Trong bối cảnh phong trào tẩy chay các thương hiệu quốc tế lên cao tại Trung Quốc, Weibo của Lưu Diệc Phi hôm 26/3 chỉ có một dòng ngắn ngủi: "Lưu Diệc Phi không còn quan hệ hợp tác với Adidas". Tuy nhiên, ngoài dòng thông báo này, cô không có bất cứ thông điệp nào khác đưa ra, khiến người dân trong nước cảm thấy không thỏa lòng. Thêm vào đó, các hình ảnh quảng cáo của Lưu Diệc Phi với Adidas đăng trên trang cá nhân của cô hiện vẫn chưa bị xóa, càng gây ra đàm tiếu.
Trên Weibo, nhiều người chĩa mũi nhọn về phía Lưu Diệc Phi với những lời rất căng thẳng: "Tôi mong cô ta mau mau về Mỹ", "Tôi ghê tởm thái độ im ỉm của cô ta"... Một số khán giả tố cáo Lưu Diệc Phi có quốc tịch Mỹ, không phải quốc tịch Trung Quốc.
Một nguồn tin cho hay hợp đồng quảng cáo của Lưu Diệc Phi và Adidas chấm dứt vào 31/3.
Lưu Diệc Phi hiện là nghệ sĩ Trung Quốc hiếm hoi chưa có động thái rõ ràng, xung quanh việc bảo vệ bông Tân Cương. Trong khi đó, đa phần các nghệ sĩ có hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu quốc tế như Nike, Adidas, H&M... đều đã hủy hợp đồng và chấp nhận khoản bồi thường lớn, nhằm mục đích gìn giữ danh dự dân tộc. Sina đưa tin hiện tại hơn 50 nghệ sĩ, bao gồm Địch Lệ Nhiệt Ba, Angelababy, Dương Mịch, Dịch Dương Thiên Tỉ... đều đã cắt đứt hợp đồng với các hãng trên, đồng thời bày tỏ quan điểm trên Weibo: "Không cho bất cứ đối tượng nào xâm hại quyền lợi, danh dự Trung Quốc".
Lưu Diệc Phi không phải nghệ sĩ duy nhất bị chỉ trích vì chậm trễ phản ứng trong vụ bông Tân Cương. Ca sĩ Đài Loan Thái Y Lâm do không nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với Puma - đơn vị cô đã hợp tác 5 năm năm qua - cũng đã bị nhiều người réo tên trên mạng xã hội.
Sự việc "bông Tân Cương" khởi nguồn từ một phát ngôn của H&M năm 2020. Thời điểm đó, các nhà nghiên cứu và chính quyền phương Tây cáo buộc Trung Quốc ép người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số (chủ yếu là Hồi giáo) vào các trại lao động cưỡng bức để làm việc, cung cấp sản phẩm vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế. Sau cáo buộc này, nhiều tập đoàn như Nike, Uniqlo và Inditex (chủ sở hữu của Zara) đã đưa ra tuyên bố chống lại lao động cưỡng bức và khẳng định họ không lấy nguồn bông từ khu vực Tân Cương. Điều này vô tình chọc giận Bắc Kinh.
Giữa tháng 3 vừa rồi, Mỹ, Liên minh châu Âu và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp đối với các quan chức Trung Quốc mà họ cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức, các tổ chức châu Âu. Phát ngôn của H&M sau đó cũng bị lôi lại, gây ra sự sục sôi trong dư luận Trung Quốc.
HP (Nguoiduatin.vn)