Nghệ sĩ Tiết Cương sinh năm 1973, anh được khán giả biết đến qua các vai diễn trong những bộ phim truyền hình đình đám như: Hướng nghiệp, Mùi ngò gai, Vật chứng mong manh,... Ngoài ra, anh cũng là nam MC quen mặt trên nhiều chương trình truyền hình giai đoạn đầu những năm 2000.
Ở tuổi U50, nghệ sĩ Tiết Cương vẫn "độc thân vui tính". Mới đây, nam nghệ sĩ có những chia sẻ với SAOstar về cuộc sống trong mùa dịch thời gian qua.
"Thật sự tôi rất cảm phục và thương Việt Hương"
- Xin chào anh Tiết Cương! Anh có thể chia sẻ ngắn gọn về hành trình thiện nguyện suốt thời gian qua được không?
Thời gian qua, tôi cùng MC Cát Tường làm thiện nguyện. Cát Tường lo gạo, rau củ quả. Chúng tôi đi tận nơi đến những vùng dịch, vô từng khu phố, ngõ hẻm để trao tận tay cho bà con. Tới nơi thấy bà con tội nghiệp lắm. Chủ yếu là cho ở những phòng trọ ở vùng ven.
- Trong quá trình đi trao quà, anh có gặp hoàn cảnh nào đặc biệt khiến mình xúc động không?
Có nhiều hoàn cảnh tội nghiệp lắm: mẹ đơn thân phải nuôi 2 đứa con nhỏ, có những gia đình đi cách ly cả, không làm gì ra tiền phải nhờ mạnh thường quân cho lương thực.
- Được biết, anh và nghệ sĩ Việt Hương cũng khá thân thiết. Vậy anh có nhận xét gì về công việc thiện nguyện của nghệ sĩ Việt Hương trong suốt những tháng qua?
Công việc làm thiện nguyện của tôi là một phần nhỏ thôi. Còn Việt Hương rất phi thường, không phải ai cũng làm được. Làm suốt hơn 2 tháng trời, phát đủ thứ từ bữa ăn cho bác sĩ, ô-xy cho người bệnh, người nghèo thì cho lương thực, người đã mất thì Việt Hương lo mai táng 0 đồng.
Thật sự tôi rất cảm phục và thương Việt Hương. Vì Hương bất chấp nguy hiểm để làm, đến những vùng đỏ, vùng cách ly, rất dễ nhiễm bệnh. Mà làm cực lắm không phải đơn giản, nói làm là làm. Phải thống kê, nhận đồ, cộng sổ,... chứ không phải nói làm là sáng đi chiều về đâu.
"Chuyện nhiễm bệnh nói sợ ai cũng sợ, nếu sợ tôi và Việt Hương, Cát Tường không ra đường làm gì"
- Khi đi làm thiện nguyện trong mùa dịch là đối mặt với rủi ro cao về sức khỏe. Ví dụ như ca sĩ Phi Nhung nhiễm Covid-19 trong quá trình làm từ thiện. Cùng làm công việc này, cảm xúc của anh có sợ và hoang mang không?
Tôi nghĩ đơn giản thiện nguyện là giúp cho đời. Mình là nghệ sĩ mình có sứ mệnh. Vì mình được hưởng ơn của Tổ nghiệp, có được ngày hôm nay là nhờ khán giả. Giữa lúc người dân, khán giả người ta cần thì mình giúp. Còn chuyện nhiễm bệnh nói sợ ai cũng sợ. Nhưng mình phải có cách tự bảo vệ mình. Hơn nữa, mình chấp nhận đi rồi phải chịu hậu quả.
Nếu đặt trường hợp mình nhiễm bệnh cũng phải cố gắng chống chọi lại. Nếu mà sợ thì tôi và Cát Tường, Việt Hương không đi ra đường làm gì? Tâm lý lo là có, nhưng không sợ, vẫn phải đi làm thôi.
- Trong quá trình làm thiện nguyện của nghệ sĩ Việt Hương, bên cạnh sự ủng hộ cũng có không ít ý kiến gièm pha. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ mình phải chấp nhận thôi. Trong cuộc sống mình đâu thể nào "làm dâu trăm họ", làm vừa lòng tất cả mọi người. Con người đâu ai hoàn thiện, thành ra trong lúc mình làm có những sai sót không vừa lòng khán giả, họ có quyền ý kiến và mình chấp nhận.
- Anh và nghệ sĩ Cát Tường có rơi vào tình huống giống chị Việt Hương không? Và anh xử lý như thế nào?
Nói chung họ cũng có nói theo ý của họ, họ không nói cái này họ nói cái khác. Giống như mình đi làm từ thiện đăng Facebook để đánh bóng tên tuổi, thôi cũng chịu chứ giờ làm sao.
Trên trang cá nhân của tôi thì tôi không trả lời. Còn Cát Tường trả lời. Tại vì chị ấy tính rất nóng và thẳng. Ai bình luận không văn hóa hay mất lịch sự, Cát Tường sẽ trả lời lại. Còn tôi thì "dĩ hòa vi quý". Tôi nghĩ mọi người ai cũng có quyền nói, miễn mình sống tốt là được rồi.
"Vấn đề sao kê từ thiện ầm ĩ coi như một bài học cho nghệ sĩ sau này làm chuyên nghiệp hơn"
- Từ khóa "sao kê từ thiện" rất "hot" trong thời gian gần đây, anh có nghĩ nghệ sĩ làm thiện nguyện có nhiệm vụ phải sao kê hay không?
Theo tôi nghĩ, nghệ sĩ mình trước giờ làm thiện nguyện theo bản năng. Thí dụ thấy có dịch bệnh, có lũ lụt đứng dậy kêu gọi giúp. Cái làm việc kiểu bộc phát đó, tôi nghĩ với thời đại bây giờ không hợp thời nữa. Sắp tới nếu có làm từ thiện nữa, thì nghệ sĩ cũng phải cân nhắc làm theo cách: 1 là bỏ tiền túi thì không cần phải quan tâm dư luận, 2 là khi đã đứng ra kêu gọi là phải làm chuyên nghiệp. Vì mình làm chuyên nghiệp ngay từ đầu sẽ không sợ bất cứ thứ gì.
Thí dụ sẽ có những tài khoản, những người như kế toán, công ty đứng ra kiểm chứng những đồng tiền ra, vô minh bạch những con số. Lúc đó mình sẽ làm rất thoải mái và quang minh chánh đại. Vấn đề sao kê ầm ĩ coi như là một bài học cho mình làm chuyên nghiệp hơn. Theo tôi nghĩ, dính đến tiền bạc phải rõ ràng minh bạch.
"Tiền làm YouTube không có bao nhiêu, chủ yếu để thỏa đam mê"
- Được biết, anh cũng chuyển hướng sang làm YouTube, công việc của anh có suôn sẻ không?
Hiện giờ không được ra đường, tôi ở nhà làm vlog kiểu ngồi nhà tâm sự khán giả, "cà khịa" Cát Tường cho vui, làm những vlog về thông tin về xe cộ cho khán giả. Tôi làm những thông tin, thông số kỹ thuật cho khán giả về các loại xe.
Khi hết giãn cách, tôi có kế hoạch đi quay lại từ đầu. Lúc đó tôi sẽ có những clip đàng hoàng chứ không ngồi nhà "cà khịa" nữa.
- Theo như anh từng chia sẻ, lợi nhuận từ làm YouTube anh cũng bỏ ra cho công việc thiện nguyện?
Thật ra tiền làm YouTube không bao nhiêu. Tôi làm chủ yếu thỏa đam mê, tiền đó không phải lấy làm từ thiện mà tôi dùng để chi phí vô những công việc làm thiện nguyện lặt vặt. Ví dụ như mình đi làm mình cũng phải tự túc ăn uống, tàu xe, xăng cộ... và bằng tiền túi mình hết, chứ không kêu gọi ai giúp đỡ. Tôi và Cát Tường làm bằng tiền túi và tự tâm của mình thôi.
- Khi anh chuyển sang làm YouTube cũng nhận về ý kiến trái chiều, có người cho là "hết thời". Anh nghĩ sao?
Bình luận đó thì cũng có nhiều. Nhưng tôi nghĩ đơn giản giờ mình làm YouTube hay gì đó, miễn mình vẫn làm nghệ thuật là được, để mình phục vụ khán giả. Hồi xưa mình tiếp cận khán giả bằng truyền hình, sân khấu thì bây giờ những loại hình đó hạn chế, thì mình phải tiếp cận theo cách của mình. Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, ai cũng cầm điện thoại để xem thì YouTube là cách tiếp cận với khán giả nhanh nhất.
Người ta có thể tiếp xúc bằng Facebook, TikTok hoặc Instagram, còn tôi lựa chọn YouTube vì nó có thời lượng dài. Có thể mình truyền đạt vấn đề mình thích nhiều hơn. Ở đó mình có thể đăng được nhiều thời gian hơn và truyền đạt vấn đề thoải mái đến khán giả. Tôi làm vì khán giả và đam mê. Kênh của tôi có cung cấp kiến thức, thông số kỹ thuật chứ không phải giải trí đơn thuần.
Như vậy mình sẽ đi được đường dài, còn mình mở kênh mà không xác định được đề tài mà chỉ nghiêng về giải trí, vui nhộn thì đến một lúc nào đó mình hết câu chuyện để nói. Khi đó kênh mình sẽ tụt, còn cái làm YouTube này nhiều người không biết tưởng đơn giản. Nhưng khi làm rồi mới biết cực kỳ khó. Để lấy được người xem đã khó, và giữ được khán giả xem kênh mình càng khó hơn.
- Kế hoạch sau dịch của anh là gì?
- Tôi đang đóng phim thì bị ngưng lại giữa chừng. Còn sân khấu mỗi năm tôi chỉ dựng một vở thôi. Năm vừa rồi tôi có dựng một vở, bán vé rồi mà ngưng diễn vì dịch. Trước mắt qua dịch tôi vẫn tiếp tục làm thiện nguyện vì thiện nguyện mình phải làm lâu dài. Qua dịch bà con còn rất là khổ, chứ đâu phải hết dịch là bà con sướng liền đâu.
Theo Quốc Sĩ (Saostar.vn)