Nghệ sĩ Minh Nhí: 'Ba mất, tôi vẫn phải diễn hài mua vui...'

08/02/2022 07:45:10

Show sau ở rạp Trống Đồng, tôi mượn điện thoại bàn gọi về nhà thì biết chính xác là ba đã mất! Vừa gác máy, tôi nghe MC giới thiệu: Sau đây là tiết mục của nhóm hài Minh Nhí - Hữu Châu... Và tôi đã ra diễn, một cách vui vẻ.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em. Ba tôi làm tài xế xe tải, mẹ buôn bán ở chợ.

Gia đình tôi "phân công lao động" rõ ràng. Tám đứa tụi tôi mỗi người một việc như nấu cơm, giặt giũ… Một chị phụ mẹ buôn bán còn thằng út theo ba làm lơ xe. Riêng tôi chỉ lau nhà và mỗi ngày thắp hương bàn thờ gia tiên 2 lần sáng - chiều.

Trong nhà, ba tôi chủ yếu dạy các con, má tôi hay la, hay chiều chứ ít dạy. Ngày xưa, ai phạm lỗi mà bị ba “mời” lên lầu là mệt lắm đó! Ba không đánh tụi tôi, chỉ nói nhẹ nhàng nhưng mỗi lần dạy đến 1 – 2 tiếng. Tôi hay ngủ gật khi ba nói.

Vậy chớ ba dạy gì, tôi tới già vẫn còn nhớ. Những câu ba nói như Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết hay; Có đức mặc sức mà ăn; Chỉ ba má là người con không thể tìm lại;... mỗi lần tôi nghiệm lại đều thấy đúng.

Nghệ sĩ Minh Nhí: 'Ba mất, tôi vẫn phải diễn hài mua vui...'
Danh hài Minh Nhí.

Kể cũng lạ, ba tôi làm tài xế, má tôi bán trái cây, sống ở quê nhưng không cục tính, không đánh con bao giờ.

Mỗi lần nhắc đến ba, tôi lại muốn khóc. Hồi tôi lên lớp 6, có lần chị Hai nấu chè, 8 anh chị em ăn sạch. Đến tối, ba lái xe về, biết tụi tôi nấu chè ăn hết không để lại cho ba má thì buồn. Ba ra ghế bố ngoài sân ngồi hút thuốc. Tôi lật đật ra hỏi, ba nói: Ba má đâu cần ăn nhưng mấy đứa ăn gì phải chừa cho ba má. Bây giờ, ba má còn sống thì không cho ăn, mai mốt ba má chết, mấy đứa có để bàn thờ ba má cũng đâu ăn được. Tôi khóc nức nở, hiểu ra không phải ba má muốn ăn chè mà đó là lễ nghĩa, đạo làm con.

Phải mà thời gian cứ trôi qua êm đềm như vậy. Má tôi đang khỏe thì bị tai biến, nằm liệt giường mười mấy năm. Ba và các chị cáng đáng phần má, lo cho tôi ăn học. Nhà tôi trầm lắng kể từ đó.

Ai cũng nghĩ chắc má đi trước ba, không ngờ ba đi trước!

Năm 33 tuổi, tôi gom tiền mua được căn nhà nhỏ, trang hoàng sơn phết cẩn thận. Tôi mơ mộng cái nhà bé xíu đó là chỗ ba có thể ghé nghỉ chân 1 - 2 ngày mỗi khi lên Sài Gòn. Tại hồi trước, tôi ở thuê với Cát Phượng, Lý Hải, Hữu Bình. Căn phòng nhỏ xíu, ba tôi chỉ lên thăm rồi về ngay chứ không có chỗ nghỉ lại. Tôi đứng nhìn theo dáng ba dần đi khỏi con hẻm dài mà chua xót, tự dặn lòng phải sớm mua nhà. Nhưng chính trong mấy hôm sơn phết nhà mới, tôi nghe tin dữ.

Tối đó, tôi đi diễn cùng anh Hữu Châu. Hồi đó, nhóm tụi tôi đang ăn khách, diễn 10 – 15 show/đêm là bình thường. Tôi nhận tin nhắn từ chiếc máy phonelink: Ba mat roi, em ve gap. Tôi tưởng ai đùa ác vì chúng tôi vẫn hay chọc nhau “Phước Sang chết rồi, Nhật Cường chết rồi”. Tôi làu bàu chửi: Ai đùa mà mất dạy thì lại tiếp tục một tin nhắn đến như vậy. Show sau ở rạp Trống Đồng, tôi mượn điện thoại bàn gọi về nhà thì biết chính xác là ba đã mất!

Vừa gác máy, tôi nghe MC giới thiệu: Không để quý khán giả chờ lâu, sau đây là tiết mục của nhóm hài Minh Nhí - Hữu Châu... Và tôi đã ra diễn, một cách vui vẻ.

Sau vài show, tôi ra nói với anh Châu: Em diễn hết nổi rồi. Anh Châu định chia tiền cát-sê, tôi nói để tính sau rồi lên xe với anh Năm.

Nghệ sĩ Minh Nhí: 'Ba mất, tôi vẫn phải diễn hài mua vui...' - 1
Khi làm cha, làm thầy, Minh Nhí lại đem điều ba dạy truyền lại cho con, cháu và học trò. Ảnh: Minh Nhí (thứ hai từ trái qua) và Việt Hương (thứ nhất từ trái qua) thời trẻ.

Suốt đoạn đường về Sa Đéc, chuyến xe không một tiếng động, thỉnh thoảng là tiếng sụt sịt của hai người con trai vừa mất ba.

Ba mất, tụi tôi không dám cho má hay, phải đưa má sang nhà hàng xóm chơi vài ngày. Sau khi chôn cất ba, tụi tôi đưa má về nhà. Má bị liệt, không nói được nhưng cứ nhìn dáo dác tìm ba. Hình ảnh đó tôi nhớ hoài, nhớ mãi trong đời…

Ba năm sau, tôi mua nhà mới lớn hơn thì má mất. Má đi sau mười mấy năm nằm liệt giường vì tai biến.

Sau đó, tôi mua nhà lần 3 và ở đó tới giờ. May sao, cái hạn năm xưa không lặp lại với tôi lần nữa!

Hồi xưa, ba dạy tôi làm sao thì giờ tôi dạy con, dạy cháu với học trò giống như vậy. Lứa học trò từ Việt Hương, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Tiết Cương,.. đến tụi nhỏ ở Sân khấu kịch Minh Nhí bây giờ đều "thấm nhuần" lời ông Minh dạy hồi xưa. Tôi từng nói học trò hãy ứng xử vừa phải với mọi người, kể cả thầy Minh. Tức là bạn thân quý ai đến mấy cũng đừng cho đi hết, hãy giữ lại ít hoặc nhiều. Lỡ có chuyện gì, bạn sẽ đỡ sốc. Có lần, Việt Hương nhắc lại và vẫn áp dụng “thuyết tương đối” mà ba tôi truyền lại đến nay.

Những lúc như vậy, tôi lại nhận ra mình đã “nhiễm” ba nhiều lắm!

 

Theo PV (VietNamNet)

 

Nổi bật