Nếu 14 năm trước những bức ảnh nóng bị phát tán khiến sự nghiệp mới chớm của Nguyễn Hồng Nhung đột ngột khép lại, thì chỉ hơn hai năm sau, bất hạnh tiếp tục ập tới khiến chị gần như sụp đổ. Đúng thời điểm chia tay người chồng cũ, Nhung phát hiện con trai đầu lòng, bé Skyler, mắc tự kỷ. Hoang mang đến độ không dám chấp nhận nhưng chị phải gượng dậy, từng bước tìm cách điều trị cho con. Từ cậu bé kém nhận thức, đi đại tiện bừa bãi lúc hơn hai tuổi, Skyler hiện biết xúc ăn, mặc quần áo, tự lau vết bẩn trên sàn nhà và được mẹ cho đi du lịch khắp nước Mỹ. Nguyễn Hồng Nhung bảo gần 5 năm đồng hành cùng con là rất nhiều kiên nhẫn và yêu thương.
"Tôi không dám mong Skyler thông minh, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Nhưng tôi sẽ nỗ lực hết sức để con tốt lên từng ngày", nữ ca sĩ tâm sự.
Suy sụp khi biết con không bình thường
- Chị phát hiện con trai bị tự kỷ từ khi nào?
- Lúc Skyler hai tuổi rưỡi, bác sĩ gia đình nói với tôi bé bị tự kỷ. Khi ấy tôi không tin. Tôi thấy con mình nhanh nhẹn, hiếu động, thậm chí tỏ ra có năng khiếu chơi trống. Từ khi sinh ra đến hơn một tuổi, Skyler khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tôi thậm chí còn nghĩ con mình "siêu" nên dự định bồi dưỡng năng khiếu cho bé.
Khi bác sĩ phân tích các dấu hiệu, tôi bắt đầu ngẫm lại và thấy đúng. Skyler thiếu tập trung trong mọi việc, khi tương tác không bao giờ nhìn vào mắt mọi người. Một thời gian sau tìm hiểu thêm, tôi được biết các em bé tự kỷ thích đồ vật có hình tròn và sự sắp xếp logic. Skyler mê các bánh xe của đoàn tàu trong phim Thomas and friends, thích chơi trống và luôn muốn có thêm nhiều chiếc ô tô.
Tôi từng đến nhiều trung tâm trị liệu tâm lý và nhận thấy 90% các bé tự kỷ đều thích bộ phim hoạt hình Thomas and friends.
- Bé có những dấu hiệu tâm lý và hành động ra sao?
- Hơn 4 năm đầu đời, Skyler chỉ uống sữa và nước trắng. Miệng mọc đủ răng nhưng bé cương quyết không chịu nhai, sợ những thức ăn cứng chạm vào miệng. Khi các bạn cùng lứa có thể bốc ăn đủ thứ, nói chuyện bi bô thì con tôi không thể kêu tiếng "Mẹ!". Lúc hơn hai tuổi, bé còn đi đại tiện ra quần và làm bẩn sàn nhà, sofa và giường ngủ.
Skyler chỉ ngủ với mẹ. Thỉnh thoảng bé thức dậy giữa đêm bật đèn sáng trưng khiến tôi phải thức chơi cùng bé. Con hay ngoáy đầu, vẫy hai tay như chú chim bay và nhẩy loi choi chứ không chịu ngồi yên. Skyler hay bất giác hét lên chỗ đông người và bướng bỉnh. Khi tức giận, bé sẽ ném đồ và dù rất hiền vẫn thỉnh thoảng vô tình làm đau mọi người.
- Theo chị nguyên nhân gì khiến Skyler mắc hội chứng này?
- Có rất nhiều nguyên nhân khiến một đứa trẻ bị tự kỷ. Các bác sĩ cũng không thể đưa ra lý do chính xác bởi mỗi bé có một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau.
Lúc mang bầu Skyler, tôi khóc rất nhiều vì những dư âm đau buồn từ scandal trong quá khứ. Khi đó chồng cũ không thể chia sẻ, thậm chí giữa chúng tôi xảy ra những bất đồng dẫn đến cãi vã. Tôi nghĩ đây có thể là một nguyên nhân, bởi các cụ nói người mẹ mang thai có tâm trạng u uất thì đứa trẻ sinh ra rất khó khỏe mạnh.
Mặt khác, ở Mỹ có nhiều trẻ châu Á bị tự kỷ mà người ta suy đoán là do chích ngừa. Cơ địa của chúng yếu hơn, khó thích nghi với phác đồ tiêm chủng kỹ lưỡng và những loại vaccine mạnh của trẻ bản địa. Trẻ ở nhà nhiều cũng dễ ảnh hưởng bởi bé ít được giao lưu với thế giới bên ngoài. Lúc còn nhỏ, Skyler hay được bà ngoại trông trong lúc mẹ đi diễn. Bà rất thương và quan tâm bé nhưng không thể dạy cháu những kỹ năng như ở trường.
Nhưng dù xuất phát từ nguyên nhân gì, đồng hành cùng con vẫn là điều quan trọng nhất. Bề ngoài tôi tỏ ra không chấp nhận sự thật, xong trong đầu đã nghĩ tới việc phải làm gì để giúp Skyler vượt qua.
- Hành trình ấy bắt đầu thế nào?
- 5 năm bên con của tôi có thể chia thành ba giai đoạn: chấp nhận, đối đầu và đồng hành. Xuyên suốt là sự nỗ lực của cả hai mẹ con. Tôi luôn nhắc mình kiên nhẫn với bé và yêu thương Skyler nhiều như những gì bé xứng đáng được hưởng.
Tôi tìm đến rất nhiều trung tâm dành cho trẻ tự kỷ và bỏ thời gian nghiên cứu kỹ. Nhưng sau đó quyết định cho Skyler học lớp đặc biệt trong trường bình thường. Tôi muốn con hòa nhập với môi trường của những bạn có tâm lý khỏe mạnh để thấy cuộc sống diễn ra thế nào. Ngoài ra, tôi lo ở cạnh những bạn mắc hội chứng nặng có thể khiến tình trạng của bé phát triển theo triều hướng tệ hơn.
Skyler bị tự kỷ mức độ trung bình. Lớp của bé có nhiều bạn với những vấn đề khác nhau. Bé thì tăng động, bé chậm phát triển, bé khiếm khuyết về hình thể. Cứ 2-3 bé lại có một cô giáo chăm sóc riêng nên tôi thấy yên tâm.
Ngoài thời gian học ở trường, khi về nhà, việc dạy dỗ Skyler hoàn toàn do mẹ phụ trách.
'Bản năng người mẹ là không khuất phục'
- Thời điểm đó, chị có ý thức được những khó khăn nào đang chờ đợi mình?
- Tôi lo lắng vô cùng. Ngay cả hiện tại khi Skyler đã 7 tuổi, tôi vẫn sợ con sẽ không thể trở thành một đứa trẻ bình thường, không thể chăm sóc bản thân khi chẳng còn bố mẹ bên cạnh. Nhưng bản năng người mẹ không cho phép tôi gục ngã. Tôi tự nhủ nếu có điều gì giúp Skyler khá hơn, dù chỉ một chút, tôi cũng làm.
Lúc đó mẹ ruột từ Việt Nam qua Mỹ phụ tôi chăm con. Bà chưa hiểu vấn đề của cháu nên tôi mất rất nhiều thời gian giải thích. Tôi sợ bà nổi giận với Skyler, hoặc áp đặt những chuẩn mực của đứa trẻ bình thường vào bé. Bà hay phàn nàn chuyện con trai tôi bày đồ chơi khắp nhà hoặc ăn uống không đúng khoa học.
Mỗi khi di chuyển trong phòng ngủ, tôi phải nhón chân bởi ô tô, tàu hỏa của bé xếp kín sàn. Cứ dọn được một hồi, Skyler lại bày ra, căn nhà lúc nào cũng như "trận địa". Tôi thích đưa con ra ngoài và đi du lịch để bé có cơ hội giao tiếp, nhưng đồng nghĩa phải đối mặt nhiều vấn đề. Khi sợ âm thanh lạ, bé sẽ bịt tai và la lên hoặc đang ở trên máy bay lại nằng nặc đòi xuống... thực sự khó xử.
- Vậy chị đã đối mặt ra sao?
- Skyler không phải em bé thiểu năng, con bị tự kỷ và hiểu được phần nào những lời mẹ nói. Khi bé ném đồ, tôi giữ nhẹ tay con, nhìn vào mắt bé và bảo: "Không, Skyler, không được làm như thế!". Lúc con hoảng sợ hét lên, thậm chí khóc, tôi thủ thỉ: "Skyler buồn à, mẹ yêu Skyler". Có lần đi biển, thấy đứa trẻ cùng tuổi ngồi xây lâu đài cát, Skyler chạy lại dội thẳng xô nước vào. Tôi phải đến xin lỗi người ta và dỗ dành cho em bé kia nín khóc. Vào nhà hàng cũng vậy, con cầm hai đũa gõ lên đĩa tạo tiếng ồn. Cũng phải vài ba lần nói: "Không được làm như vậy. Như vậy là không lịch sự", bé mới chịu dừng.
Nếu xấu hổ vì con khác biệt và để bé ở nhà thì hội chứng tự kỷ sẽ nặng hơn. Tôi chấp nhận những ánh nhìn khó chịu của những người xung quanh để con tôi có cơ hội giao tiếp với thế giới.
Tôi mất ba năm để dạy Skyler đánh răng. Bé rất sợ vật lạ chạm vào miệng nên hành trình này cần kiên trì. Tối nào cũng diễn ra cuộc đuổi bắt, thuyết phục rồi tôi đánh răng cho mình làm mẫu, nắm tay con hướng dẫn con đánh răng. Cả việc mặc quần áo, dọn dẹp, ăn uống cũng vậy. Mẹ làm trước, lặp lại nhiều lần rồi thủ thỉ bảo con làm theo.
- Mẹ con chị bước đầu gặt hái những thành quả gì?
- Ba năm trở lại đây, con đã ăn được cơm với thức ăn xay nhuyễn hoặc canh, tự xúc bằng thìa. Bé biết mặc quần áo, xỏ giầy, lau bàn hoặc sàn nhà nếu làm đổ nước. Skyler có trí nhớ rất tốt. Trước khi đi học, con xếp các xe hơi vào một chỗ và khi về, nếu có sự xáo trộn sẽ phát hiện ngay. Nếu làm mẹ hay bà đau, bé cũng cụp mắt xuống thể hiện sự hối hận.
Tôi cho con đi chơi nhiều nơi, xa nhất là Hawaii. Chuyến bay 6 tiếng và sau nhiều khó khăn, Skyler cũng vượt qua. Hiện bé vẫn không biết ăn rau, trái cây, bánh kẹo và nước ngọt. Con chỉ nói được những câu ngắn như "ăn cơm", "về nhà", "đi học"... nhưng hiểu được những điều mẹ và bà nói bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
- Chị mong muốn điều gì cho bản thân và con trai?
- Tôi không đặt mục tiêu biến con trở thành đứa trẻ bình thường. Nhưng tôi tin tưởng sự kiên nhẫn có thể giúp Skyler tiến bộ mỗi phút, mỗi giờ, mỗi tháng, mỗi năm...
Tôi mong có sức khỏe tốt để làm việc, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định phục vụ việc chữa bệnh cho Skyler bởi đó là hành trình dài. Bé chưa từng được về quê. Tôi ước một ngày con có đủ mọi điều kiện cần thiết để thực hiện chuyến bay hơn 20 tiếng tới mảnh đất nơi bố mẹ sinh ra và lớn lên.
Theo Lam Trà (Ngoisao.net)