2007. Tại Việt Nam khi ấy, nghe nói các cuộc thi hoa hậu bùng nổ, thu hút rất nhiều bạn gái cùng thế hệ 87 với tôi và các lứa tuổi xung quanh tham dự. Trong khi ở Thụy Sĩ, danh sách các môn học ngoại khóa suốt mấy năm học đại học, tôi thường bỏ qua rất nhanh những môn khiêu vũ, ballet, thậm chí Yoga... để đến với những môn như Kick-Boxing, bắn tên hay bắn súng. Vào Đại học Geneva năm thứ ba, tôi đăng ký và thi trúng tuyển làm “Chủ tịch” Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC), trong tổ chức Mô hình Liên Hợp Quốc của Geneva (GIMUN). MUN rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở Geneva và New York thì được diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc trong thời gian một tuần với các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đến tháng 3 năm 2007, cô đồng nghiệp của bố mẹ làm Phó Đại sứ tại Sứ quán Việt Nam tại Anh gửi email chia sẻ là ở London sắp tổ chức thi Hoa hậu người Việt trong khu vực UK-Trung Âu và gia đình nên đăng ký cho tôi đi thi. Tình cờ là đầu năm tôi có hẹn với cô bạn thân chơi từ hồi lớp chín sẽ sang London thăm nên nhận đại việc tham gia thi, dù không biết mình phải làm gì. Tôi tự nhủ mấy năm vừa rồi thi thố Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp quá nhiều nên chắc thêm cuộc nữa cũng “chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới”.
Thế là tôi đi thi.
Cuối cùng lịch thi bận quá, tôi chẳng được gặp cô bạn thân luôn. Bố trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII nên về Hà Nội họp, mẹ đi cùng tôi. Năm đó, ban tổ chức sắp xếp cho hai mẹ con ở tại nhà của một thí sinh khác. Các bạn thí sinh đều có thái độ như tôi nên chúng tôi kết bạn rất nhanh, không có chút đố kỵ, thậm chí còn khuyến khích, động viên bạn mình làm tốt hơn để đạt được điểm cao. Tuy nhiên, như các cuộc thi khác, điểm số dường như được định ngay từ vòng đăng ký đầu vì số điểm cơ bản lấy từ kết quả nhân trắc học - chiều cao phải từ 1,65 mét mới được cộng điểm, số đo ba vòng, thậm chí cả độ dài chân so với độ dài lưng, sự cân đối của mặt... Những điều đó mãi tới sau này, khi trở thành giám khảo một cuộc thi sắc đẹp thì tôi mới biết.
Hồi ấy, sau một tuần tập đi, đứng, trả lời ứng xử, giao tiếp bình thường bằng tiếng Anh là chính vì nhiều thí sinh không nói được tiếng Việt, chụp ảnh, quay phim, gặp gỡ nhà tài trợ thì cuối cùng cũng đến ngày chung kết. Đêm thi có nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam sang. Khán phòng hội tụ rất đông người Việt từ tứ xứ đến xem ca nhạc và ủng hộ các thí sinh mình ưa thích. Ban tổ chức đã thuê một sân khấu nhỏ trong O2 Arena - trung tâm tổ chức sự kiện lớn nhất London.
Đêm diễn kéo dài vì nhiều lý do và sau sáu tiếng ròng rã, tưởng chừng không bao giờ hết thì đã đến phần thi cuối cùng - vòng ứng xử. Tôi nhớ không nhầm thì câu hỏi của tôi là câu hỏi rất kinh điển trong lịch sử các cuộc thi hoa hậu: “Nếu có ba điều ước, em sẽ ước những gì?”. Lúc đó, tôi chợt nhớ ra một cuộc trò chuyện từng có với bố về trả lời phỏng vấn của nhà ngoại giao, trong đó bố có nói cách đặt thứ tự ưu tiên: Quốc gia, Xã hội, Gia đình, Cá nhân. Tôi đã trả lời: “Mong muốn không còn các cuộc chiến trên thế giới để các quốc gia được phồn vinh trong hòa bình, mong muốn xã hội phát triển để con người được ấm no, hạnh phúc và mong muốn gia đình luôn mạnh khỏe...”. Đại ý là như vậy nhưng tôi nghĩ với vốn tiếng Việt hồi đó thì không tránh khỏi va vấp do ở nước ngoài lâu. Thế là tôi được danh hiệu Á hậu 1 và hai mẹ con vui vẻ quay về Thụy Sĩ.
Sau đó không lâu, mẹ nhận được cuộc gọi và email từ ban tổ chức một cuộc thi tên là “Hoa hậu Thế giới Người Việt” muốn mời tôi tham gia tại Nha Trang vào tháng 9. Mẹ lên kế hoạch cho “chiến dịch” kéo dài bốn tháng để thuyết phục cả nhà và tôi đi thi. Với cá nhân tôi, mặc dù cũng đã vui vẻ kết bạn và làm theo những gì người khác nói nhưng một lần trải nghiệm là quá đủ. Tôi cần tập trung học nốt hai năm cuối đại học trước khi xin việc trong Liên hợp quốc và bắt đầu con đường đi cứu thế giới...
Trải qua những trắc trở nhất định, mẹ đã thuyết phục được cả hai gia đình nội - ngoại, bạn bè thân thiết và cuối cùng mới đưa ra “lá bài” chính: “Con về Việt Nam đi thi và về thăm bà ngoại nhé!”. Tôi đặc biệt yêu quý bà ngoại vì hồi bé sống ở nhà ông bà các ngày trong tuần, khi bố mẹ đi làm ở Bộ Ngoại giao. Bà cũng là một trong hai người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong đời tôi.
Tôi quyết định trở về Việt Nam tham gia cuộc thi.
Để thuyết phục tôi đổ tâm, đổ sức, bố đã thu xếp để tôi gặp một người chú cũng có khiếu thuyết phục vô cùng. Ở cạnh những người tài giỏi như vậy thì sao có thể từ chối được! Chú ấy nói tôi đây là cuộc thi hay, có ý nghĩa văn hóa, kết nối cộng đồng, ban tổ chức đều là những đơn vị uy tín. Nhưng điều quan trọng nhất hôm đó chú nói với tôi là: “Cháu đã không làm thì không nói làm gì, nhưng giờ có tên cháu trong danh sách thì phải cố gắng hết mình, đừng để sau này có cơ hội đặt ra câu ‘giá mà hồi đó cố gắng hơn’!”. Lời khuyên đơn giản nhưng đúng lúc, đúng nơi sẽ làm nên chuyện.
Tôi bước vào cuộc thi với tinh thần cố gắng nhưng vô cùng thoải mái. Cuộc thi năm đó cũng chỉ có vài thí sinh chuyên nghiệp, còn lại đều là các bạn mới rời ghế nhà trường, là sinh viên những năm đầu, người gốc Việt từ nước ngoài về hoặc lần đầu tiên tiếp cận với cuộc thi sắc đẹp nên vô cùng ngây thơ và vô tư. Tôi cũng rất may mắn vì gặp được nhiều người thực sự muốn giúp đỡ mình. Từ êkíp quay phim cho đến các anh chị phóng viên và những con người thầm lặng của báo Tiền Phong đã bao nhiêu năm gắn bó với các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam... Tôi nhớ có buổi ngồi nói chuyện rất lâu với một nhà báo giàu kinh nghiệm về các cuộc thi tương tự, để chia sẻ với anh cảm nhận của tôi về các thí sinh khác, những người bạn tôi mới quen. Anh đã ngồi với tôi gần hai tiếng đồng hồ, kiên nhẫn nghe, dù tôi nghĩ nội dung đó cũng chẳng đủ hấp dẫn hay quan trọng để lên mặt báo. Tôi cho mỗi cuộc chia sẻ với các anh chị phóng viên là cơ hội để rèn giũa lại tiếng Việt vì tôi đã không có cơ hội trưởng thành và hình thành suy nghĩ trong chính ngôn ngữ mẹ đẻ.
Ngô Phương Lan hát tiếng Anh cùng Nathan Lee |
Trong mười ngày thi đấu, ngày nào tôi và các bạn cũng thức dậy từ trước khi mặt trời mọc để chuẩn bị trang điểm, trang phục, tập và đứng sẵn tư thế bắt ánh nắng đầu tiên trên phim và hình. Quay xong, chúng tôi về ăn ba bữa buffet và luyện tập hoặc sinh hoạt cùng nhau đến nửa đêm thì về phòng. Tất cả cô gái năm ấy đã lặp lại lịch trình này đến ngày cuối cùng, khi tưởng chừng sức trẻ không còn đủ để tiếp tục nữa thì tới đêm chung kết. Sáng tập từ sớm cho đến trưa rồi mỗi người về chuẩn bị cho riêng mình, từ trang điểm đến trang phục. Các thí sinh ở nước ngoài được ban tổ chức hỗ trợ hoàn toàn, các thí sinh ở Việt Nam thì có người quen đến hỗ trợ trang điểm... Tôi được chị Thu Hường từ Hà Nội vào để đồng hành trong từng vòng thi và cũng được chuẩn bị trang phục khá cơ bản từ những nhà thiết kế nổi tiếng như Ngân An, Tiến Lộc, La Hằng. Đêm chung kết, tôi có một bất ngờ tuyệt vời khi đích thân bác Ngân An và chị Anh Thư thiết kế tặng bộ áo dài nhung đen pha màu xanh của cây tre, có ẩn một chữ bí mật trên tà áo để chúc tôi may mắn. Đây cũng là trang phục mà tôi mặc khi vào Top 5 thi ứng xử, với sự chứng kiến của hơn 5.000 người xem trực tiếp và cả những người theo dõi qua màn ảnh nhỏ.
Sau các màn thi áo tắm, váy dạ hội, tôi đã cảm thấy quá mệt mỏi, người như bão hòa và buồn ngủ. Tôi cũng chẳng thấy hồi hộp nữa khi được xướng tên vào Top 10 rồi Top 5 để trả lời ứng xử, chỉ biết phải cố nốt rồi về đi ngủ. Cuối cùng đến lượt tôi bước lên cây micro để trả lời câu hỏi. Sau này, mọi người kể lúc đó cứ như cả gia đình, bạn bè thân thiết xem trực tiếp hay qua tivi còn nín thở, căng thẳng hơn tôi rất nhiều. Dù đang run như cầy sấy, tôi vẫn phải tươi cười và tỏ ra tự tin để hoàn thành nốt thử thách cuối cùng. Tôi đã trả lời theo quán tính, tổng hợp lại tất cả những gì hay ho đã được nghe trong thời gian qua từ bố mẹ, các bác, các anh chị, kết hợp với những giá trị về cuộc sống mà mình vẫn luôn tin vào. Tôi không có trí nhớ tốt nhưng luôn nghĩ nền giáo dục châu Âu trong ngành kinh tế, chính trị, xã hội đã giúp tôi rất nhiều trong kỹ năng tổng hợp và diễn đạt. Trả lời xong, tôi thở phào nhẹ nhõm bước vào sau cánh gà, tự hào là đã làm xong nhiệm vụ, tốt nhất trong khả năng của mình như lời người chú đã khuyên.
Khoảnh khắc công bố kết quả, lần lượt Á hậu 2 rồi Á hậu 1. Trong Top 5 chỉ còn ba người. Sau giây phút căng thẳng và hồi hộp, MC công bố vương miện thuộc về... tôi.
Ở tuổi 20, tôi trở thành Hoa hậu.
Mặc chiếc áo dài truyền thống trên sân khấu, tôi được choàng thêm chiếc áo và cầm quyền trượng, lấy ý tưởng từ hình ảnh Nam Phương hoàng hậu. Cảm xúc lúc đó đúng là chỉ có thể gói gọn trong một câu: “Tỉnh cả ngủ!”.
Hồi bé, tôi đã muốn làm nhà khoa học để được đi khám phá vũ trụ do xem Star Wars quá nhiều, khi lớn hơn thì muốn làm ngoại giao giống bố mẹ... Nhưng vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 đã mở không những nhiều cánh cửa mà còn đưa trái tim tôi đến với những cơ hội mà trước đó chỉ nghĩ là giấc mơ, đến với những con người và những mảnh đất tôi mong muốn gắn bó lâu dài.
Tôi vẫn nhớ từng người, từng cuộc giao tiếp và câu chuyện mà tôi đã chia sẻ với những người luôn giúp đỡ, động viên mình không có lợi ích riêng gì. Chính vì họ mà tôi đã vượt các thử thách để chạm được đến sự thành công năm đó. Và quan trọng hơn, cô gái sinh năm 1987 này đã đúc kết được những hiểu biết về giá trị xã hội mà không tiết học Sử nào có thể dạy được tốt hơn...
Phần 1, còn tiếp...
(Trích tự truyện 1987, nhiều tác giả - VnExpress.net)