Trước khi chạm đến thành công, quãng đường Ngọc Sơn đi cũng lắm gian nan và đói khổ.
Nhưng sau đó, tôi chợt nhận ra rằng, những ồn ào là một phần trong cuộc đời của “Ông hoàng nhạc sến” và dù đúng hay sai thì thiếu chúng, công chúng sẽ không có một Ngọc Sơn của bây giờ.
Những ngày hát lót
Ngọc Sơn sinh ngày 26.11.1970. Ba anh là người Đà Nẵng tập kết ra Bắc, mẹ là cô giáo Hải Phòng, anh được sinh ra ở Đồ Sơn và lớn lên ở Bạc Liêu. Đó là lý do đi tới đâu, anh cũng gọi những người hâm mộ là “Đại gia đình”.
Khi Ngọc Sơn chào đời, anh bị nhau thai quấn ba vòng quanh cổ, còn tiếng khóc thì ầm ĩ, át cả tiếng radio báo giờ tập thể dục của Đài tiếng nói Việt Nam.
Mấy cô hộ sinh ở trạm xá đã đùa rằng, anh “oai” quá, vừa sinh ra đã đeo vòng hoa và có tiếng nhạc buổi sáng đệm cho khóc, có khi mai mốt làm ca sĩ. Lời buông ra như gió thoảng, thế nào lại vận vào cuộc đời anh thật.
Ba có máu nghệ sĩ, rất thích làm thơ, sáng tác, hát hò nên từ nhỏ, bốn anh em nhà Ngọc Sơn đã đam mê ca hát và hát rất hay. Tuy nhiên trong nhà, anh vẫn là đứa nổi trội nhất.
Càng mê hát, Ngọc Sơn càng dị. Nhiều lúc không chịu nổi, mẹ và cô giáo đè anh ra để cắt bớt móng tay và tóc. Mỗi lần như thế, hàng xóm lại đau đầu vì tiếng gào khóc cả ngày trời không dứt.
Khi cả gia đình chuyển vào Bạc Liêu sinh sống, anh như cá gặp nước. Những giai điệu cải lương làm Ngọc Sơn mê mẩn, chìm đắm. Bữa nào được chị lớn dẫn đi hát ở đám tiệc của bạn bè, anh mừng lắm.
Mấy chị em nhà Ngọc Sơn hát hay đến đỗi có bầu sô còn chấp nhận chi cát-xê thuê hát như ca sĩ thứ thiệt. Có tiền phụ mẹ là một chuyện nhỏ, thỏa mãn nhu cầu được hát mới là chuyện lớn.
Nhà nghèo, không có tiền coi hát nên mỗi lần có Đoàn về diễn, Ngọc Sơn lại tìm cách lẻn vào coi. Bữa nào hên thì trót lọt, xui thì bị người ta nắm tóc kéo ra. Mỗi lần như thế, anh lại khóc nhưng chẳng phải vì đau hay ngượng mà vì... tiếc một buổi hay.
Háo hức về nhà xin, Ngọc Sơn bị mẹ lạnh lùng từ chối vì bà sợ điều tiếng, sợ cuộc sống của con trai phải lang bạt, gian khổ. Nhưng rồi cũng chính mẹ nhìn thấu được đam mê ấy, bà lân la dò hỏi, tìm hiểu chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của nghệ sĩ rồi... gật đầu.
Song, Ngọc Sơn gắn bó với Khoa kịch nói không lâu, chỉ sau ba tháng, anh thi thử lớp Đại học thanh nhạc, ai dè đậu luôn. Vậy là học.
Nhà đông con, ba mẹ chỉ có thể mua cho anh chiếc xe đạp cà tàng để tiện đi lại, lo làm sao được cuộc sống đầy đủ như con nhà người ta.
Chuyện Ngọc Sơn đến giảng đường với cái bụng rỗng cũng là thường. Nhiều khi đói quá không chịu nổi, anh kiệt sức, ngất lịm.
Không cam tâm sống cảnh đói, Ngọc Sơn quyết tâm thi vào mấy Đoàn ca nhạc để đi hát kiếm tiền. Đậu thì đậu nhưng thời gian học kín mít, anh làm gì có thời gian theo Đoàn để đi học, đi diễn, vậy là bỏ.
Rồi đời đưa đẩy, cho anh gặp được đạo diễn Phương “Sóc”, chủ nhiệm sân khấu quận 10. Nghe giọng Sơn, ông chịu liền nhưng nỗi e dè về người mới ngày một ngày hai không thể nào phá bỏ.
Suốt 6 tháng, vẫn chiếc xe đạp, vẫn một bộ đồ ấy, Ngọc Sơn đạp xe đến sân khấu để chờ “ca lót” nhưng chờ hoài, chẳng thấy người ta gọi tới tên. Bữa này qua bữa khác, nhìn khán giả kéo nhau ra về, lòng anh buồn rười rượi.
Nhưng trời vốn dĩ không phụ lòng người, bữa nọ ca sĩ “vơ-đét” không về kịp, thế là anh được lên. Ngọc Sơn hát xong, khán giả la ó quá chừng, bầu sô cứ ngỡ anh bị phản đối, sau mới biết người ta hét vì thương Sơn thiệt.
Khán giả mến Ngọc Sơn ở chất giọng và yêu anh ở cái tình. Bài hát nào anh viết ra cũng chất chứa rất nhiều tình cảm, mỗi lần Sơn bước lên sân khấu là ở dưới lại có người rớt nước mắt. Những người từng tiếp xúc với anh rồi, ai cũng nói Ngọc Sơn sống tình cảm lắm.
Ấy vậy mà cuộc đời người nghệ sĩ ấy lại đầy rẫy những ồn ào. Câu chuyện về bữa tiệc trụy lạc của Piere Tân đến giờ nhiều người vẫn nhắc và không ít trong số đó tin rằng anh từng ngồi tù vì chuyện này.
Ngọc Sơn cũng nhiều lần giải thích rằng, anh chỉ tới để tặng cây đàn cho chủ nhân buổi tiệc, người chịu trách nhiệm trang trí nội thất cho ngôi nhà của anh thời điểm đó. Song, chuyện người tin người không chẳng quản được.
Sau ồn ào đó, Ngọc Sơn đi tù, 8 tháng 13 ngày vì tội hát những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 chưa được phép biểu diễn.
Nghe Sơn kể, những ngày đầu, anh mang đúng cái ngông của người nổi tiếng vào phía sau song sắt. Không chịu cảnh bị “ma cũ” bắt nạt nên anh đánh nhau suốt, chuyện chuyển phòng giam diễn ra như cơm bữa.
Sau những ồn ào, đối mặt với bức tường lạnh lẽo, Ngọc Sơn cảm thấy sợ hãi. Từ một ca sĩ nổi tiếng, sống với ánh đèn sân khấu và những tràng pháo tay của khán giả, anh phải chuyển sang một không gian u tối, cảm giác đó dù cố gắng, cả đời này anh cũng chẳng thể nào quên được.
Rồi Sơn lao vào học ngoại ngữ, sáng tác như điên. Anh trân trọng từng giờ, từng phút với hy vọng vào một ngày quay trở lại.
Mất đúng ba năm, khi ai cũng ngỡ cái tên Ngọc Sơn vậy là “chết” thì anh lại bước lên sân khấu. Lần đó, vừa bước ra, anh đã sụp xuống, khóc lóc nức nở.
Những giọt nước mắt khi ấy là thật, là rút ruột, là toàn bộ tâm can, Ngọc Sơn bảo vậy. Còn những lần sau anh nói chỉ khóc theo thói quen, khóc... cho vui.
Chẳng biết Sơn có vui thật không chứ khán giả xung quanh anh hoang mang lắm. Cuộc sống đối với anh như bàn cờ không có quy luật, ai trót rơi vào đó cũng quay cuồng, nghiêng ngả.
Nay công chúng thấy anh lộ hình ảnh nhạy cảm, mai lại thấy Sơn kêu còn trinh tiết đời trai.
Nay thấy Sơn đi sớm về khuya, nhậu nhẹt tới bến, mai lại thấy anh giam mình trong phòng như đứa trẻ ngoan.
Nay thấy Sơn hời hợt, cợt nhã, mai lại thấy anh sâu sắc đến khó lường.
Câu chuyện về cái chết và những lời tạ từ rùng rợn cũng được anh viết ra không chút ngại ngần.
8 lời chân tình của Ngọc Sơn học theo 14 điều răn của Phật được anh khắc lên tấm bia, đính ở trước nhà trang trọng là vậy mà có hôm nghe anh ráo hoảnh: “Tôi nói người ta làm thôi, tôi đâu có làm”. Cứ như đùa!
Ngọc Sơn là vậy. Lời anh nói, chẳng biết lúc nào là thật, chẳng biết lúc nào là đùa. Nhưng bù lại, âm nhạc của anh là thật, thành công của anh là thật.