13 tuổi đã đi hát, 15 tuổi trở thành đào chính sáng giá
NSND Lệ Thủy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà có 8 chị em, trong đó bà là chị cả. Do cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ, Lệ Thủy đã theo gia đình lên Sài Gòn để mưu sinh, nhưng sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.
Năm Lệ Thủy 10 tuổi, nghệ sĩ Tư Long làm ở ban văn nghệ xóm bên tình cờ nghe bà ca vọng cổ đã vô cùng ấn tượng và mời bà tham gia ban văn nghệ. Ông còn gửi Lệ Thủy theo học ca cổ với thầy Năm Truyền làm thợ hớt tóc ở Khánh Hội.
Sau đó, Lệ Thủy được gửi sang học bài bản cải lương 3 Nam, 6 Bắc với nhạc sĩ Tám Đen (người đã đào tạo nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh).
Thời gian ấy, các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình làm ăn khó khăn, lâm cảnh nợ nần. Không thể tiếp tục đến trường được do không có Giấy khai sinh, Lệ Thủy phải đi làm nhiều công việc phụ giúp gia đình. Được học ca cổ nên bà quyết định xin đi theo làm việc ở gánh Trâm Vàng để đỡ gánh nặng cho ba má.
Ban đầu, Lệ Thủy đảm nhiệm việc ngâm thơ ở hậu trường. Năm 13 tuổi, bà thế vai kép con ở đoàn Trâm Vàng. Tới 14 tuổi, bà được đóng các vai đào nhì. Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có tới 7 đoàn hát. Tại sân khấu này, Lệ Thủy đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính.
Tiếp đó, Lệ Thủy chuyển sang đoàn Kim Chung 3, hát chung với nghệ sĩ Thanh Hải vở Bẽ bàng duyên mới rồi nổi lên, trở thành cô đào chính sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi.
Tới năm 16 tuổi, Lệ Thủy đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Thanh Tâm cùng đợt với nghệ sĩ Thanh Sang, một giải thưởng danh giá bậc nhất của sân khấu cải lương thời bấy giờ.
Cát xê 2 cây vàng, cao bậc nhất giới nghệ sĩ
Tuy đi hát và thành danh từ sớm, nhưng Lệ Thủy từng thừa nhận, mãi tới năm 1992, bà mới bắt đầu có tiền. Bà chính là một trong những nghệ sĩ cải lương đi hát chầu đầu tiên.
Nữ nghệ sĩ hé lộ tại chương trình Hồi ký Lệ Thủy, do hát chầu ngày đó khá cực nên bà đi hát được hơn 10 triệu đồng, tính theo tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 2 cây vàng một suất. Được biết, mức cát sê 10 triệu đồng một show ở thời điểm 1992 là rất cao trong giới nghệ sĩ, ít ai đạt tới.
Cũng tại một chương trình hồi ký, NSND Lệ Thủy từng tiết lộ: "Ở thời hoàng kim, tên tuổi tôi rất nổi tiếng trên làng đĩa nhựa, dù còn rất nhỏ tuổi. Thậm chí, tôi còn "láu cá" nghĩ ra trò đòi tăng giá cát xê, ai ngờ được hãng đĩa đồng ý luôn.
Tôi đi hát liên tục và được cả huy chương Vàng giải Thanh Tâm năm mới 16 tuổi. Nói chung là tôi nổi tiếng khá sớm. Tôi cũng là người đầu tiên hát tân cổ giao duyên".
Tuy nhiên, sau khi cải lương thoái trào, tình hình sân khấu đi xuống, NSND Lệ Thủy cũng như nhiều nghệ sĩ cải lương khác đều ít đi show lại và cát sê bị giảm đi.
Bà tâm sự: "Bây giờ lớn tuổi rồi, tôi không hát cho một đoàn hát nào nữa. Với lại, giờ đây tình hình sân khấu cải lương đi xuống, không hoạt động nhiều nên tôi thường xuất hiện tại các hội chợ thương mại hoặc chương trình Vầng trăng cổ nhạc. Tôi tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc chủ yếu để khán giả gần xa đều nhớ tới tôi".
Hiện tại, NSND Lệ Thủy đang tận hưởng tuổi xế chiều viên mãn bên gia đình. Con cái bà đều trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống. Ngoài thời gian ở nhà tự nấu nướng, Lệ Thủy thường đi từ thiện, du lịch, thăm bạn bè, người thân. Có lời mời show, bà vẫn nhận để lên sân khấu hát cho đỡ nhớ nghề.
Theo Tùng Ninh (Phụ Nữ Việt Nam)