Chồng Nam, vợ Bắc
Gần một năm luân chuyển vào TPHCM và đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc VTV9 đã mang lại cho anh những trải nghiệm như thế nào?
- Đó là sự mới mẻ và luôn mang lại cho tôi sự hứng thú mỗi ngày. Thú vị nhất là được làm quen với một môi trường làm việc mới. Nó có cái khó riêng nhưng cũng chính vì thế mà nó mang lại sự thú vị. Tôi không chỉ làm quản lý mà còn phải học và được học rất nhiều thứ từ môi trường sôi động này. Nếu có điều gì đó phải suy nghĩ thì đó là việc phải xa gia đình. Nhưng khi mình đã chấp nhận thử thách thì phải vượt qua thôi.
Vậy anh có tính sẽ chuyển vợ con vào đó để không còn cảnh mỗi người một nơi nữa không?
- Đó là chuyện tương lai, còn trước mắt thì tôi bằng lòng làm khách hàng góp phần vào sự tăng trưởng cho ngành hàng không vì luôn phải bay đi bay về thăm gia đình liên tục. Cũng tốn kém lắm đấy, nhưng chuyển vào đó thì hiện tôi chưa nghĩ tới.
Vợ anh không giục giã về chuyện “hợp nhất” sao?
- Thực ra thì cô ấy cũng rất hiểu công việc của chồng nên không phàn nàn hay giục giã gì. Nghề truyền hình vốn có nhiều đặc thù riêng nên rất cần sự ủng hộ, cảm thông từ người thân. Và cô ấy rất hiểu điều đó (được biết, bà xã của Hải Đăng hiện cũng đang công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam - PV).
Vậy mà có thông tin nói rằng việc anh từ VTV nhận công tác ở Huế, rồi từ Huế vào TPHCM thực chất là “đi sứ” để sau đó trở về VTV với vị trí cao hơn...
- Trừ khi đó là thông tin từ Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thì mọi người hãy tin là sự thật. Nó cũng giống như ở chương trình VTV Awards mà VTV sẽ trao giải. Nhiều ý kiến nói Trấn Thành, Sơn Tùng có nhiều scandal như vậy thì đưa vào bình chọn có xứng đáng không? Bất cứ ai cũng có quyền đưa ra nhận định, nhưng nó có là sự thật hay không thì phải kiểm chứng chứ đừng nhìn hiện tượng nào đó rồi đánh giá. Nếu Sơn Tùng có 10 cống hiến nhưng chỉ vì sự vụ nào đó mà phủ nhận hết cống hiến của người ta thì không nên.
Đã quen với việc được gọi là “con trai của Lại Văn Sâm”
Đứng trước những thông tin đồn thổi về mình, có bao giờ anh thấy việc làm con của người nổi tiếng cũng phiền phức không?
- Thực ra, tôi đã được học cách đối diện với những thông tin như thế này từ khi còn rất trẻ rồi. Tôi nhớ năm tôi mới vào trường Học viện Báo chí, có một thầy (người mà sau này tôi rất quý vì thầy dạy rất giỏi) vào lớp tôi và hỏi: “Lớp này ai là Lại Bắc Hải Đăng?”. Mục đích chỉ là để xem mặt của con trai Lại Văn Sâm là như thế nào. Nhiều năm như vậy nên tôi đã quá quen với luồng thông tin bên ngoài rồi nên nó không còn làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi.
Bình thường khi gặp những sự cố liên quan đến công việc thì sự nghiệp sẽ tạm thời bị chững lại, thế nhưng anh lại được thăng tiến trong công việc. Điều này phải chăng là vì anh có bố là chỗ dựa?
- Có lẽ là để trả lời câu hỏi này một cách chính xác thì chỉ có lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam thôi. Tôi chỉ biết rằng, ở VTV, tôi đóng góp không ít cho các chương trình mới. Khi mới từ Úc về, tôi ao ước được làm một chương trình cho trẻ em mà không mang nặng yếu tố thi thố. Vì ở tuổi của các em, việc chơi và có cơ hội thể hiện bản thân mới là quan trọng. Đó là lý do để chương trình Đồ Rê Mí ra đời.
Chương trình Điều ước thứ 7 cũng là do tôi xây dựng và đề xuất. Nó xuất phát từ việc hàng ngày chúng ta phải nghe hàng nghìn câu chuyện đen tối trên mặt báo, và tôi muốn làm điều gì đó để mang lại niềm tin cho khán giả bằng những câu chuyện thật đẹp. Sau khi được một thành viên trong nhóm đề xuất ý tưởng từ câu chuyện một người đàn ông Hàn Quốc đang ở trong tù thì nhận được món quà, khi mở ra thì đó là cậu con trai, chúng tôi đã thực hiện những giấc mơ như cổ tích ở Điều ước thứ 7.
Hiện tại, tôi đang viết format cho chương trình có tên là Khủng hoảng. Trong cuộc sống hiện đại, con người gặp khủng hoảng rất nhiều. Một đứa trẻ chỉ rơi mấy hạt cơm xuống đất cũng bị mắng. Cầm phích nước chẳng may tuột tay cũng bị mắng, dù đứa trẻ ấy có muốn thế đâu. Rồi đứa trẻ đi học thì bị áp lực điểm số thấp, trưởng thành thì là công việc, mối quan hệ xã hội, gia đình... Bản thân tôi cũng gặp nhiều khủng hoảng từ khi còn là một đứa trẻ.
Do tôi sinh ra ở Nga nên từ nhỏ đã rất trắng trẻo. Nhưng khi về nước và học ở trong nước thì làn da trắng của tôi được xem là “tội”. Tôi bị các bạn ghét lắm, bảo đó là thằng lai. Phản ứng lại thì bị đánh. “Nhẹ nhàng” hơn là hứng cả chục bãi nước bọt của các bạn. Giờ nghĩ lại thì đó chỉ là chuyện trẻ con, nhưng lúc đó nó là khủng hoảng với tôi. Sau này, đời người còn có nhiều lần trải qua cảm giác như vậy, chẳng hạn như ở Điều ước thứ 7 là một ví dụ. Bằng cách này cách khác, chúng tôi đã giải quyết khủng hoảng đó một cách thấu đáo để lấy lại niềm tin của khán giả. Nhiều người cứ nhầm lẫn vì chuyện này mà tôi bị điều chuyển vào Huế nhưng đó là khủng hoảng của Điều ước thứ 7 chứ không phải của cá nhân tôi.
Kể từ khi lập gia đình thì khủng hoảng với anh là gì?
- Bất cứ ai khi đã lấy vợ, lấy chồng rồi thì đều có lúc rơi vào tình huống như vậy, nên nếu hỏi như thế thì sẽ bị coi là thừa. Trong cuộc sống, cái khổ và cái sướng luôn song hành với nhau. Nếu không chịu khổ thì sẽ không có cái sướng đó nên đừng phân vân hay ân hận khi gặp khủng hoảng.
Sẽ làm chương trình về khủng hoảng
Hình như ở VTV, ai cũng sợ tiết lộ về cuộc sống riêng của mình?
- Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, mà cuộc sống đó lại liên quan đến nhiều người khác nữa trong gia đình. Mình không nên vì bản thân mà lại kéo cả vợ con lên mặt báo. Tôi nghĩ việc không chia sẻ là sự tôn trọng đối với người thân của mình. Khán giả hãy yêu quý tác phẩm của chúng tôi chứ đừng quá quan tâm đến người thực hiện, vì đó cũng chỉ là công việc bình thường như bao người khác mà thôi.
Trong nhà anh có sự thỏa thuận nào về việc không chia sẻ không?
- Không có sự thỏa thuận nào cả, tự chúng tôi hiểu và thực hiện thôi.
Khủng hoảng lúc bé vì bị bạn bè trêu, không biết nó xảy ra bao lâu nhưng có vẻ như anh không tâm sự với bố mẹ để được “trợ giúp” thì phải?
- Tôi đâu có nói là không tâm sự với bố mẹ? Thực ra trong số 10 lần thì có khoảng đôi ba lần tôi có nói chứ. Khi gặp khủng hoảng, phản xạ tự nhiên là người ta sẽ phải lựa chọn ai đó để chia sẻ. Có thể là bạn bè, bố mẹ hay người thân hay tự thân... còn tùy thuộc vào bản tính của mỗi người. Chương trình của tôi sẽ giúp khán giả biết mình nên làm gì khi rơi vào khủng hoảng. Nhưng tôi nghĩ là không nên hỏi chi tiết quá vào đời sống riêng tư mà nên hỏi về công việc, như thế để tôi đỡ mất công phải từ chối.
Vậy thì xin hỏi anh một câu về chuyên môn, liên quan đến việc gần đây, VTV liên tục gây tranh cãi về các tình huống được cho là dàn dựng trong tác phẩm. Mà dường như điều này rất hay được sử dụng trong truyền hình thì phải...
- Tôi xin phép không nói về chương trình của người khác vì tôi không trực tiếp ở trong câu chuyện đó. Nhưng ví dụ trong Điều ước thứ 7, có những cảnh chúng tôi phải nhờ người đóng, diễn lại tình huống được nhân vật kể lại. Thực ra, việc đóng lại, diễn lại nó là một thủ pháp trong trong truyền hình. Chẳng hạn, chúng tôi từng dàn dựng cảnh người mẹ biết mình sắp ra đi nên cái nắm tay của chị ấy trong hình dung của chúng tôi là rất thiêng liêng. Trên thực tế thì ai biết nhân vật có làm như thế hay không, nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là truyền đi thông điệp xúc động về tình mẫu tử.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ: “Tôi chỉ có mong muốn thực hiện hết mình nhiệm vụ được giao. Cũng giống như một diễn viên, khi họ được giao vai thì việc đầu tiên là làm sao để hoàn thành tốt nhất vai diễn rồi khoan mới nghĩ đến các giải thưởng. Công việc của tôi chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong VTV nên tôi không có ý định gì to lớn, chỉ đơn giản là làm hết sức mình thôi”. |