Nguyên Thảo: Đau đớn khi chính cha ruột cướp đi mạng sống của mẹ

29/03/2016 09:05:19

Tôi gặp Thảo trong những ca khúc buồn. Gặp Thảo sau những lặng lẽ ở một góc cà phê Sài Gòn một trưa mưa bất chợt.

Tôi gặp Thảo trong những ca khúc buồn. Gặp Thảo sau những lặng lẽ ở một góc cà phê Sài Gòn một trưa mưa bất chợt.

Cuối cùng Thảo cũng chia sẻ: "Đã hơn 20 năm. Cuộc sống của em gần như 80% là nỗi buồn".

20 năm rồi, hình ảnh mẹ luôn ám ảnh trong Thảo và chợt hiện lên sau những ca khúc có hình bóng ấy.

Dù chỉ là mờ mờ “để em về nghe, mùa đông phố cổ, mẹ đang ngồi đan, lặng im bên gió” trong ca khúc Dương Thụ hay khuất bóng trong “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi” ở nhạc Phạm Duy.

Mẹ ra đi khi Thảo 7 tuổi. Và người cướp đi mạng sống của mẹ, không ai khác lại là người cha…

Tuổi thơ bị tước đoạt

Em vẫn còn nhớ lắm, hồi nhỏ em hay đi chơi, mẹ la hoài nhưng cũng không chịu sửa. Có lần, mẹ vừa đánh em lại vừa khóc. Thấy mẹ khóc, em mới cảm nhận hết tình thương mẹ dành cho em.

Khi mẹ mất rồi, em gần như hụt hẫng, có lần nghĩ rằng nếu có ai đánh mình, dù chỉ đánh bằng một cọng cỏ họ cũng đánh một cách vô cảm mà thôi. Mỗi lần nghĩ về mẹ, một khoảng trống lại cứ rộng lớn dần mà không gì khỏa lấp nổi.


*Cô bé 7 tuổi khi đó đã rất hoang mang trước một nỗi mất mát quá sức của một đứa trẻ?

Không biết dùng từ gì nữa. Em sợ hãi co rúm mình lại trong căn nhà nhỏ. Dì ruột bế em lên, dì khóc nhiều hơn cháu. Gần như lúc đó em không thể khóc nổi, đúng hơn là sợ hãi và căm giận.

Sau một thời gian, cũng khá lâu sau khi mẹ mất, sự mất mát mới dần ngấm và có lúc em ôm mặt khóc rống lên nhưng cũng không thể nhẹ nhàng được.

*Mẹ mất. Cha bị bắt. Lúc đó, ai là người gần gũi nâng đỡ chị em Thảo?

Bố mẹ chỉ có mỗi mình em. “Sẩy mẹ bú dì”, chính dì ruột là người thay mẹ. Khi đó dì làm giáo viên, cuộc sống cũng khó khăn lắm. Dì coi em là con, em gọi dì và chú là cha mẹ.

*Nhưng dù có thế nào thì dì cũng không thể thay thế mẹ…

Đúng rồi. Nhất là khi em chứng kiến sự ra đi khủng khiếp của mẹ như vậy. Ký ức của một đứa trẻ không dễ xóa, nhất là khi thành ám ảnh.

Trẻ con thường hay nhớ những gì không được tròn trịa lắm mà người lớn gây ra cho chúng. Cũng có thể em là người may mắn khi không đơn độc giữa dòng đời, chú dì đã làm cha mẹ đúng nghĩa.

*Hồi ấy, có lúc nào cô bé đó hiểu, dì thầm khóc khi nghĩ đến những gì cháu đã trải qua nhưng bên ngoài vẫn lặng im, để động viên?

Nhiều lắm anh. Em nhớ có lần cô giáo nói lại với dì là em không chịu nói chuyện, tiếp xúc với bạn nào trong lớp và hay nhìn ra cửa sổ.

Về nhà dì la em sao không tập trung học hành nhưng sau đó dì quay mặt đi lau nước mắt vì hơn ai hết dì hiểu tại sao em lại như vậy.

*Còn căn nhà cũ, dì có hay đưa em trở lại đó?

Không. Dì sợ em sốc khi những ám ảnh cũ lại hiện về. Một đứa trẻ rất muốn nghĩ về một chốn riêng để chứng minh mình có một tuổi thơ thì gần như em không có. Một căn nhà hoang nát đầy kinh sợ.

Từ khi mẹ ra đi em cũng xa lạ hẳn với căn nhà và nó đã thực sự không còn là của em từ ngày đó. Một tuổi thơ gần như bị tước đoạt.


“Không có quyền cướp đi mạng sống của người khác dù lý do gì!”

*Khi cha vào tù, em có vào thăm ông ấy?

Cũng vài lần, bà nội đưa em đi.

*Em có nói gì với ông ấy, và ông ấy có nói gì với em trong những lần gặp ấy?

Em sợ không biết nói gì. Và ngạc nhiên là ông ấy cũng chỉ nói với em vài câu qua loa. Tuyệt đối không động viên, an ủi gì.

*Cũng chẳng bao giờ viết thư cho em? Hoặc nhắn nhủ gì những lúc em không thăm viếng?

Không, tuyệt đối không.

*Và không nhắn gì với gia đình chú dì, những người còn cưu mang con gái mình?

Cũng không nốt.

*Ông ấy làm nghề gì nhỉ?

Ông ấy là công an, sau chuyển nghề làm nghề chụp ảnh. Mẹ em làm kế toán. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến nhiều người nghĩ mẹ em bị ám sát.

*Có bao giờ em hỏi những người thân, hoặc những người thân kể lại lý do vì sao ông ấy lại hành động như vậy không?

Hồi nhỏ chú dì em cũng không kể. Lớn lên em cũng không tìm hiểu. Em nghĩ rằng dù bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được. Anh nghĩ xem, không ai có quyền tước đoạt sự sống của người khác hết! Chỉ có trời mới có cái quyền đó!

Đằng này, người đó lại là vợ ông ấy, lại là mẹ của con gái ông ấy, lại càng không có gì để bao biện hay để cầu xin được tha thứ!

*Những người bên cạnh em trong những ngày tháng đớn đau ấy, họ phản ứng thế nào?

Hầu hết là căm tức. Không ai chấp nhận được việc làm đó. Nhưng họ vì em mà không nói ra những suy nghĩ thật, ít nhất là trước mặt em.

Họ cũng không muốn tiêm vào đầu đứa trẻ những căm uất vì đơn giản họ là những người có nhân tâm. Nhưng trước hành động như vậy, dù trái tim nào cũng phải nghẹt thở nói chi là trái tim một đứa trẻ?


*Nhưng thời gian là liều thuốc hữu hiệu, hóa giải tất cả. Một người như em, cũng dễ nói lời thứ tha…

Ông ấy đã đóng vào em một tảng băng quá sớm trong lòng và không là người gỡ dùm. Để rồi chính ngọn lửa ấm tình cha con đã tắt đi mà không thể nào nhen nhóm lại được.

Giờ đây, em chỉ có thể nói rằng, em không còn quan tâm đến cuộc sống của ông ấy.

*Em làm nổi?

Phải là người trong cuộc mới hiểu được tại sao lại như vậy!

*Có khi nào em nghĩ ông ấy thấy lỗi ông ấy quá lớn nên không dám làm khổ con gái thêm?

Em là con ông cơ mà? Và bổn phận của người cha lúc đó là bù đắp chứ? Sao lại làm tan nát tâm hồn của một đứa trẻ như vậy?

“Em đã chờ đợi ở ông ấy một lời xin lỗi suốt bao năm mà không được!”

*Khi mẹ mất, gia đình bên nội đối xử với em thế nào?

Đau lòng thay một đứa trẻ rơi vào tình cảnh như vậy lại chỉ có đằng ngoại. Bên nội chỉ có mỗi bà nội là gần gũi và thương em. Nhưng rồi bà cũng bỏ em mà đi. Còn nữa, không ai hỏi han, xem cháu mình đau ốm bệnh tật ra sao, học hành ra sao.

*Em có tìm đến họ?

Vài lần. Nhưng nghĩ lại thấy tủi thân. Giờ em cũng chẳng quan tâm nữa.

*Khi cha ở tù, em có chờ đợi đến khi ông ấy ra, rồi bắt đầu lại?

Ông ấy ra tù khi em đã gần 20 tuổi. Suốt bao năm em chỉ chờ đợi ở ông ấy một lời xin lỗi. Em đã cắn môi không khóc suốt cả một chặng đời để chờ được khóc một lần với cha mình nhưng cũng không được.

Khi ra tù, người đầu tiên mà ông tìm gặp, lại không phải là em!

*Khi gặp em, ông ấy cũng không nói gì sao?

Có. Ông ấy nói là “Việc của cha bây giờ là kiếm tiền sắm cái xe Dream, sau đó cha mới có thể lo cho con”.

*Và em…

Chết lặng như một pho tượng. Điều đó nói lên rằng ông ấy không còn xứng đáng với bao năm chờ đợi của đứa con gái bé bỏng nữa.

Ông ấy đã chối bỏ con mình và gần như bỏ mặc nó trong những đớn đau mà không ai khác do chính ông gây ra.


*Bao lâu sau khi ra tù thì ông ấy đi bước nữa?

3 tháng. Chỉ 3 tháng thôi à…

*Ông ấy có nói điều này với em?

Không. Em nghe người ta xì xào em đến nhà ông xem thực hư thế nào. Và khi em đến, em có nhìn thấy vợ ông ấy. Bà ấy nằm trong nhà, không ra gặp em.

*Thế còn ông ấy?

Có ra, ngồi nói bâng quơ vài câu, cũng kể chuyện trời mưa trời nắng chứ không nghĩ đến người đối diện.

*Rồi sau đó?

Lần gặp đó gần như là lần gặp cuối cùng giữa em và ông ấy. Em tiếp tục cuộc sống tự lập.

*Chẳng bao giờ ông ấy hỏi han, có nhã ý muốn gặp em nữa sao kể từ ngày ấy?

Không anh à. Không!

“Nợ ân tình khó trả”

*Em kể lại chút ít cuộc sống của em khi sống với chú dì?

Em gọi chú dì là ba mẹ và đó cũng là tiếng gọi thân thương trọn vẹn trong cuộc đời em. Chú dì đã nuôi em bằng những đồng lương vất vả của công chức. Sau em còn 2 đứa em gái nữa. Giờ đây, một đứa đã học ĐH và một đứa cũng năm cuối cấp.

*3 chị em gái, hiểu nhau nhiều không?

Nói chung các em rất thương em. Đứa kế gần em nên hiểu và hay chia sẻ. Đứa sau thì hơi xa thế hệ một chút, nhưng chị em vẫn gần gũi và thương nhau.

*Khi em theo nghiệp cầm ca, mẹ có ý kiến gì không?

Mẹ ủng hộ. Mẹ hiểu những vất vả mà em trải qua, tin cháu mình nên động viên thôi.

*Mẹ có biết em từng phải hát ở những điểm ăn uống và cũng rất lận đận những ngày đầu?

Mẹ biết hết. Nhưng em là đứa thích tự lập và việc kiếm tiền chính đáng nên không có gì để gia đình phải lo lắng.


*Mẹ có nghĩ một ngày em thành danh như hôm nay?

Cái đó chắc phải hỏi mẹ em thôi. Nhưng em nghĩ em cũng mới chỉ có chút tiếng tăm thôi à. Còn phải nỗ lực nhiều.

*Cô bé Nguyên Thảo sẽ thế nào nhỉ nếu không có đôi cánh tay huyền diệu của dì-người mẹ?

Chẳng biết sẽ thế nào nữa. Chắc số phận sẽ cũng sắp xếp cho em một chỗ nào đó phù hợp thôi. Trong cuộc đời ai mà chẳng nếm qua cay đắng dù ít dù nhiều. Những người khác mang lại cho em những đớn đau thì ba mẹ lại là người bù đắp.

Món nợ ân tình nào đâu có dễ trả và đâu cứ phải nói là phải trả để làm tổn thương nhau. Hãy giữ điều đó trong lòng và nhủ mình sống sao cho xứng đáng.

*Hiện tại một ca sĩ nổi tiếng không xe hơi, không tậu nhà (dù chỉ là một căn hộ chung cư), có khi nào khiến em chạnh lòng?

Về tài chính em chưa thể đủ để làm điều đó. Cái gì cũng phải có thời gian mà. Với đồng thu nhập của ca sĩ theo một dòng nhạc kén khán giả như em thì điều này sẽ khó khăn đấy.

Nhưng đi xe hơi không phải là điều em nghĩ tới hay cần thiết phải có. Hiện em vẫn ở nhà thuê và thấy thoải mái với căn hộ của mình

*Em ở 1 mình?

Không, với em gái.

*Mẹ có hay lên thăm em không?

Dạ có. Mỗi lần lên mẹ đều vào bếp nấu những bữa cơm ngon. Dù bận bịu thế nào em cũng về nhà ăn cơm mẹ nấu.

*Có bao giờ em có ý định mượn tiền ba mẹ để mua một căn nhà đỡ phải cảnh thuê mướn?

Không anh à. Ba mẹ là những công chức bình thường, nếu em muốn cũng chẳng có để cho. Với lại nếu ba mẹ có em cũng không nỡ làm thế vì từ nhỏ em đã ăn mất một phần cơm của các em, nên để ba mẹ dành tiền lo cho các em chứ.

*Chị gái đã lo được nhiều cho hai em chưa?

Cũng chưa lo được gì. Đứa em gái hiện ở với em thì hai chị em bảo ban nhau thôi. Nó cũng là đứa biết tự lập.


Nỗi buồn mang theo

*Bây giờ nếu gặp ông ấy giữa đường thì Thảo sẽ thế nào nhỉ?

Thì em sẽ chào ông ta rồi đi, hoặc nếu ông ta không để ý thì em chuồn cho lẹ, không muốn tiếp xúc.

*Từ độ đó đến giờ em chưa gặp lại ông ấy lần nào dù chỉ là tình cờ?

Chưa ạ.

*Em nhớ căn nhà xưa không?

Còn gì đó nữa mà nhớ hả anh? Toàn là buồn đau, quên lãng. Em đi khi quá nhỏ. Giờ căn nhà đó cũng đã có chủ khác rồi.

*Ông ấy có theo dõi những bước trưởng thành của em?

Em nghĩ là không. Có lẽ giờ này ông ấy chẳng còn biết con gái mình sao nữa đấy chứ. Như thế càng hay cho ông ấy và dĩ nhiên là tốt cho em.

*Vợ sau của ông ta có mấy đứa con?

Em nghe đâu là có 2 đứa hoặc bao nhiêu em cũng không quan tâm lắm.

*Nếu giả sử những đứa em đó hiểu được mọi chuyện và muốn bù đắp cho người chị cùng cha khác mẹ bằng tình yêu thương chân thật thì em có nhận tấm chân tình đó?

Em không phải là người cạn tình. Tuy nhiên em không tin có điều đó xẩy ra vì một người như ông ấy thì khó mà dạy được con sống có cái tình.

Với lại, cũng không nên có điều đó bởi vì em chẳng muốn dính líu gì đến ông ấy và những gì liên quan. Em có cuộc sống của em. Và họ có cuộc sống của họ. Không nên quan tâm đến nhau.

*Những lần về Đà Lạt em thường làm gì? Có hay đi bộ một mình không?

Em sẽ về Đà Lạt khi nào em có nhu cầu sống chậm trong vài ngày, bù khú với bạn bè trên đó. Giờ em về Đà Lạt không phải để tìm kỷ niệm vì thực sự ở đó những kỷ niệm buồn em đã dần quên thì tìm gì nữa.

Chỉ tìm cho mình sự trong trẻo sau những ngày tháng tất bật ở Sài Gòn mà thôi.

Một thành phố người ta thích, người ta ở lâu sẽ chán nhưng với em Đà Lạt là những gì trong trẻo em muốn kiếm tìm, chẳng bao giờ chán nó và cũng chẳng yêu nó một cách cuồng nhiệt. Yêu thoang thoảng cho dễ nhớ sâu.


*Mất mát từ nhỏ, điều này hẳn ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của Thảo?

Em mất thăng bằng một thời gian dài. Điều đó hình thành ở em tính cách ít chia sẻ chuyện mình cho người khác. Nếu người dưng thì dĩ nhiên là không. Nhưng nếu là người thân lẽ nào mình bắt phải gánh những nỗi buồn của mình nhỉ?

Có những lúc em nằm nghĩ, nếu mình có cha có mẹ, những lúc xin phép mẹ đi chơi, bị cấm, cha lại cho đi. Hay mẹ mắng, được cha bao che. Người cha và người mẹ có những cách thương yêu của riêng họ và đều cho con những điều bổ ích.

Tiếc rằng em không được nhận những điều đó nếu không muốn nói những gì em nhận được từ cha em toàn là những điều cay đắng phũ phàng. Nhưng rồi cũng qua vì em không quan tâm nữa. Em biết học cách không quan tâm và thương mình hơn.

Vì nếu quan tâm những gì không đáng quan tâm thì chỉ làm khổ mình thêm thôi. Và cũng có thể gây phiền nhiễu cho cuộc sống của mình.

*Để 80% nỗi buồn của cuộc sống cho mình, có nặng quá không, hả Thảo?

Rồi cũng qua hết thôi anh à. Sinh ly tử biệt đã trải qua rồi. Tự gặm nhấm cũng đã quen rồi. Em đã im lặng với buồn đau suốt một chặng đời và mang theo nó trên những bước đường. Gặp những khó khăn trắc trở gì em cũng lầm lì chịu đựng.

Em cũng như bao người khác, cũng yếu đuối chứ, cũng có lúc muốn gục vào bờ vai mẹ nhưng mọi thứ đã qua để lại một khoảng trống quá sâu nên tự em tựa vào chính mình thôi.

*Kể cả với người yêu, em cũng sẽ không chia sẻ?

Riêng với người yêu thì khác. Phải chia sẻ. Vấn đề là em chưa tìm được một tình yêu nào đủ nặng để cân bằng. Hoặc bây giờ em cho rằng thế này là tình yêu nhưng 10 năm sau nhìn lại lại thấy rằng không phải thế.

*Ừ, tình yêu là vô cùng nhưng sao cứ mải mê đi tìm hoài cái mà mình sẽ hoài nghi trong tương lai? Sao mình không cho nó đứng yên?

Em không là người kiếm tìm trong tình cảm. Tình yêu mà, dừng làm sao được khi con tim mình không bảo thế. Em nghĩ, tình yêu cũng có số phận của nó. Nỗi đau cũng có số phận của nó

*Em có người bạn nào thân ở Sài Gòn không?

Không ạ. Hồi trước có người bạn học thân lắm, giờ mọi thứ cũng đã khác rồi. Cuộc sống của em khá khép kín nên cũng chẳng có nhu cầu quảng giao lắm.


*Như vậy thì khá cô đơn. Dường như những nỗi nhớ thương về mẹ em đã gửi vào câu hát nên em hát Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy khá lay động?

Những bài hát có hình ảnh mẹ em đều hát bằng những nỗi đau mơ hồ. Nghìn trùng xa cách là tâm trạng thật của em, em đã hát nó như một tiếng khóc.

*Những lúc buồn em không khóc, cho nhẹ?

Khóc không được đấy chứ. Đã biết bao lần rồi, cứ im lặng một cách rỗng rễnh. Có thể cái dư chấn thời ấu thơ vẫn chưa qua được trong tâm trí em nên em vẫn đang thành một kẻ lơ lửng mất thăng bằng.

*Nhưng vẫn còn đó những bài hát để em chia sẻ. Vẫn còn đó những phút giây của riêng em, để đựng phần nào nỗi buồn…

Dạ. Nó sẽ mang theo dùm em phần nào những nỗi niềm mà chỉ có em và nó biết.

*Nếu nhắn ai đó một điều, Nguyên Thảo sẽ nhắn gì?

Em sẽ nhắn những người làm cha làm mẹ hãy quan tâm đến tuổi thơ của con cái. Đừng để nó mất cân bằng như em!

"Thân phận và hào quang" là tên cuốn sách của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ vừa được Alpha Books phát hành trong tháng 3-2016.

Cuốn sách dày hơn 400 trang viết về những góc khuất cuộc đời của 30 nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt.

Nhận xét về cuốn sách này, nhạc sĩ, nhà báo Trần Lê Quỳnh nói: "Những người nổi tiếng luôn giằng xé giữa hai cái tôi: một cái tôi riêng tư và cái tôi hiện ra trước công chúng...

Những bài phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ cho thấy đằng sau hào quang nghệ sĩ là những thân phận đôi khi cũng bé nhỏ, cơ cực giữa trần gian".

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ xin trích đăng nguyên văn bài phỏng vấn ca sĩ Nguyên Thảo do nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thực hiện và được in trong cuốn sách "Thân phận và Hào quang".

Theo Hoàng Nguyên Vũ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)