Xuân Bắc là người giữ cát- xê của tôi
Chào nghệ sĩ Tự Long, một số nhà sản xuất chia sẻ rằng, mời Tự Long với Xuân Bắc khó lắm vì cả hai hét cát - xê cao quá, lại cứ bắt buộc phải mời cả đôi chứ không chịu nhận lời một người. Anh nói sao về điều đó?
Cái này đúng nhưng chỉ đúng có một nửa. Mọi người không thể biết cát - xê của Xuân Bắc - Tự Long bao nhiêu mà bảo là cao. Ở ngoài mình có kiểu, không mời được lại cứ đổ cho nghệ sĩ hét giá cát -xê cao. Thậm chí, có nhiều đơn vị tổ chức sự kiện không muốn mời chúng tôi để hướng đối tác đến các nghệ sĩ do mình chỉ định cũng bịa ra lí do chúng tôi hét cát - xê cao, không mời nổi. Những đơn vị kiểu như thế mà có mời chúng tôi cũng không nhận lời.
Còn tại sao chúng tôi chỉ nhận lời khi mời cả hai bởi đó đã là thương hiệu. Tôi cũng không diễn chung với ai ngoài Xuân Bắc cả và Xuân Bắc cũng không diễn cặp với ai ngoài tôi. Bao nhiêu năm diễn chung, chúng tôi có nhiều đứa con tinh thần, diễn hợp rơ và ăn ý với nhau quen rồi nên giờ không muốn diễn với ai khác. Trường hợp, có những chỗ thân thiết muốn một trong hai người diễn chung với người khác vì một lí do nào đó chúng tôi phải xin phép nhau. Nó không phải là “quy ước” mà là phép tắc xử sự với nhau.
Người ta bảo, nhìn anh và Xuân Bắc thân thế thôi nhưng cũng "chịu đựng" nhau lắm, có chuyện "thân ai nấy lo" không anh?
Cũng chịu đựng nhau thật. Tôi đã nhiều lần nói “Tôi nhịn Xuân Bắc như nhịn cơm sống”. Xuân Bắc là “chủ tịch nông trường cao su” vì thường xuyên đi muộn. Ngoài ra, Xuân Bắc làm cái gì cũng lâu, ăn lâu, nói chuyện cũng rất lâu. Đang bữa cơm mà có ai gọi đến là y như rằng, mọi người ăn xong dậy hết, đồ ăn nguội hết rồi hắn ấy mới bỏ máy xuống ăn lại từ đầu.
Mà không phải ăn ít đâu, ăn rất nhiều và ăn rất khoẻ. Đôi khi phải đợi, nếu không đợi sẽ vừa ăn vừa làm. Hắn ta say nghề cũng quá đà. Nhiều khi vào guồng là quên mất cả thời gian. Đáng ra làm từ 2h chiều đến 12h đêm nghỉ thì hắn ta làm từ 4h chiều đến 4h sáng. Nhiều khi vì hắn mà cả đám mệt rũ ra. Lắm lúc tôi cũng phải gay gắt vì những thói tật của Xuân Bắc. Thậm chí, tôi còn doạ bỏ nhóm hai lần rồi nhưng sau đó lại hoà vì quá hiểu tính nhau.
Phải chịu đựng NSƯT Xuân Bắc như thế, tại sao tình bạn của hai người vẫn kéo dài được 25 năm?
Tất nhiên, để tồn tại được nhiều khi phải cố chịu đựng thôi. Bên cạnh những thứ trái ngược thì tôi với Xuân Bắc cũng có nhiều cái tương đồng. Nhiều khi một câu nói bộc phát mà cả hai nói giống đúc như nhau. Nhiều ý tưởng cho các tiểu phẩm cũng rất trùng nhau.
Việc "chịu đựng" nhau chỉ là vì công việc thôi, chúng tôi có cãi nhau về kịch bản, để xem cái nào tốt nhất, hay nhất khi lên sân khấu, chứ ngoài đời thì không vấn đề gì cả. Hai bà vợ của hai nhà cũng khá thân nhau, họ thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với nhau..
Tôi nghe nói, khi đi diễn chung cùng Xuân Bắc, anh để anh ấy cầm hết cát - xê?
Tôi rất thích tiền nhưng lại ngại làm việc về tiền bạc nên để Xuân Bắc quyết đoán chuyện này. Hơn nữa, tôi biết Xuân Bắc cũng không bao giờ để tôi thiệt thòi đâu. Mọi công việc liên quan đến cát-xê, ví dụ như chốt hợp đồng bao nhiêu, chia tiền thế nào, đều do Xuân Bắc quyết định và quản lý. Xuân Bắc đưa bao nhiêu, tôi cầm bấy nhiêu, vì tôi tin Xuân Bắc không bao giờ để mình phải thiệt thòi.
Thương vợ hơn sau khi sinh con
Vợ anh có nói gì khi cát - xê của chồng được bạn quyết định thế không?
Đừng để phụ nữ xen vào chuyện tiền bạc nhé. Rách việc lắm. Vợ tôi cũng không bao giờ hỏi hôm nay anh diễn ở đâu, cát-xê được bao nhiêu. Cô ấy rất yên tâm vì đi diễn được bao nhiêu, thẻ ATM tôi đều đưa vợ giữ hết. Tôi thuộc dạng người mà nói như anh Xuân Hinh là lương nộp đủ, ngủ tại nhà, thỉnh thoảng có mát-xa nhưng không tiêm chích. Nói chung tôi lành lắm nên vợ không có gì phải lo lắng cả.
Năm qua ngoài công việc suôn sẻ anh cũng đón những niềm vui khác trong cuộc sống như lên chức bố một lần nữa. Việc có thêm một em bé trong gia đình khiến anh thay đổi như thế nào?
Năm 2019, gia đình tôi có thêm em bé, tuy có vất vả hơn chút nhưng vui lắm. Khi sinh con ra ai cũng mong muốn con có cuộc sống thật tốt về sau này. Bởi vậy tôi rất hiểu giá trị và tình cảm bố mẹ dành cho con cái. Giá trị ở đây không phải giá trị về đồng tiền mà đó là sự quan tâm đúng mức, đúng lúc.
Ngày xưa bố mẹ có thể gửi con cho hàng xóm hay gửi con cho họ hàng để đi làm việc này việc khác thậm chí hằng ngày, hàng tuần. Nhưng bây giờ việc ấy rất là khó, mình chưa biết phải tin ai bởi lòng tin bây giờ không trọn vẹn như xưa, mức độ lo lắng càng thêm nhiều. Vợ chồng tôi cố gắng ở bên con nhiều nhất có thể.
Nghe nói Tự Long thích có nhiều con lắm?
Đúng là tôi thích nhà đông con nhiều cháu. Nhưng cái gì cũng phải có duyên. Việc trước mắt là vợ chồng tôi phải nuôi dạy tốt 2 con đã. Mình thích là vậy nhưng vợ mình mỗi lần sinh con ra thì lần nào cũng vất vả. Sau mỗi lần có con, tôi thương vợ hơn bởi vợ đã vất vả rất nhiều. Người phụ nữ giống như cái bong bóng ấy, lúc chửa đẻ phồng lên sau đấy lại xẹp đi, độ 10 năm 1 lần còn đỡ, chứ độ 5 năm phồng xẹp 2, 3 lần quả bóng bị teo, nhẽo khiến họ luôn mặc cảm và toan tính với chính bản thân mình rằng: Tại sao mình phải đẻ nhiều thế nhỉ? Bằng tuổi bạn mình lúc này vui chơi nhảy múa rồi.
Những người phụ nữ vẫn mong muốn sinh cho chồng những đứa con để làm sao cuộc sống hạnh phúc gia đình tốt hơn là họ quên đi nỗi đau của bản thân, quên đi sắc đẹp của mình để làm tròn nhiệm vụ, thiên chức của một người mẹ. Tôi nghĩ nếu hiểu được những điều đấy có lẽ tất cả người đàn ông trong cuộc sống này sẽ trân trọng, yêu vợ hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo L.T (Nguoiduatin.vn)