở nhà phần lớn chỉ có ông và cô con gái 40 tuổi chưa lập gia đình.
"Có người bảo sao tôi không lấy một bà nữa. Tôi cũng đắn đo. Nhưng lại có người bảo thôi ông đừng lấy ai về, phức tạp lắm, tan nát gia đình hết. Người ta bảo tôi đi diễn thế này tình cảm riêng tư chắc cũng có nhiều. Tôi cười bảo không có đâu. Tôi muốn một gia đình êm ấm, đoàn tụ, thiêng liêng, đúng nghĩa của một gia đình chứ không muốn đi ngang về tắt. Bản thân tôi không muốn mà chuyện đó cũng làm cho nhân cách của mình thấp xuống. Chịu đựng thì cũng có lúc buồn lắm đấy. Nhưng mà thế còn hơn buồn vì gia đình mâu thuẫn, năm bè bảy cánh. Cái đó làm mình chết nhanh lắm. Tôi không dại", Phạm Bằng cưới hóm.
Phạm Bằng vẫn thương người vợ khi còn sống chịu nhiều vất vả, một tay nuôi bốn con khi ông đi công tác. Sống trong thời khó khổ nên gia đình hễ có miếng thịt, miếng cá thì bố mẹ đều chỉ ăn nước, để cái cho con ăn. Thời ấy kinh tế đói kém nên nhà ông còn phải bán bánh trôi. Hàng bánh trôi đã nghỉ hai, ba năm nay.
Gần 15 năm, nỗi buồn thiếu vắng người bạn đời thảng hoặc vẫn đến một cách tự nhiên nhưng Phạm Bằng đã quen và lấy những điều khác làm niềm vui để lấp đi. "Nếu cứ nặng trĩu suy nghĩ chả giải quyết được gì cả, sức khỏe của mình hạ xuống, suy nghĩ nhiều lại thành ra lẩm cẩm. Cũng may tôi làm trong ngành này, thi thoảng đi sự kiện gặp anh em, vui lắm. May là mình còn làm ăn được, còn có bạn bè kéo đi. Có nhiều người về hưu cái coi như chết sống. Cái đó không ai tránh được, kể cả những ông quyền cao chức trọng nhất cũng phải chịu cảnh đó vì nó là quy luật của cuộc sống. Nên mình thấy mình bằng lòng".
|
Nghệ sĩ Phạm Bằng nói ông không để ý chuyện danh hiệu. |
Nghề diễn hài đến với Phạm Bằng như định mệnh. Nghệ sĩ cho biết mơ ước khi còn ngồi ghế nhà trường của ông là nghề phi công.
Ông cũng theo học Cao đẳng Giao thông công chính trước khi gia nhập Đoàn Văn công Hà Nội. Trước đó, ông không bao giờ nghĩ mình sẽ thành văn nghệ sĩ, diễn hài lại càng không. "Lúc đầu chưa ngã ngũ là mình có làm được không, nhưng khi đã biết rồi, mình làm được rồi, quần chúng đã công nhận rồi thì mình cứ làm thôi. Thời mới đầu có người nói tôi khó theo nghề lắm, không có cơ sở. Bởi những người vào cùng thời tôi đều có trình độ đầy đủ hết. Chẳng qua nó cũng là số phận. Mình không quyết định được".
Diễn hài, mang tiếng cười cho thiên hạ, Phạm Bằng không đòi hỏi khán giả phải đền đáp điều gì. Nghệ sĩ cũng hạnh phúc vì những gì ông nhận được ngoài mong đợi. "Tôi đi đến chỗ nào người ta cũng rất thoải mái, coi mình như người thân, ngoài ra còn có sự kính trọng. Cái đó làm cho tôi nguôi ngoai rất nhiều phần đời sống riêng tư. Nó còn làm cho tôi yêu đời sống thêm nữa".
Khoảng ba năm nay, Phạm Bằng diễn thưa thớt hơn những năm trước. Ông những tưởng khán giả đã quên mình. "Tiếng có thể còn nhưng hình thể bắt đầu méo mó, có thể người ta không nhận ra. Tôi nghĩ dăm bảy năm nữa, khả năng sẽ nhiều người không nhận ra mình. Nhưng may là bây giờ họ vẫn nhớ và chào đón rất nhiệt tình. May nữa là tôi có tiếng nói rất độc đáo khiến mọi người khó quên".
Sự tiếp đãi của khán giả vẫn nồng hậu đến mức Phạm Bằng kể ông tới một số nơi đều phải ngụy trang để làm cho xong công việc. Chưa kể, có những khán giả nhiệt tình tới mức hơi sỗ sàng. "Mấy cậu trẻ từng mấy lần gây gổ với khán giả vì không chịu được người ta sỗ sàng. Mình thì không thể thế được. Phải cố nén. Tôi đi về diễn ở các tỉnh thường được mời đến nhà hàng, đến đó mình rất sợ, chỉ cần một người phát hiện là họ hô lên, mọi người quây lấy mình ngay".
Phạm Bằng kể ông ít khi được ăn uống đầy đủ trong những buổi như thế, hôm nào về cũng đói. Sự hâm mộ của mọi người khiến ông phấn khởi nhưng đôi lúc cũng gây khó chịu. Thế nhưng ông nói ông phải chấp nhận vì những gì nhận lại lớn hơn rất nhiều và khó ai có được. "Được nhiều hơn, mất không đáng kể, cuộc đời ưu đãi cho mình nhiều quá", ông nói.
Phạm Bằng cũng không màng tới danh hiệu. Ông được phong NSƯT năm 1993. Đến nay, Phạm Bằng chưa là NSND nhưng ông nói: "Đi đâu vẫn nằm trong lòng công chúng là toại nguyện rồi".
Theo Anh Ca (VnExpress.net)
Ảnh: Di Ca