Gần 30 năm từ khi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, Lam Trường gần như không thay đổi: Trẻ trung, đẹp trai, sống điềm đạm, không scandal. Kể về thời trẻ, khi còn học cấp 3, nam ca sỹ nói về những giấc mơ, hoài bão như bao thanh niên khác. Được định hướng cho nghề lập trình viên, nhưng Lam Trường lại lén theo đuổi giấc mơ làm ca sỹ khi thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.
Thậm chí, mong muốn chỉ cần được hát với Lam Trường lớn đến nỗi, anh “vượt rào” quy định của nhà trường để ra ngoài hát. Lam Trường kể:
“Tôi đi hát đám cưới trong khu người Hoa bên Quận 5, thù lao được trả tầm 20-30 nghìn thôi nhưng được đi hát vui lắm. Rồi quan khách hai họ thường cho thêm tiền típ, họ tặng những bông hoa tiền. Tôi có giao kết với mọi người, được tặng nhiêu bỏ hết vào thùng, cuối buổi tổng kết chia đều.
Sau này nhà trường biết, kỷ luật nhưng may mắn thầy cô thương, tôi không bị đuổi học… Nhưng tôi phải thú nhận là trong thời gian đó, dù bị nhà trường cấm, nhưng tôi vẫn trốn ra ngoài hát. Thù lao thì không bao nhiêu, nhiều khi tôi còn không nhận. Tôi thích đi hát vậy thôi”.
Nam ca sỹ cũng chia sẻ thêm về tiền cát-sê nhận được thời điểm đó. Đặc biệt, dù là ca sỹ nhưng khoản cát-sê đầu tiên anh nhận được lại không phải trên sân khấu ca nhạc hay phòng trà, mà là ở tiệc cưới.
“Tôi đi hát thêm ở vũ trường với cát-sê khoảng 80 - 120 nghìn đồng, sau này được nâng lên khoảng 200 nghìn đồng. Có đêm, tôi hát 8 vũ trường liền và thu nhập khoảng 1,6 triệu. Đó là số tiền rất lớn. Hồi đó, một bát phở mới có 5 nghìn đồng, vàng cũng chỉ khoảng 10 - 13 triệu đồng/lượng. Tôi hát vũ trường khoảng một tuần là được cả lượng vàng”, Lam Trường chia sẻ về thời đi chạy “sô”.
“Khoản tiền lớn nhất đầu tiên mà tôi kiếm được là khi kí hợp đồng độc quyền với trung tâm Việt Hùng thu 200 bài hát, trong thời gian 1 năm. Số tiền tôi được trả là khoảng 20 triệu đồng. Cầm tiền đó tôi mua chiếc xe Dream để đi làm. Đúng như tên gọi của nó, chiếc xe lúc đó đúng là giấc mơ đối với tôi”.
Trước khi có chiếc xe máy như mơ ước, Lam Trường kể về thời phải còng lưng đạp xe đi hát: “Có năm dù là đêm giao thừa nhưng tôi vẫn đi hát, tới 11h đêm, chương trình mới xong. Tiệc tan tôi đạp xe về nhà, vừa đạp xe thấy pháo hai bên đường nổ đì đùng, khung cảnh đó làm cho lòng tôi xao xuyến, vừa đạp mà nước mắt muốn rơi.
Vì sợ không về kịp đón giao thừa cùng gia đình, nên tôi ra sức đạp. Vì đạp nhanh quá nên xe bị tuột xích, tôi phải nguồi xuống sửa, sửa xong lại ra sức đạp, rồi lại tuột xích, lại sửa...Cứ như thế không biết bao nhiêu lần, may mắn tôi vẫn kịp về đón giao thừa với gia đình. Đó là kỉ niệm rất đẹp của những năm tháng thanh xuân rực rỡ.”
Lam Trường cũng chia sẻ, anh là người luôn khao khát và trân trọng tình cảm gia đình. Dù đi đâu, làm gì, xa hay gần vẫn luôn có thói quen về đón giao thừa với người thân cho đến tận bây giờ. Theo anh, đó là thời khắc tôn vinh thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người.
Nam ca sỹ chia sẻ, thời kỳ Làn Sóng Xanh xuất hiện năm 1997 cũng chính là lúc “thời” của anh tới: “Mưa phi trường, Tình thôi xót xa, Ánh sáng đời tôi, Nỗi nhớ dịu êm…Tôi ra bài nào, bài đó thành hit. Có những bài như Tình thôi xót xa đứng nhất bảng không phải tính theo tuần, theo tháng mà là theo năm.”
Kể về vấn đề này, Lam Trường không quên “đính chính” lại câu nói “chỉ hát Tình thôi xót xa mua được 20 căn nhà”. Đó chỉ là một sự “phóng ngôn” ví von lúc cao hứng. Tuy nhiên thì thực tế đó là bài hát mang lại cho anh thu nhập rất ổn định qua nhiều năm tháng, kèm theo đó là sự nổi tiếng khi giọng ca của anh đã phủ kín khắp thị trường và giới trẻ thời đó.
TQ (SHTT)