Minh Tuyết và những giọt nước mắt trên đất Mỹ

07/04/2016 14:03:29

Lần đầu tiên, nữ ca sĩ hải ngoại trải lòng với độc giả Zing.vn về quá khứ vất vả và cô đơn trong những ngày đầu sang Mỹ lập nghiệp.

Lần đầu tiên, nữ ca sĩ hải ngoại trải lòng với độc giả Zing.vn về quá khứ vất vả và cô đơn trong những ngày đầu sang Mỹ lập nghiệp.

Cô khởi nghiệp từ sớm tại Việt Nam bằng việc lập đôi song ca với chị gái Cẩm Ly. Tuy nhiên vào năm 1997, nữ ca sĩ quyết định một mình sang Mỹ lập nghiệp và chỉ 3 năm sau đó, cô đã nhanh chóng gặt hái được những thành công nhất định.

Tuy nhiên để đến được cột mốc này là cả chặng đường của sự nỗ lực vượt qua nỗi cô đơn, trống vắng, những giọt nước mắt của người ra đi lẫn ở lại.

Trong dịp về Việt Nam lưu diễn hồi tháng 3, giọng ca Xin lỗi anh đã có cuộc trò chuyện độc quyền với Zing.vn về những ngày đầu trên đất Mỹ.

Minh Tuyết trong dịp về Việt Nam gần đây nhất vào giữa tháng 3. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

 
Một ngày con đi - một ngày mẹ khóc

Đã có lúc tôi gần như buông xuôi, đắn đo và suy nghĩ có nên trở về, nhưng lại tự trấn an bản thân: “Con đường mình đi là do mình chọn. Chắc chắn không bao giờ gục ngã"!

Tôi sang Mỹ năm 1997 sau nhiều đấu tranh tâm lý. Gia đình dù khuyên răn, can ngăn nhưng cũng để đấy. Và như thế, tôi cứ đi để lại nhiều nước mắt của bố mẹ, chị em và cả sự tiếc nuối của khán giả. Họ nghĩ rằng, nếu tôi ở lại, chắc chắn sẽ sớm thành công. Có lẽ bản tính dứt khoát, kiên quyết từ nhỏ nên tôi đã nói nhất định phải làm cho bằng được.

Không có người thân bên cạnh, hiển nhiên những ngày tháng đầu tiên trên xứ người của tôi bắt đầu bằng việc tá túc nhờ gia đình một người bạn thân từ thời học cấp 3 ở San Diego (Mỹ). Sau gần nửa năm, tôi chuyển lên California vừa đi học cũng như tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm ca nhạc. Dù biết khó khăn và thử thách đang chờ mình trước mắt, nhưng vì muốn tiện bề sinh hoạt cũng như có đôi chút ngại ngùng khi phải làm phiền gia đình người bạn quá lâu, tôi quyết định nói lời tạm biệt.

Cuộc sống “ra riêng” lúc này được gói gọn trong một căn phòng nhỏ, thuê chung với một người khác để có thể giảm bớt tiền nhà mỗi tháng. Thỉnh thoảng, tôi lại phải cuốn gói chuyển sang nơi khác. Lúc đó, tôi xác định dù từng sinh hoạt trong nước nhưng khi xuất ngoại, mình cũng chỉ là một người xa lạ nên mọi thứ gần như phải làm lại từ đầu.

" Tôi khóc nhiều vì nỗi sợ mang tên cô đơn và trống trải".  Ảnh:  Nguyễn Bá Ngọc
 
Tôi nhớ như in những áp lực, căng thẳng và mệt mỏi mà mình phải trải qua, ví như cảm giác của một đứa bé bỗng dưng bị đẩy xa vòng tay người thương. Không có người tâm sự nên tôi khóc nhiều vì nhớ mẹ, nhớ gia đình. Đặc biệt vào dịp Tết, bạn bè có người thân bên cạnh, được đi chơi còn tôi cứ lủi thủi một mình. Chiếc cửa sổ duy nhất nhìn ra ngoài, và đó cũng là nơi tôi khóc nhiều nhất vì nỗi sợ mang tên cô đơn và trống trải. Khi đó, những suy nghĩ được ở bên bố mẹ, chị em lại trỗi dậy.

Sợ mẹ biết hoàn cảnh sống của mình sẽ lo lắng, nên những lần trò chuyện hiếm hoi qua thư từ, tôi chỉ dám nói: “Con ổn, cuộc sống rất thoải mái”. Nhưng điều đó không giấu được mẹ. Như linh tính của một người sinh thành, bà lẳng lặng nhờ người quen dò hỏi thông tin về tôi cũng như nhờ họ giúp đỡ. 3 năm con gái đi, cũng ngần ấy thời gian mẹ tôi khóc hết nước mắt.

Thời điểm này, gia đình không khá giả nên tôi phải đi làm để lo tiền học, ăn ở chứ không dám xin bố mẹ. Nếu mở lời, chắc chắn họ phải vay tiền, nhưng tôi không thể làm điều đó. Tôi ra đi là con đường mình lựa chọn chứ không phải bị ép. Lần đầu kiếm được tiền, tôi gửi về 100 USD nhưng bố mẹ giữ mãi, không dám tiêu.

Nhưng cũng nhờ những thời khắc này, tôi mới dần thấm thía câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Có lúc tôi nản chí, nhất là thời điểm chương trình Làn sóng xanh xuất hiện. Nhìn thấy chị Cẩm Ly, anh Lam Trường, Phương Thanh – những người cùng thời được khán giả đón nhận nồng nhiệt, trong khi tôi vẫn chưa làm được gì. Tôi đắn đo rồi suy nghĩ có nên trở về, nhưng lại tự trấn an chính mình: “Con đường mình đi là do mình chọn”.

Không ra đi làm sao có ngày hôm nay?

Bước ngoặt đầu tiên của tôi là năm 1999, xuất phát từ nhiều duyên may và điều trùng hợp đến lạ kỳ.

Trong một lần đến tiệm băng đĩa ở California, tôi có duyên gặp gỡ chủ tiệm vốn là anh em họ hàng với anh Đạo - chủ trung tâm Tình. Đây cũng là lần đầu tôi được người khác nhận ra trên đất Mỹ bởi họ theo dõi quá trình hoạt động của trung tâm Kim Lợi tại Việt Nam mà tôi từng cộng tác. Sau lần đó, tôi đã nói chuyện với anh Đạo và chính thức ký hợp đồng.

Anh Đạo là một trong những người tôi mang ơn lớn nhất. Hiểu tôi khó khăn chưa làm ra tiền, anh thường xuyên ứng lương để chi trả các khoản sinh hoạt. Ngại phải mượn tiền bạn bè, có một lần đi ăn ở nhà hàng, tôi xin làm phục vụ ở quán nhưng anh Đạo không cho. Xin đi hát lót tại các chương trình cũng không không đồng ý.

Minh Tuyết trong những ngày đầu đi hát ở Mỹ. Ảnh: NVCC

 
Nhờ Phi Nhung giới thiệu với bầu show, tôi chính thức có show diễn đầu tiên. Lần đó, tôi nhận cát-xê 500 USD và 300 USD được tặng thêm vì hát hay. Dù với các ca sĩ khác con số này chả thấm vào đây, nhưng với tôi nó rất lớn và mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Một năm sau, tôi chính thức phát hành CD đầu tay Yêu nhau nhau ghét nhau. Album thành công ngoài mong đợi, lịch chạy showbắt đầu nhiều, tôi hầu như không có tuần nào nghỉ ngơi. Đương nhiên khi đẳng cấp chưa cao, cát-xê cũng ở mức vừa tầm, nhưng điều quan trọng nhất với tôi chính là được nhiều người biết đến, cuộc sống tốt hơn rất nhiều.

Năm 2003, trung tâm Tình bắt đầu ít hoạt động, tôi cũng hết hợp đồng nên xin bước chân vào trung tâm Thúy Nga. Kể từ đó, sự nghiệp của tôi ổn định và suôn sẻ cho đến hiện tại.

Đến tận hôm nay, tôi vẫn nhớ như in những gian khổ, vất vả ngày đó. Từng giai đoạn, cột mốc làm nên Minh Tuyết của ngày hôm nay gần như in sâu vào tâm trí, đôi khi nghĩ lại tôi vẫn không thể cầm được nước mắt. Nhưng nếu ngày đó tôi không ra đi, chưa chắc hôm nay có thể vững vàng đến vậy.

Tôi không có đỉnh cao

Ở vị trí này, nhiều người cho rằng tôi đang ở đỉnh cao của danh vọng. Nhưng bản thân lại chưa bao giờ tự hỏi: “Đâu là đỉnh cao của mình?”. Có thể, “đỉnh điểm” sẽ là kỳ vọng của một người khi họ vừa chập chững bước vào nghề, nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra “đỉnh” suy cho cùng cũng là tình yêu thương của khán giả mà thôi. Còn được công chúng chấp nhận nghĩa là họ vẫn còn đứng trên đỉnh cao.

16 năm theo nghề cũng là từng ngày tôi tự tập cho mình sự gan lì và mạnh mẽ. Trước đây, tôi từng buồn đến mức không ngủ được và stress nặng khi vấp phải những bình luận ác ý. Nhiều khán giả không thể hiểu được gánh nặng tâm lý của ca sĩ. Ca sĩ đẹp, họ chê hát dở, ngược lại, ca sĩ hát hay họ lại ý kiến về ngoại hình. "Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo", đó là chuyện không thể tránh khỏi khi bước chân vào giới showbiz.

Có lần, tôi được chị Thủy – giám đốc trung tâm Thúy Nga tâm sự: “Nếu em là cô A, B, C nào đó không ai biết đến, thì không ai nói đến. Còn nếu suốt ngày bị đem ra để phán xét, chứng tỏ em được quan tâm, em phải vui chứ”. Nghe xong câu đó, tôi nguôi đi phần nào và tập cho mình cách "bơ" những câu chửi nặng lời.

16 năm theo nghề cũng là từng ngày tôi tự tập cho mình sự gan lì và mạnh mẽ. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

 
Nghệ sĩ chúng tôi, có người đạp lên dư luận để sống, nhưng cũng có người không chịu nổi hay thậm chí phải tìm đến cái chết. Đây cũng là áp lực lớn nhất mỗi khi tôi về Việt Nam hát.
 
Bây giờ tôi còn bị chê không? Nhiều lắm chứ, mỗi ngày đều bị nhắc tên. Nhưng chị em tôi (Minh Tuyết là em gái ca sĩ Cẩm Ly, Hà Phương - PV) không thích thị phi, không thích người khác cường điệu về mình và cũng không muốn làm lớn chuyện nếu chẳng may dính tai tiếng không hay.
 
>> Minh Tuyết: Hà Phương giàu không có nghĩa tôi và Cẩm Ly cần dựa dẫm
 
Theo P.Giang (Zing.vn)
 
 

Nổi bật