Câu chuyện Phạm Lịch tố nam ca sĩ Phạm Anh Khoa gạ tình những ngày qua khiến dân tình xôn xao, dấy lên nhiều nghi vấn. Cô lên khắp các mặt báo để kể lại thời gian rơi vào khủng hoảng khi tham gia một gameshow cùng nam ca sĩ nhạc Rock.
Về phía ca sĩ Phạm Anh Khoa, anh cũng lên tiếng sẽ kiện ngược lại trước những lời tố cáo của Phạm Lịch đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và gia đình anh khiến lùm xùm kéo dài. Trước sự việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết:
“Những lời tố cáo từ Phạm Lịch về Phạm Anh Khoa như dùng lời lẽ tục tĩu, gợi mở vấn đề tình dục; khi cô đến nhà tập luyện chỉ quấn độc nhất chiếc khăn tắm; sờ đùi Phạm Lịch khi đang tập hát… đó được liệt vào những hành vi quấy rối tình dục, ve vãn, gợi mở vấn đề tình dục nhưng chưa thực hiện được. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh những hành vi đó, nó chỉ dừng lại ở mức độ đạo đức giữa người và người.
Những hành vi này nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền đề nghị tố cáo theo điều 5 Nghị định 167/2013 về vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt từ 100 - 300 nghìn đồng.
Bộ Luật Lao động 2012 có một số điều liên quan đến quấy rối tình dục bao gồm: Nghiêm cấm ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 8), Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 37).
Ở trường hợp của vũ công Phạm Lịch, pháp luật nói rõ công dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm. Cô có quyền tố cáo khi có đầy đủ bằng chứng tố giác đến các cơ quan chức năng và phải chịu trách nhiệm trước những điều mà mình tố cáo. Tránh trường hợp tố cáo nhằm các mục đích khác nhau như bêu rếu, nâng giá trị bản thân trên mạng xã hội hoặc xúc phạm nhân phẩm người khác.
Về phía nam ca sĩ Phạm Anh Khoa, anh lên tiếng sẽ khởi kiện ngược lại Phạm Lịch. Anh cho rằng nữ vũ công có những cáo buộc gian dối, mang tính suy diễn vô căn cứ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Về khoản này, luật sư Thơm cho biết: “Phạm Anh Khoa có quyền khởi kiện về mặt dân sự để lấy lại nhân phẩm. Yêu cầu bồi thường nhân phẩm, uy tín và Phạm Lịch phải xin lỗi anh trước mặt xã hội. Nếu đầy đủ bằng chứng thì Phạm Lịch sẽ bị xử lý hành chính”.
“Gạ tình” là thuật ngữ nghe nhiều trên báo chí, trên các diễn đàn và trong đời sống trong thời gian gần đây. Nó còn có một tên gọi khác là “quấy rối tình dục”, được hiểu là những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt giới tính, với ý đồ không lành mạnh.
Hiện nay, hành vi “gạ tình” hay tạm gọi là “quấy rối tình dục” trong các qui định pháp luật như Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật lao động 2012 hay các luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là “quấy rối tình dục”.
Hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam còn bị bỏ qua bởi chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ đánh giá cách giản đơn là hành vi thiếu văn hoá giữa người với người,… và tìm cách lảng tránh nó. Còn ở các nước phương Tây coi quấy rối tình dục là phân biệt đối xử và trái luật và bị coi là tội phạm. Chính vì chưa coi quấy rối tình dục là một hành vi phạm pháp, nên pháp luật Việt Nam chưa luật hóa và chưa chấp nhận các vụ kiện tụng liên quan đến quấy rối tình dục.
Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ LĐTB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 25/5/2015 cho rằng: “Quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm”. Ngoài ra, “quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục”.
“Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được như mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… Hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục”.
Như vậy, khi vũ công Phạm Lịch tố cáo Phạm Anh Khoa “quấy rối tình dục” cần có đầy đủ những bằng chứng cụ thể để pháp luật căn cứ vào các quy định ở các bộ luật mà xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.
Theo Huỳnh Như (Saostar.vn)