Thoải mái trước những khen chê, miệt thị
- NSND Bạch Tuyết với cải lương và Wowy với rap – 2 sự kết hợp tưởng chừng không liên quan trong âm nhạc. Bà nói gì về dự án lần này?
Chúng tôi gặp nhau, nói chuyện trong một dịp rất tình cờ, không có sự chuẩn bị nào. Một hôm, tôi gửi cho Wowy lời bài hát mình viết và bạn ấy cũng thế. Không ngờ chủ đề đưa ra lại trùng khớp. Tôi nghĩ mọi thứ đều nằm ở duyên và điều đó hiện diện trong chính sản phẩm này.
Rap và cải lương không liên quan – đấy là do mọi người mặc định. Rap có “Progressive Rap” (rap tiến bộ). Cải lương có nghĩa cải biên cái hay sẵn thành cái mới phù hợp thời đại. Cả hai đều có điểm chung là sự đổi mới. Nét pha trộn ấy mang đến trải nghiệm mới mẻ cho chính người nghệ sĩ và khán giả.
- Bà có đọc bình luận sau khi sản phẩm ra mắt?
Tôi theo dõi liên tục. Tôi thấy khoảng 80% là tích cực. 20% còn lại khán giả bình luận điều họ không thích, chưa hiểu, tôi nghĩ cũng đúng luôn. Như thế là quá đẹp rồi, đâu thể đòi hỏi hơn. Sản phẩm này không phải để hiểu mà để cảm. Mỗi người sẽ có một góc độ nhìn nhận khác nhau.
Nghệ thuật sẽ mang đến câu trả lời theo vốn trải nghiệm, hiểu biết và cách tiếp nhận của mỗi người. Đó mới là nghệ thuật vì nó không làm ra để bắt buộc mọi người đều phải hiểu. Chúng ta sống, có thể thấy, nghe, nhận 100% nhưng không hiểu về mọi thứ hoàn toàn.
- Việc đón nhận lời khen chê của một bà lão U80, mà không hiếm bình luận chỉ trích đến từ những người đáng tuổi con, cháu mình, liệu có khiến bà khó xử?
Khi tác phẩm ra mắt công chúng, tôi rất tỉnh táo. Bởi khi đó, tác phẩm thuộc về người khác. Điều gì tốt nhất có thể chúng tôi đã làm. Bây giờ, ê-kíp cùng ngồi chơi, tận hưởng và chờ đợi phản ứng. Sản phẩm có thể được khen, bị chê, được trân trọng, bị miệt thị song nó là của người ngoài. Tôi thực sự thoải mái, bởi không thấy tác phẩm của bản thân là hay nhất.
Tôi quan niệm có 2 loại đám đông. Một là miệng lưỡi thế gian, là điều ác ý, bạn không cần nghe. Còn lại dư luận quần chúng, nên lắng nghe chọn lọc để điều chỉnh. Tôi chấp nhận cả hai. Nếu một vấn đề được đưa ra, 6 người đồng ý, còn 4 người không thì quá tuyệt vời bởi thế giới không hoàn hảo. Nếu 10 người đồng ý có vẻ không bình thường.
Khi có nhiều thông tin, chúng ta sẽ nói khác và ngược lại. Điều này bạn không thể trách ai cả vì xã hội phải như thế. Tại sao thế giới có nhiều loại hoa, nhưng bông để thờ lại là bông sen? Tôi thích làm bông sen.
- Tuổi này NSND Bạch Tuyết vẫn rất minh mẫn, thần sắc tươi tắn và… điệu đà. Bà chú ý chăm sóc sức khoẻ, vẻ ngoài như thế nào?
Tôi ăn uống hợp nhất với mình chứ không yêu cầu, đòi hỏi gì quá cao. Khi đã có đủ tiện nghi, tôi cũng không mở máy lạnh đề phòng trường hợp phải ngủ ở nơi thiếu thốn. Trên giường nệm, hay dưới chiếu tôi đều ngủ ngon, không mắc kẹt bởi bất kỳ điều gì.
Mấy chục năm tôi không có thói quen xài kem hay dưỡng da. Tới tuổi này thần sắc tôi vẫn còn tạm, đó là một may mắn. Tất nhiên tôi cũng phải ý thức giữ gìn thanh – sắc vì đó là điều cần thiết của một người nghệ sĩ.
Tuổi U80 vui với cuộc sống đơn độc
- Con trai bà trưởng thành, xây dựng gia đình ở xứ người. Anh ấy chia sẻ tình cảm thế nào khi sống xa mẹ hơn nửa vòng trái đất trong gần 40 năm qua?
Con trai lớn lên gần như không có vòng tay của tôi. Tôi thường đi diễn về rất khuya khi con ngủ. Đến khi tôi dậy, con đã đi học. Làm con của người nổi tiếng hay nghệ sĩ rất thiệt thòi. Tôi luôn nói xin lỗi với con ngay từ khi nó còn nhỏ.
Điều tôi tự hào nhất là trao cho con một nền tảng tri thức. Năm con lên 7 tuổi, tôi mời gia sư đến dạy, để năm 12 tuổi có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp thành thạo. Sau đó, tôi đưa con đi du học Singapore, Thuỵ Sĩ và sau đó là Mỹ.
Ngày nhận kết quả trúng tuyển, con gọi về báo: “Này, tôi nói cho bạn nghe. Tôi còn nhỏ lắm nhưng tôi cố gắng học nhanh cho bạn đỡ tốn tiền”.
Hiện con trai sống ở Washington DC. Bạn ấy làm việc trong một tập đoàn về khách sạn hàng đầu thế giới. Chúng tôi vẫn liên lạc qua điện thoại, hỏi thăm nhau vài câu mỗi ngày rồi ai vào việc nấy. Ngoài là mẹ con, cả hai xem nhau như người bạn, dễ dàng chia sẻ mọi việc.
- Người già thích gần gũi con cháu, gia đình đông vui, tại sao bà lại có suy nghĩ ngược lại?
Vì đơn giản tôi không thấy mình già, cũng không sợ chết. Sắc tướng sẽ bị bào mòn theo thời gian, còn tâm không như thế. Thấy buồn ngủ thì đi ngủ, thấy mệt kiếm chỗ nằm, còn chuyện gì chưa tới, không nghĩ, không tính đến. Tôi không mong cầu điều gì nhiều hơn nữa vì thấy cuộc sống mình yên ổn. Từ nhỏ đến giờ tôi ít mong cầu, nên cũng chẳng hy vọng, rồi thất vọng.
Có lần, con tranh thủ xong cuộc họp, bay về Hà Nội, mua vé chợ đen xem tôi hát. Tôi hát xong, thấy con bên dưới và nói: “Mua vé chợ đen xem Bạch Tuyết hát mắc ghê”. Dù cách trở địa lý, chúng tôi vẫn được gặp nhau mỗi ngày qua video call (gọi điện thấy hình). Như vậy với tôi quá đủ rồi.
Một mình, bà tìm kiếm niềm vui từ đâu?
Vài bạn trong ê-kíp sợ tôi mệt khi làm việc liên tục từ sáng đến chiều. Song tôi không nghĩ thế. Tôi thấy vui vì đang chơi, tận hưởng, được gặp rất nhiều người trẻ có tính cách đa dạng. Tôi cũng được nói rất nhiều câu chuyện mới mẻ với họ.
Hiện tại, tôi chỉ sống với người giúp việc. Tôi không giàu, cũng không nghèo. Nếu tôi có 10 đồng, tôi sẽ cho người khác 4 đồng, 3 đồng tiêu xài và 3 đồng để tái tạo. Đến bây giờ, tôi cũng như thế. Tôi nghĩ mình sẽ chết nhanh nên không để dành làm gì, cũng không mang theo được.
- Như thế liệu có cô đơn với bà?
Từ nhỏ, tôi đã một thân côi cút. Khi ông trời cho bạn điều tốt nhất chắc chắn bạn cũng phải nhận lấy điều gì đó tệ nhất. Tôi mồ côi mẹ năm 8 tuổi, sau đó cha đi bước nữa. Tôi vào trường dòng học, 16 tuổi thành đào chánh đến bây giờ. Con đường này tôi chỉ có thể đi một mình, không ai bên cạnh.
Tôi nghĩ sự bất ổn định mới là điều bình thường của cuộc sống. Nếu biết dễ gây cảm giác bất an thì cầu khẩn, mong muốn để làm gì. Bạn cứ tự đứng trên đôi chân, suy nghĩ bằng chính năng lực thì cứ thế mà bước thôi.
- Ở tuổi của bà, nhiều người sợ đãng trí, mau quên những ký ức đã qua thời trẻ, còn bà thế nào?
Họ sợ vì đầu óc chuyên chở quá nhiều. Cũng giống như cái tủ, khi chồng chất rồi cũng dễ sứt ra. Tôi sống thật, buồn cứ nói buồn, vui cứ nói vui, không phải che đậy. Cứ sống như quy luật trời đất thì khoẻ đến già.
Bất cứ lúc nào, ngay lúc trẻ, có danh tiếng nhất, tôi cũng từng nghĩ tới ngày cuối cùng của mình. Sống nhiều thì già hơn, xấu hơn, ngu hơn… nên nếu tắt đi vào lúc đẹp nhất cũng được. Nhân sinh quan như thế, nên tôi không sợ gì cả.
Theo Tuấn Chiêu (VietNamNet)