Mới đây, tại chương trình Suy nghĩ của tôi, MC Cát Tường đã chia sẻ quan điểm mới mẻ của cô về những câu nói như "có trăng quên đèn", "ăn cháo đá bát", "vắt chanh bỏ vỏ", vốn thường được dùng để chỉ trích một người bội bạc, vô ơn.
Tôi luôn dạy con gái Nauy là phải sống sao để đừng ai chửi mình là đứa ăn cháo đá bát
Tôi là người có con cái nên tôi phải dạy cho con mình những điều tích cực. Ví dụ, tôi luôn dạy con gái Nauy là phải sống sao để đừng ai chửi mình là đứa ăn cháo đá bát hay có trăng quên đèn. Đó là kinh nghiệm ông bà ta đã đúc kết từ rất lâu rồi.
Tuy nhiên, trên thực tế lại khác. Bây giờ có đêm trăng sáng đẹp thì tại sao không bắc ghế ra ngồi cho thoáng mát, lại phải chui vào cái đèn dầu leo lét làm gì. Khi có trăng sáng hơn thì chẳng ai xài đèn dầu tùn mùn cả, đó là lẽ hiển nhiên.
Kể cả câu nói "vắt chanh bỏ vỏ", tôi cũng thấy đúng chứ đâu có sai mà đem câu đó ra đả kích, nói nặng với người khác. Vắt chanh xong còn cái vỏ thì phải bỏ đi chứ, không lẽ lại dùng luôn cả vỏ?
Vì vậy, tôi muốn suy nghĩ theo hướng tích cực hơn về những câu của ông cha này để dạy con cháu, chứ không phải lôi những câu nói ấy ra để chỉ trích người khác.
Ví dụ, ngày xưa tôi có giúp Tiết Cương quảng bá, làm nội dung kênh Youtube. Giờ kênh Youtube của Tiết Cương vượt kênh Youtube của tôi, tôi nhờ vả thì khó khăn. Không lẽ tôi lại đi nói Tiết Cương là đồ vắt chanh bỏ vỏ, có trăng quên đèn.
Thay vì như vậy, tôi phải tự cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để không bị lép vế trước Tiết Cương rồi sinh ra tự ái, tủi thân.
Tôi phải nghĩ thoáng ra chứ không thể vin vào đó để đổ cho Tiết Cương ăn cháo đá bát, rồi tự tủi thân
Chỉ có kẻ thua cuộc mới hay tự ái, mặc cảm, suy nghĩ lung tung rồi đổ cho người ta là ăn cháo đá bát, có trăng quên đèn, chứ chưa chắc người kia đã như thế.
Chẳng hạn, tôi nhờ Tiết Cương mà Tiết Cương bận thật nên mới từ chối thì sao. Tôi phải nghĩ thoáng ra chứ không thể vin vào đó để đổ cho Tiết Cương ăn cháo đá bát, rồi tự tủi thân.
Từ câu chuyện này, tôi nghĩ, chúng ta nên dạy con cháu mình những suy nghĩ tích cực hơn. Đừng bao giờ để mình bị rơi vào tình trạng yếu thế hơn người ta rồi sinh mặc cảm, tự ái.
Muốn vậy, tôi phải luôn rộng lượng, luôn là người giúp đỡ, ban ơn cho người khác. Tôi không muốn mình thua người khác. Tệ nhất tôi cũng là người tương tác, hỗ trợ cho người ta.
Tôi không muốn mình thua người ta, vì thế nên tôi phải phấn đấu. Miếng chanh vắt xong phải bỏ cái vỏ đi chứ, giữ lại làm gì? Tôi muốn người ta không bỏ tôi thì tôi không được là miếng chanh, phải là cây chanh lúc nào cũng nở hoa, kết trái, khiến không ai bỏ được, vặt trái này xong phải tưới tiếp để mọc ra trái khác.
Trong cuộc sống, tôi phải phấn đấu đi lên. Thấy sự thành đạt của người khác, tôi không được ganh tị, ghét bỏ, mặc cảm mà phải lấy đó làm động lực để mình phấn đấu cho bằng được người ta.
Kể cả khi tôi từng giúp người ta mà người ta thành công hơn tôi, tôi cũng phải rộng lượng, không được chỉ trích họ.
Theo Tùng Ninh (Pháp Luật & Bạn Đọc)