Đó là người mà ngay cả khi chuẩn bị về bên kia thế giới vẫn đau đáu một điều, ai sẽ che chở và bảo vệ cho Thanh Lam, ai sẽ viết những bài ca nồng nàn để Thanh Lam hát...
Thanh Lam cũng luôn cảm thấy hạnh phúc trong tình yêu thương ấy. Ông cũng là một nhạc sĩ lẫy lừng cả nước.
Thanh Lam và cha lúc sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến. |
Cố nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công (1932-2014). Ông nổi tiếng với những ca khúc kháng chiến thời kỳ cách mạng và những tình khúc sau giải phóng.
Cố nhạc sĩ Thuận Yến từng giữ chức Trưởng ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghỉ hưu, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông có hai người con với NSƯT Thanh Hương. Ca sĩ Thanh Lam là con gái lớn và cũng là con gái duy nhất của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Bên dưới chị còn có DJ Trí Minh.
Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến đồ sộ với gần 500 ca khúc. Và khó có thể phủ nhận rằng, phần lớn những ca khúc trong mảng tình khúc, ông viết nhiều để dành riêng cho sự nghiệp âm nhạc của con gái, ca sĩ Thanh Lam.
Chính ca sĩ Thanh Lam cũng đã từng chia sẻ rằng, cha chị không chỉ là một người bạn đặc biệt mà còn là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của chị.
Chị học được niềm đam mê âm nhạc từ cha. Bóng dáng của cố nhạc sĩ Thuận Yến in đậm trên con đường nghệ thuật của cô con gái Thanh Lam ngay từ những ngày đầu tiên.
Tuổi thơ của Thanh Lam là những năm tháng thiếu thốn nhưng luôn được sự che chở, bao bọc, yêu thương từ cha mẹ. Ông dạy con gái biết tự lập, yêu thương gia đình.
Những kỷ niệm ngọt lành về năm tháng hai chị em đi hái rau dại mang về nấu canh, hay xếp hàng gánh nước cho cả nhà dùng sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức của nữ ca sĩ Thanh Lam.
Chị từng nói: “Thanh Lam tự thấy mình hạnh phúc nhất trong tình yêu thương của cha mẹ và Lam coi đó là hạnh phúc của chính mình.
Thế nhưng bất cứ người cha nào cũng có những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên được về những đứa con thương yêu của mình. Đó là những năm tháng chiến tranh, trường nhạc sơ tán lên Bắc Giang.
Khi đó Thanh Lam 3 tuổi. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông chở con gái lên tận khu sơ tán.
Ông vừa học đại học vừa nuôi con. Trong điều kiện khó khăn như thế nhưng ông vẫn làm được điều mà người cha làm đối với con.
Cố nhạc sĩ Thuận Yến từng kể trong thời gian này, ông đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của Thanh Lam. Có lần, nhạc sĩ Thuận Yến đưa Thanh Lam vào học chung lớp học đàn piano, thì Thanh Lam được các cô giáo dạy piano đưa lên đàn, đánh thử cho Lam nghe.
Có điều hết sức bất ngờ là dù đánh tone nào, Thanh Lam cũng đều đọc được. "Thực sự lúc đó tôi cũng không nghĩ sau này Thanh Lam thành ca sĩ đâu”, cố nhạc sĩ từng cho biết.
Tẩm ảnh kỷ niệm quý của gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến. |
Trong mắt cố nhạc sĩ Thuận Yến, Thanh Lam lúc nào cũng bé bỏng. Ngay cả khi chị lấy chồng, sinh con năm 19 tuổi.
Ngay ca khi cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ và nối duyên với nhạc sĩ Quốc Trung rồi cũng lại không bền... ông vẫn luôn dõi theo từng bước đi của con gái, để yêu thương, để bảo vệ, để chở che.
Thanh Lam được sinh ra từ cuộc "Chia tay hoàng hôn"
Thanh Lam đã hát toàn bộ và hầu như đã đặt dấu ấn cho từng bài hát của cha mình trong lòng công chúng. Hai chị em Thanh Lam và DJ Trí Minh đã từng sản xuất riêng một album với các ca khúc của cha với tên gọi “Tự sự”.
Thế nhưng, ca khúc mà cố nhạc sĩ Thuận Yến thích nhất khi nghe con gái hát chính là bài “Chia tay hoàng hôn”. Theo lời cố nhạc sĩ thì ca khúc này không chỉ là cuộc đời ông, cuộc đời của vợ chồng ông mà còn gắn với cả chính một phần đời Thanh Lam.
Năm Mậu Thân 1968, cả cố nhạc sĩ Thuận Yến và bà Thanh Hương đều tham gia chiến đấu tại mặt trận ở Huế. Lúc đó, bà Thanh Hương bị bệnh nặng phải ra Bắc điều trị còn ông ở lại chiến trường.
Trong cuộc chia tay ấy, cả người ở và người đi đều đầm đìa nước mắt. Bởi vì, sau cuộc chia ly ấy, họ có thể gặp lại cũng có thể không gặp lại. Hồi đó, họ đang yêu nhau nhưng vì chiến tranh mà mãi chưa thành vợ thành chồng được.
Ca khúc “Chia tay hoàng hôn” được sáng tác trong hoàn cảnh ấy. Và nó chính là cuộc đời của vợ chồng cố nhạc sĩ Thuận Yến.
Sau này, Thanh Lam đã hát ca khúc “Chia tay hoàng hôn” trong một cuộc thi hát do Bộ Văn hóa tổ chức. Tại cuộc thi đó có 3 dòng nhạc: thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Khi Thanh Lam hát ca khúc này, thì đã có cả phần đời của chị trong đó.
Lúc chị hát tới câu “Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc mà lời từ biệt chẳng lên môi” và quỳ xuống thì những giọt nước mắt lăn trên má cả hội đồng giám khảo 6 người.
Cả khán phòng lặng im hết. Trong cuộc thi đó, Thanh Lam hát 3 bài và được 6 vị giám khảo giơ điểm 3 lần, với 16 điểm 10 và 2 điểm 9.5. Chị được trao giải thưởng lớn của nhà nước cũng từ chính cuộc thi năm ấy.
Theo Cao Thanh Hương (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)