NSƯT Hồng Đức tên thật là Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1940. Ông mất lúc 22h15' ngày 22/4 tại TP.HCM, hưởng thọ 84 tuổi.
Vợ ông là nhà thiết kế áo dài Tuyết Nhung (tên thật Phạm Thị Nhung). Các con NSƯT Hồng Đức gồm: Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Thị Thùy Dương và Nguyễn Đức Thắng.
Chị Dương chia sẻ với VietNamNet, gia đình thấy nhẹ nhõm, ấm áp khi NSƯT Hồng Đức ra đi thanh thản, không đau đớn. Ông từng bị đột quỵ 3 lần, được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.
Khoảng năm 2011 khi định cư tại TP.HCM, chị Dương đã bày tỏ mong muốn bố mẹ vào Nam sống gần mình để an hưởng tuổi già. Nhà chị và ông bà cạnh nhau trong khu chung cư ở quận 7.
Những ngày cuối đời, NSƯT Hồng Đức được các bác sĩ đến nhà chăm sóc, sống vui vầy trong vòng tay vợ và các con, cháu. Thường ngày, ông ăn uống tốt, có thể tự làm vệ sinh và một số sinh hoạt khác.
Bà Nhung túc trực chăm sóc cho chồng, có việc sẽ gọi chị Dương sang. Gia đình chị Vân Anh, anh Thắng thay nhau về Việt Nam thăm nom ông.
Tối 22/4, NSƯT Hồng Đức đang được vợ cho ăn yến thì nhắm mắt, xuôi tay, không còn hơi thở. Con gái lớn liền ấn lồng ngực cấp cứu cho ông trong lúc chờ bệnh viện nhưng nghệ sĩ không qua khỏi.
Vì vậy, chị Vân Anh đành vuốt mắt cho bố. Chị Dương gọi video để đại gia đình ở nước ngoài nhìn ông lần cuối. Toàn bộ sự việc diễn ra trong khoảng 1 tiếng.
Theo chị Dương, NSƯT Hồng Đức đã sống cuộc đời viên mãn. Thời trẻ, ông say nghề, xông xáo cống hiến cho màn ảnh, sân khấu. Tuổi già, ông tận hưởng hạnh phúc gia đình, được vợ con yêu thương, chiều chuộng.
Hồng Đức đóng vai Tiên 'Chỉ' trong phim 'Cảnh sát hình sự: Cổ cồn trắng'
Chồng mất, bà Nhung vô cùng đau đớn nhưng phải nén nước mắt cùng các con lo tang lễ cho NSƯT Hồng Đức.
Với chị Dương, bố mẹ là tấm gương để các con, cháu noi theo. NSƯT Hồng Đức, theo nhận xét của NSND Lan Hương, là "người say nghề bậc nhất trong thế hệ của mình".
Trong ký ức, chị Dương nhớ bao đêm bố thức nghiên cứu kịch bản. Chỉ một cảnh rót trà ra chén rồi đưa lên miệng uống, ông tập đến 5 - 6 lần để diễn đúng phong thái của nhân vật. NSƯT Hồng Đức còn bảo các con giúp mình quan sát.
"Bố tôi muốn diễn đúng 1 đúp, không muốn mất nhiều đúp của đạo diễn. Tôi thường lấy bài học này dạy các con, rằng làm nghề gì cũng phải có tâm, có lửa, đã theo nghề là hết mình, không nửa vời", con gái NSƯT Hồng Đức cho hay.
Nhờ tận tụy trong từng vai diễn, Hồng Đức ngoài 70 tuổi vẫn được mời đóng phim. Dù vậy, ông phải từ chối do sức khỏe yếu. Hai phim truyền hình cuối cùng ông tham gia là: Blog nàng dâu (2010) và Mặt nạ da người (2012).
NSƯT Hồng Đức sẵn sàng ngồi xe lăn đi theo đoàn phim. Gia đình chiều ý nghệ sĩ nhưng theo sát ông từng việc nhỏ nhất.
Với khán giả, ông là người nghệ sĩ giỏi, thành công từ sân khấu đến phim ảnh. Với chị Dương, Hồng Đức là người bố nghiêm khắc nhưng rất thương các con.
Thuở bé, chị đi học luôn được thầy cô, bạn bè biết là "Thùy Dương - con gái nghệ sĩ Hồng Đức". Gia đình rất tự hào vai anh hùng đánh xe tăng Cù Chính Lan ông thể hiện trong phim Người chiến sĩ trẻ (1963).
Giai đoạn sau năm 1975, gia đình NSƯT Hồng Đức gặp nhiều khó khăn. Cát-sê đóng phim không đủ nuôi gia đình, ông và vợ làm guốc bán. Nghệ sĩ tìm từng chiếc guốc mộc, phủ vecni lên rồi tự tay vẽ hoa lá rất đẹp để hút khách.
NSƯT Hồng Đức luôn yêu cầu các con học tập và làm việc hướng đến một cái đích cụ thể nhưng không ép họ theo nghề của mình. Vì vậy, 3 người con của Hồng Đức đều thành đạt, có sự nghiệp riêng và không ai theo nghệ thuật.
Trong mắt các con, bà Nhung là người tần tảo, đảm đang, thương chồng yêu con. Chị Dương luôn ngưỡng mộ mẹ và hành trình 52 năm bên nhau của bố mẹ.
"Mẹ gặp bố tôi thời trẻ, xúc từng thìa cơm khi ông đau yếu, đến lúc ông mất vẫn nắm chặt tay bà. Bố mẹ tôi đã nắm tay nhau như vậy đi suốt cuộc đời dài. Gia đình chúng tôi vô cùng tự hào khi có người chồng, cha, ông như vậy", chị Dương kể.
Theo Gia Bảo (VietNamNet)