Lệ Quyên: Từng đi hát với cát xê 120 nghìn, biểu diễn 3, 4 show mới dám ăn nồi lẩu lòng

08/09/2023 07:49:12

Cát xê khởi điểm của Lệ Quyên khi đó là 60 nghìn rồi tăng dần tới 120 nghìn một tụ điểm- đây cũng là mức cát xê chung của ca sĩ Hà Nội lúc bấy giờ.

Rèn luyện giọng hát bằng đi hát phòng trà

Lệ Quyên tên thật là Vũ Lệ Quyên, sinh năm 1981, là con út trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha mẹ cô đều là những nghệ sĩ hát chèo nên ngay từ bé, Lệ Quyên đã biết hát chèo, bộc lộ rõ năng khiếu ca hát và được rèn dũa về nhịp điệu, cảm âm.

Năm lớp 7, gia đình Lệ Quyên gặp một biến cố về kinh tế nên cô phải theo mẹ lên Thái Nguyên và sống tại đây trong nhiều năm.

Lệ Quyên: Từng đi hát với cát xê 120 nghìn, biểu diễn 3, 4 show mới dám ăn nồi lẩu lòng
Lệ Quyên ngày xưa

Tới năm 1999, Lệ Quyên trở về Hà Nội và thi đỗ vào 2 trường đều về chuyên ngành âm nhạc là Nhạc viện Hà Nội và trường Đại học Văn hóa Hà Nội (lớp Âm nhạc, khoa Văn hóa quần chúng).

Vì xác định theo đuổi nhạc nhẹ nên Lệ Quyên chọn theo học tại Đại học Văn hóa Hà Nội (khi ấy Nhạc viện chủ yếu đào tạo thanh nhạc cổ điển).

Ngay từ năm đầu tiên, Lệ Quyên đã tham gia giao lưu văn hóa giữa các lớp trong khoa Văn hóa quần chúng và được giải nhất. Đó cũng chính là giải thưởng và cuộc thi duy nhất mà Lệ Quyên tham gia tính đến thời điểm hiện tại.

Thầy giáo chủ nhiệm của Lệ Quyên nhận thấy giọng hát đặc biệt từ cô học trò nên giới thiệu để cô hát tại các quán cafe sinh viên trên đường Cầu Giấy.

Trong khoảng thời gian này, Lệ Quyên được nhiều chủ phòng trà tại trung tâm thủ đô Hà Nội cũng như Sài Gòn chú ý đến và mời hát cover những ca khúc hit của những ngôi sao ca nhạc thời bấy giờ như Thu Phương, Phương Thanh, Cẩm Ly, Mỹ Lệ, Mỹ Tâm.

Lệ Quyên dành cả thanh xuân để hát miệt mài tại các phòng trà khắp Hà Nội. Cô chia sẻ: "Về thể lực, tôi đã phải tự rèn trong suốt hơn 20 năm hát phòng trà. Tôi rất chăm hát live. Một đêm hát phòng trà, tôi phải hát hơn 20 bài và hát như cơm bữa, chứ không phải thi thoảng".

Sau này, Lệ Quyên nhận định rằng, chính thời gian hát tại phòng trà giúp Lệ Quyên rèn luyện được bản lĩnh, sự tự tin trên sân khấu cũng như kỹ năng ca hát, môi trường học tập của cô chính là sân khấu.

Cô nói: "Giọng hát của tôi 80% là khổ luyện và 20% còn lại là bẩm sinh. Cách khổ luyện của tôi là miệt mài hát phòng trà mỗi tuần. Tôi phải hát vì không hát thì không bao giờ khá hơn được".

Tên tuổi Lệ Quyên được công chúng biết đến từ nhạc trẻ. Năm 2004, ngay khi album Vol 1 – Giấc mơ có thật phát hành đã tạo nên một loạt bài hit đóng đinh tên tuổi cô như Giấc mơ có thật, Hãy trả lời em, Thôi đừng chiêm bao, Phút giây hạnh phúc, Quên một cuộc tình...

Sau này, Lệ Quyên càng thành công hơn nữa khi lấn sân Bolero và tạo nên màu sắc hoàn toàn mới cho dòng nhạc này.

Đi hát chỉ đủ cát xê ăn nồi lẩu lòng nhưng vẫn mua được nhà cho bố mẹ

Thời còn đi hát phòng trà ở Hà Nội, cát xê khởi điểm của Lệ Quyên khi đó là 60 nghìn rồi tăng dần tới 120 nghìn một tụ điểm. Đó cũng là mức cát xê chung của ca sĩ Hà Nội lúc bấy giờ.

Lệ Quyên hé lộ: "Tuy nhiên, thời giá lúc đó một nồi lẩu lòng cũng phải giá 100 ngàn rồi. Ăn một nồi lẩu lòng là hết một show nên tối nào phải hát 3, 4 show mới dám ăn một nồi lẩu lòng. Tối nào ít show thì chỉ ăn phở Phùng Hưng thôi.

Nói chung, thế hệ của tôi là thế hệ chăm chỉ, miệt mài. Chúng tôi đi hát suốt đêm rồi chỉ ăn tô phở, lẩu lòng, ban ngày ngủ bù nên không có thời gian mà tiêu tiền".

Lệ Quyên cứ đi hát miệt mài rồi cũng có tiền lo cho gia đình và tự bỏ tiền mua chiếc ô tô đầu tiên năm 2005. Tới năm 2006, cô đổi được nhà cho bố mẹ. Điều đó chứng tỏ Lệ Quyên phải làm việc rất chăm chỉ.

Theo Tùng Ninh (Phụ Nữ Việt Nam)