Người thầy không nhất thiết là người dạy ta trên ghế nhà trường
Là NSND và còn là đạo diễn, Trưởng đoàn kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ Công Lý nhận được nhiều lời mời giảng dạy ở các trường nghệ thuật. Thế nhưng anh chưa bao giờ nhận lời. Bởi theo anh, để làm thầy đứng trên bục giảng khó lắm, không phải cứ có tên tuổi hay chuyên môn đơn thuần là làm thầy người khác. Nó còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố như tình yêu nghề, kỹ năng sư phạm…
"Mỗi người mỗi nghề, mình không thể làm tốt cùng lúc hai công việc được. Bản thân tôi đã quen với nghề diễn, còn trong vai trò người thầy, tôi nghĩ mình khó mà làm tốt được. Hơn nữa, vì điều kiện thời gian, bận rộn quá nhiều việc nên dù chỉ là "giảng viên khách mời" thì tôi cũng không dám nhận", NSND Công Lý nói.
Dù không đứng lớp nhưng mỗi khi các diễn viên trẻ hỏi han, nhờ chỉ bảo, anh đều nhiệt tình hết mình. Và trên thực tế, "cô Đẩu" đã giúp đỡ khá nhiều lứa diễn viên trẻ, diễn viên "tay ngang" trong quá trình anh làm phó đạo diễn cho các bộ phim truyền hình. Chính vì vậy mà ngày 20/11, Công Lý luôn nhận được hoa và những lời chúc mừng từ các diễn viên trẻ.
Họ không gọi là "anh" hay "chú" mà xưng "thầy", bởi với họ, dù Công Lý không đứng lớp ngày nào nhưng những gì mà anh chỉ dạy cho họ chẳng khác gì một người thầy. "Tôi thích điều đó hơn là trong vai trò một người dạy rồi dù làm tốt hay không nhưng sinh viên vẫn phải bắt buộc gọi là thầy", Công Lý nói.
Chẳng hạn như diễn viên Kim Oanh, người từng đóng cặp với Công Lý trong phim "Những cô gái trong thành phố" từng chia sẻ rằng: "Nhờ có chú Công Lý mà tôi mới có cơ hội trở lại truyền hình sau một thời gian rất dài. Thật may mắn trong quá trình làm việc, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của chú Công Lý với nhiều lời khuyên, phân tích nhân vật để tôi vào vai tốt hơn". Được biết, "cô Đẩu" của Gặp nhau cuối năm cũng chính là người bảo lãnh cho nữ diễn viên đảm nhận vai chính trong "Những cô gái trong thành phố".
Ngược lại, có những người chưa từng dạy anh ngày nào theo nghĩa thầy trò trên bục giảng nhưng lại là người mà Công Lý luôn ngưỡng mộ. Anh bảo, đó chính là NSND Hoàng Dũng - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.
"Tôi quan niệm rằng thầy không hẳn là những người dạy ta ở trường lớp mà còn xuất hiện trong cuộc sống. Bởi chúng ta đâu chỉ học ở trường mà còn học ở đời. Những kiến thức và kỹ năng không có trong sách vở luôn đáng giá vì nó là sự trải nghiệm, đúc kết của cả một đời người và được họ truyền cho mình. Ngày mới về Nhà hát, khi còn bỡ ngỡ, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, chỉ bảo của anh. Đối với tôi, NSND Hoàng Dũng không chỉ là lãnh đạo, người anh, đồng nghiệp mà còn là thầy nữa", "cô Đẩu" của Gặp nhau cuối năm nói.
Tuy nhiên, cũng có lúc, chính anh lại được NSND Hoàng Dũng hỏi ý kiến góp ý chuyên môn. "Tôi cứ nhớ mãi ngày mới về Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng khi đó mới chỉ là diễn viên thôi, đã cho tôi những trải nghiệm mà tôi vẫn đang áp dụng cho đến tận bây giờ. Vở "Hà Nội đêm trở gió", anh vào vai chính, có một phân cảnh anh rất băn khoăn là cảnh anh cầm cây mía định đánh cô vợ, vì cái tội để con khóc. Cô vợ mới nói: "Em hết sữa rồi".
Người chồng ân hận buông cây mía xuống. Nhưng buông như thế nào để vẫn ép-phê mà không bị che mặt? Tôi bảo, anh vẫn đưa hai tay lên để thể hiện sự tức giận nhưng khi hạ xuống, nhạc lên thì phải hạ từ từ, từng tay một. Đấy, anh tính toán đến từng chi tiết nhỏ như vậy và không ngần ngại hỏi một đứa mới chân ướt chân ráo vào nghề như tôi. Cho nên, đến bây giờ cũng vậy, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn hỏi người trẻ. Đâu phải cái gì mình cũng biết hết được", nghệ sĩ Công Lý nói.
Nếu không được thầy bảo lãnh đã không có một Công Lý hôm nay
Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô giáo ở trường, nghệ sĩ Công Lý nhớ mãi một câu chuyện. Đó là khi anh đang là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Do không chịu được cảnh "ma cũ bắt nạt ma mới" nên anh đã đánh nhau với các sinh viên khoá trên. Kết quả của trận ẩu đả đó là một quyết định đuổi học.
Nhưng thật may mắn là có hai thầy đứng ra bảo lãnh cho anh. Đó là thầy Nguyễn Đình Thi (bây giờ là Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh) và thầy Phạm Trọng Thành. "Lúc đó, tôi cảm kích xen lẫn ngạc nhiên, vì các thầy đâu biết tôi là ai, vì sao lại bảo lãnh cho mình? Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, nếu không có sự bảo vệ ấy, có lẽ đã không có một Công Lý diễn viên ngày hôm nay", anh tâm sự.
Cũng theo chia sẻ của Công Lý, hồi học phổ thông, anh là học sinh nghịch ngợm nổi tiếng trong trường. Anh chia sẻ: "Thời của tôi còn chưa cấm pháo. Cứ cuối năm là dại dột mua thuốc pháo về tự cuốn thành pháo rồi mang lên lớp nổ để doạ các bạn nữ. Lắm khi còn doạ cả thầy, khiến thầy không thể dạy được. Ngày đó thì cho mấy trò đó là thú vị nhưng lớn lên rồi thì thấy mình "trẻ trâu" quá, ân hận vô cùng. Giờ có tuổi thì coi đó là kỷ niệm bởi nhờ đó mà mình có cái để nhớ về. Ai từng là học trò lại không trải qua những trò nghịch như thế? Các thầy khi đó có thể phẫn nộ nhưng tôi tin là trong thâm tâm, các thầy cũng hiểu được tâm lý học sinh".
Từ chuyện xưa nghĩ về nghề giáo hôm nay, nghệ sĩ Công Lý cho rằng dù thời thế khác nhiều nhưng bản chất nghề giáo thì vẫn vậy, luôn hết mình vì học sinh và trước mỗi lỗi lầm của học trò đều luôn bao dung, vị tha. Còn những chuyện tiêu cực, làm xấu hình ảnh người thầy chỉ là trường hợp cá biệt và ở ngành nào, xã hội nào cũng có. Không nên nhìn vào đó để rồi có cái nhìn bi quan, phiến diện về nghề giáo. Tuy nhiên anh cũng khuyên học sinh, sinh viên, ngoài những người thầy trên ghế nhà trường thì để trưởng thành có ích thì nên học hỏi từ những người tốt, người giỏi ở xung quanh mình.
Theo Minh Nhật (Giadinh.net.vn)